Tôi vốn không được sinh ra và lớn lên trên đất Hà Nội, nhưng lại cơ duyên được có một khoảng đời sống, làm việc và trưởng thành tại Thủ đô vào những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Quảng đời niên thiếu được gắn kết với Thủ đô mang đến cho tôi biết bao dư vị đặc biệt trong hồi ức. Để rồi hôm nay, dù đã là một người trung niên, tóc bạc đến nửa mái đầu, lòng tôi vẫn nao nao nhớ đến biết bao kỉ niệm tươi đẹp một thời đã qua.
Vốn là một đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở nông thôn nên Hà Nội từ lâu trong tôi là một danh từ gợi nên bao điều thiêng liêng, lạ lẫm nhưng không kém phần hấp dẫn. Những ngày còn thơ, đứa trẻ là tôi thường áp sát tai vào chiếc đài bán dẫn say sưa nghe những bài hát về Thủ đô, hoặc trốn việc ra sau vườn ngấu nghiến đọc những thông tin về vùng đất đặc biệt này trên mặt báo Nhân Dân, Nhi Đồng hay Thiếu niên Tiền Phong mà mẹ mang về từ thư viện của xã.
Tôi hay khẽ khàng lật giở từng trang báo, sợ làm nhăn giấy, sợ làm trầy đi những trang in phong cảnh hồ Gươm hay phố phường Hà Nội. Sợ nhiều thứ, cứ như thể nếu làm hư những tờ báo ấy thì giấc mơ đến Hà Nội của mình cũng tan thành mây khói.
Dù thế, với gia cảnh nghèo khó như gia đình tôi khi ấy, thì việc đến Hà Nội quả là một giấc mơ xa xôi, tựa hồ như những tờ báo in hình phong cảnh Thủ đô đã dần vàng ố trên giá sách. Mỗi lần về nhà, ngẩng đầu nhìn thấy giấc mơ của mình bị đóng bụi trên ấy, lòng tôi chợt buồn rầu vô kể. Nhưng rồi, bằng một cách nào đó, tôi vẫn tin Hà Nội rồi có lúc chỉ cách mình một màn sương mờ sau ô cửa nhỏ trên xe khách.
Để rồi khi tôi đến với Thủ đô không phải để thi đại học mà đi làm phụ hồ theo bố ở phố Khâm Thiên. Tôi không buồn mà ngược lại nghĩ đó là cơ duyên hiếm hoi mà cuộc đời dành cho mình. Lần đầu đến Hà Nội, tôi háo hức ngắm nhìn những cây xà cừ xanh mướt, cây bàng lá đỏ, mái ngói thâm nâu, thích thú nghe "tiếng xe điện leng keng" trên phố.
Thi thoảng tan làm sớm, tôi hay dạo bước chầm chậm theo mùi hương hoa sữa thơm nồng cuối thu dọc phố Nguyễn Du hoặc thong thả đạp xe trên phố Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu trải đầy lá sấu vàng ruộm như một tấm thảm khổng lồ sau mỗi cơn gió ào tới, thấy lòng mình mênh mang biết bao cảm xúc lạ kỳ.
Tuổi mới lớn sống giữa lòng Thủ đô, cuộc sống nhộn nhịp của phố phường bên ngoài công trường đầy sức cuốn hút. Như thấu hiểu được nỗi niềm của tôi, bố tôi ít khi rầy rà hoặc yêu cầu con trai phải về sớm sau những buổi làm việc vất vả.
Thậm chí, vào một ngày chủ nhật, biết con trai ít khi được ăn ngon, bố tôi hào hứng bảo: "Lâu rồi cả hai bố con mình không được về nhà, hôm nay lĩnh được lương, đồng chí bố sẽ đãi đồng chí con một bữa phở Hà Nội cho ra trò nè". Tôi vui mừng theo bố ra quán phở nhỏ trên đường Ngọc Khánh. Đây là lần đầu tiên tôi được bố dẫn đi ăn phở ngay tại Thủ đô.
Cảm giác đặc biệt ấy khiến cho bát phở trong vắt, đầy ắp thịt bò và thơm tho mùi hành lá ấy thêm phần đậm đà, ngon lành đến kỳ lạ. Đôi khi, có những điều bình dị trong cuộc sống nhưng lại làm khiến chúng ta cảm thấy vô cùng hạnh phúc, Hà Nội đã cho tôi có được những giờ phút đầy trân quý yêu thương bên bố, người thân yêu nhất cuộc đời mình.
