Trao đổi với báo chí trong khuôn khổ tọa đàm về ứng dụng toán học, GS.TS Nguyễn Hữu Dư (nguyên Chủ tịch Hội toán học Việt Nam, nguyên Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về toán) cho hay, môn toán là môn học đòi hỏi tư duy hết sức chặt chẽ, đòi hỏi tư duy logic.
Chiều 3/8, Trường Ðại học Nguyễn Tất Thành tổ chức tọa đàm "Nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng toán học" thu hút gần 100 đại biểu là các nhà khoa học trong nước và quốc tế tham dự.
Chương trình nhằm tạo ra một diễn đàn giúp các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực toán học, cán bộ giảng viên báo cáo, giới thiệu, trao đổi, thảo luận những hướng nghiên cứu mới trong toán học ứng dụng trong giảng dạy và nghiên cứu chuyên sâu.
Tuy nhiên, ông không nghĩ học sinh ở tiểu học, phổ thông sợ toán. Toán vẫn là môn được chú ý trong trường phổ thông nhưng lên đại học lại có thực tế là sinh viên rất sợ môn học này.
GS.TS Nguyễn Hữu Dư cho rằng có nhiều lý do cho nỗi sợ toán của sinh viên đại học. Khi vào đại học đã có sự phân hóa về ngành nghề, nhiều sinh viên có tư tưởng muốn học nghề cho ra ngô ra khoai ngay tức khắc.
Còn toán thì lại hàn lâm, trừu tượng nên khá xa rời thực tiễn. Sinh viên cảm thấy không hữu hiệu trong việc học toán, không thấy toán hữu ích cho bản thân.
Ngoài ra, kiến thức toán quá khó, sinh viên khó tiếp cận hơn so với những ngành khác. Học toán khác nhiều môn, nhiều ngành khác ở chỗ là học phải có trình tự logic, học từng bậc từ thấp lên cao. Những người không có tư duy logic sẽ rất khó khăn để học toán.
Đặc biệt, phải nói đến lý do là người dạy chưa mang đến cảm hứng cho sinh viên, thầy cô chưa có cách để sinh viên thích học toán. Dạy toán phải chú đến việc truyền đạt cho sinh viên một cách hữu hiệu và sát hơn với thực tế.
GS.TS Nguyễn Hữu Dư, cần có những cải tiến trong dạy học từ bậc phổ thông nhằm mang đến cho học sinh những phương thức học toán mới mẻ hơn.
Chứ không phải đưa ra công thức dài dằng dặc rồi ngồi biến đổi rồi lại ra đề thi rất oái oăm cho người học. Điều này chỉ làm cho toán học ngày càng xa rời thực tế.
Trước góc nhìn, học sinh phổ thông học toán vì phải thi toán, ông Dư đưa ra quan điểm phản bác: "Nhiều môn khác cũng thi chứ không chỉ môn toán. Nếu như cho lựa chọn, tôi tin các em vẫn lựa chọn học môn toán".
Trước câu hỏi, liệu hình thức thi trắc nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT có ảnh hưởng đến cách học và cảm hứng với môn toán, GS.TS Nguyễn Hữu Dư thẳng thắn bày tỏ nếu dùng từ "ảnh hưởng" đến môn toán từ hình thức thi trắc nghiệm thì mới chỉ nói lên được một góc nhỏ.
Với ông, thi trắc nghiệm như hiện tại không chỉ là ảnh hưởng đến môn toán mà phải nói là đang bóp chết môn toán.
"Tôi phải dùng từ mạnh hơn là cách thi này (trắc nghiệm) đang bóp chết môn toán. Tôi nói như vậy, ai chửi tôi, tôi chịu", vị GS toán học nhắc lại.
Ông phân tích, toán đào tạo con người tư duy logic, tư duy hệ thống. Ở mức độ khác nhau sẽ có cách tiếp cận khác nhau chứ không phải tuyển chọn ngẫu nhiên.
Bài thi về toán phải là những bài suy luận, suy luận sao cho phù hợp với thời đại công nghệ thông tin chứ không phải suy luận theo cách như trước đây với tờ A4 dài dằng dặc đầy công thức.
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Dư, tại nhiều nước trên thế giới, trắc nghiệm chỉ nên dùng để lựa chọn ban đầu. Chẳng hạn như 100.000 học sinh thi toán, phương án trắc nghiệm sẽ cho phép lựa chọn ra một số lượng nhất định trong đó. Tiếp đó, cần có hình thức khác để lựa chọn chứ không phải kiểu trắc nghiệm chọn a,b,c...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.