UBND tỉnh Nam Định vừa có báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2023 gửi Thanh tra Chính phủ.
Theo UBND tỉnh Nam Định, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh này đã ban hành kế hoạch PCTN năm 2023. Căn cứ kế hoạch của tỉnh, các cấp các ngành đã xây dựng kế hoạch PCTN năm 2023 của địa phương, đơn vị, nội dung tập trung vào việc hoàn thiện chính sách pháp luật về PCTN, hệ thống hóa văn bản về PCTN, triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN.
Toàn tỉnh đã ban hành 114 văn bản mới để triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN.
Trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, tỉnh này đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, lựa chọn hình thức, nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị. Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo…
Kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng cho thấy, trong việc chuyển đổi vị trí công tác và kiểm soát xung đột lợi ích, ngày 28/4/2023, UBND tỉnh Nam Định có công văn số 254/UBND-VP8, chấn chỉnh chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó đã yêu cầu tiếp tục quán triệt, phổ biến và thực hiện nghiêm việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo đúng quy định; trong tháng 1 hàng năm phải rà soát đối tượng chuyển đổi để ban hành và công khai kế hoạch chuyển đổi; nội dung kế hoạch phải bảo đảm yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Phòng, chống tham nhũng.
Trong kỳ, đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của 50 công chức, viên chức để phòng ngừa tham nhũng.
Về kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN), UBND tỉnh Nam Định cho biết, việc kê khai, công khai bản kê khai TSTN của đối tượng phải kê khai đã đi vào nền nếp; việc kê khai, công khai bản kê khai tài sản thu nhập của người được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đảm bảo thực hiện theo đúng quy định.
Ngày 16/1/2023, UBND tỉnh Nam Định có văn bản số 32/UBND-VP8 phê duyệt nội dung kế hoạch xác minh TSTN năm 2023. Trên cơ sở đó, Thanh tra tỉnh đã triển khai và hoàn thành việc xác minh TSTN đối với 24 người tại 4 cơ quan, đơn vị được lựa chọn ngẫu nhiên (huyện Vụ Bản, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ).
Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ đã và đang triển khai xác minh TSTN đối với 14 người thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý; UBKT Huyện uỷ các huyện, thành phố đã triển khai xác minh TSTN đối với 44 người thuộc quyền quản lý của mình.
Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, theo UBND tỉnh Nam Định, trong kỳ báo cáo đã và đang xử lý 16 vụ việc, với 38 đối tượng; trong đó, có 8 vụ, với 18 đối tượng mới thụ lý giải quyết trong kỳ.
Cụ thể, nhà chức trách không thát hiện, xử lý tham nhũng qua hoạt động giám sát, kiểm tra và tự kiểm tra nội bộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; không phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng qua hoạt động thanh tra, kiểm toán. Có 16 vụ việc tham nhũng được phát hiện qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
Kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng trong phạm vi theo dõi, quản lý: Đã và đang xem xét, xử lý 16 vụ án tham nhũng, trong đó 4 vụ đã xét xử; 12 vụ đang điều tra, truy tố.
Về kết quả xử lý tài sản tham nhũng, theo báo cáo của UBND tỉnh Nam Định, tổng số tiền, tài sản tham nhũng phát hiện trong kỳ là 2.609 triệu đồng; không phát hiện tài sản tham nhũng là đất đai. Cơ quan chức năng đã thu hồi tài sản tham nhũng được 1.255 triệu đồng.
Về kết quả xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, theo UBND tỉnh Nam Định, 2 trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật (1 trường hợp bị kỷ luật Cảnh cáo, 1 trường hợp bị kỷ luật Cách chức).
Theo đánh giá của UBND tỉnh Nam Định, năm 2023, công tác PCTN trên địa bàn tỉnh này tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, đồng bộ. Các vụ việc tham nhũng được phát hiện đang được các cơ quan tư pháp đẩy nhanh điều tra, truy tố, xét xử. Tình hình tham nhũng trên địa bàn tỉnh Nam Định trong năm 2023 không phức tạp, không phát sinh vụ việc tham nhũng nghiêm trọng.
Bên cạnh những ưu điểm, theo tỉnh Nam Định, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế. Theo đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung và pháp luật về PCTN nói riêng chưa được thường xuyên, liên tục; nội dung, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng, hiệu quả chưa cao.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đặc biệt là tự kiểm tra giám sát nội bộ phát hiện ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, lãng phí còn hạn chế. Các đơn vị khu vực ngoài Nhà nước chưa quan tâm đúng mức công tác PCTN.
Tại cuộc họp định kỳ của Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh (Ban Chỉ đạo) Nam Định vào đầu tháng 8/2023, các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh báo cáo tình hình, tiến độ, những khó khăn, vướng mắc, đề ra phương hướng, nhiệm vụ tiếp tục xử lý trong thời gian tới đối với các vụ án, vụ việc:
"Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "Tham ô tài sản" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nam Định; "Trốn thuế", "Tham ô tài sản", "Chiếm đoạt tài liệu của cơ quan, tổ chức" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại Công ty cổ phần Dịch vụ tang lễ Hoàng Long; "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" xảy ra tại Công ty cổ phần Dịch vụ tang lễ Hoàng Long; "Nhận hối lộ và môi giới hối lộ", "Làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới và Công ty TNHH Kỹ thuật và dịch vụ TKT; "Lạm quyền trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại xã Yên Phúc (Ý Yên) và vụ việc sai phạm về đất đai xảy ra tại xã Minh Thuận (Vụ Bản).
Tại cuộc họp này, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Phạm Gia Túc yêu cầu cấp ủy các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh tiếp tục điều tra, xác minh, đánh giá chứng cứ, tài liệu xác định hành vi phạm tội của các đối tượng có liên quan đến các vụ án, vụ việc nêu trên; đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật; làm rõ đến đâu xử lý đến đó; không để oan, sai, không bỏ lọt tội phạm.