“Chúng tôi tiếp tục tuân thủ lập trường của mình rằng một giải pháp toàn diện, bền vững và công bằng chỉ có thể thực hiện được nếu chính quyền Kiev ngừng các hành động thù địch và tấn công khủng bố, đồng thời các nhà tài trợ phương Tây ngừng bơm vũ khí cho các lực lượng Ukraine”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin nói với hãng thông tấn nhà nước Nga TASS.
Ông nói thêm rằng công thức hòa bình 10 điểm do Tổng thống Volodymyr Zelensky đề xuất “không liên quan gì đến một giải pháp hòa bình".
Đó là “một tập hợp các tối hậu thư yêu cầu Nga đầu hàng”, ông Galuzin nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm rằng Trung Quốc, Brazil và một số quốc gia châu Phi cũng đưa ra các đề xuất, nhiều đề xuất trong số đó cho thấy “sự hiểu biết sâu sắc về nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột Ukraine và ý nghĩa địa chính trị của nó".
Công thức hòa bình 10 điểm của ông Zelensky - bao gồm việc quân Nga rút khỏi Ukraine và chấm dứt chiến sự; khôi phục biên giới quốc gia của Ukraine - đã được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh G-20 vào tháng 11.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán cuối tuần về cuộc xung đột đã được tổ chức tại Jeddah, Ả Rập Saudi. Hơn 40 quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và các nước châu Âu, trừ Nga đã tham gia.
“Nền tảng đầu tiên là chủ quyền Ukraine phải được xác lập. Đó là tình trạng trung lập, không liên kết và phi hạt nhân hóa của nước này. Các thực tế lãnh thổ mới phải được công nhận, việc phi quân sự hóa và phi hạt nhân hóa Ukraine, quyền của các công dân nói tiếng Nga và các dân tộc thiểu số phải được đảm bảo theo các yêu cầu của luật pháp quốc tế”, ông Galuzin tuyên bố.
Ông cho biết việc thành lập Hội đồng Ukraine-NATO không mang lại những thay đổi cơ bản hay các mối đe dọa mới cho Moscow. Theo vị quan chức Nga, việc liên minh này nhất quyết yêu cầu Kiev trở thành thành viên của NATO sau khi cuộc xung đột kết thúc cho thấy họ sẽ tiếp tục sử dụng Ukraine như một con rối trong cuộc chiến ủy nhiệm của họ nhằm chống lại Nga.
Ông Galuzin cũng đề cập đến những căng thẳng gần đây ở biên giới giữa Minsk và Warsaw, cáo buộc rằng việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tại Belarus là "đòn trả đũa" đối với sự gia tăng các mối đe dọa từ phương Tây đối với Moscow và Belarus.
Nga và Belarus đang cùng nhau thực hiện các biện pháp thích hợp để chống lại các mối đe dọa. Căng thẳng giữa Belarus, một đồng minh của Nga và Ba Lan - thành viên NATO đã gia tăng trong những ngày gần đây, đặc biệt là do sự hiện diện của nhóm lính đánh thuê Wagner. Nhiều chiến binh Wagner đã chuyển đến Belarus sau sự thất bại của cuộc binh biến ngắn ngủi chống lại Moscow vào tháng 6.