Cũng trong những năm tháng của thời niên thiếu đầy khát vọng ấy, tôi dần khám phá ra nhiều góc cạnh đẹp hơn của Hà Nội qua những lần đi làm ở khu vực Quảng Bá, Nghi Tàm để rồi mê mẩn ngắm Hồ Tây xanh biếc dưới làn gió lộng hay Trúc Bạch lơ thơ rặng liễu rủ xuống.
Thoáng trong cái hanh hao của tiết trời mùa thu, tôi mơ hồ nghe văng vẳng đâu đây nhịp chày Yên Thái từ cõi xưa vọng lại. Đôi lần vào cuối tuần, khi công việc trở nên nhàn hạ hơn, hai bố con tôi lại đi dọc quanh con đường gốm sứ, tôi la cà khu phố cổ, thong thả quanh phố đi bộ ở Hồ Gươm, ghé lại hiệu kem Tràng Tiền ăn que kem cốm, bất kể cả khi trời giá rét.
Những ngày tan làm về khuya, tôi hay chầm chậm đạp xe để nhìn rõ Hà Nội đêm, lắng tai nghe tiếng rao hàng ăn đêm của người bán dong cất lên:"Ai bánh bao, bánh khúc nóng đê". Tôi hay lơ lễnh mỗi khi hoàng hôn buông xuống, có dịp ngắm mặt trời đỏ ối từ từ lặn xuống sau những dãy nhà cao tầng xếp san sát, để rồi tha hồ hít hà hương sen thơm ngát từ mặt hồ Tây như chỉ sợ mùi thơm ấy biến mất trong khoảnh khắc. Đêm Hà Nội nhộn nhịp. Dưới ánh đèn đường vàng rực, người xe tấp nập lướt qua nhau như cuộc sống vẫn hằng hối hả vội vã.
Xen lẫn tiếng còi tàu xe là tiếng rao đêm nhọc nhằn của nhiều mảnh đời. Dẫu bản thân cũng chẳng mấy khá giả nhưng tôi vẫn hay dừng lại nấn ná mua ít quà vặt, vì lòng cảm thương những vòng quay của biết bao chiếc xe đạp cũ, kẽo kẹt chở nặng cuộc sống của cả một gia đình nào đó.
Những tiếng rao khẽ khàng vang lên trong màn đêm: "Ai mì nóng, bánh ngọt đê" hay "ai khúc nóng đê" hòa cùng tiếng chổi tre xoèn xoẹt của các anh chị lao công cần mẫn làm sạch đường phố, đã trở thành những thứ âm thanh không thể thiếu của Hà Nội mỗi khi đêm buông xuống.
Để rồi khi nhận được tin phải nhập ngũ từ quê nhà, lòng tôi buồn não nề. Tôi sợ xa Hà Nội không phải vì thiếu vắng cuộc sống đủ đầy cơm áo, mà sợ không còn có dịp quay lại để thả hồn theo những thứ tôi đã từng yêu. Nhưng rồi điều gì đến sẽ phải đến, tôi vẫn phải tạm xa Thủ đô để lên đường nhập ngũ. Hà Nội ưu ái một lần nữa khi tôi trở thành chàng binh nhất từ vùng đất Ba Vì về công tác mười ngày tại thành Hoàng Diệu. Những quán trà đá vỉa hè, những quán ăn sáng, ăn đêm, những tiếng rao vẫn thân thuộc như xưa.
Nhiều năm trôi qua, tôi trưởng thành và tìm được công việc ổn định tại một công ty. Lần thứ ba khi được cử đi công tác, tôi có dịp quay lại sống và làm việc lâu hơn cùng Hà Nội. Thời gian ba năm, không dài nhưng chẳng ngắn, đủ để tôi giữ cho riêng mình những nét đẹp Hà Thành. Tôi có dịp đi chơi, thăm thú nhiều nơi ở Hà Nội. Bởi với tôi, mỗi mùa, Thủ đô lại có nét đẹp khác biệt không lẫn vào đâu được...
Đó là những kỷ niệm về Hà Nội của tôi hơn hai mươi năm về trước. Giờ đây, khi đã trở thành một người trung niên, quẩn quanh với bao bộn bề của đời sống nên thỉnh thoảng, tôi mới có dịp ghé thăm lại vùng đất mến yêu. Những chuyến tham quan Thủ đô một cách ngắn ngủi ấy, tôi hay bâng khuâng men theo con đường nhỏ quen thuộc, cố gắng hít hà thỏa thuê cái mùi hương nồng nàn của hoa sữa đang quấn quyện trong làn gió chớm thu.
Ở một góc nhỏ nơi cuối phố, những hàng quán mọc lên ven đường vẫn sôi động và rầm rì, tiếng người cười nói chen vào nhau ồn ã, thi thoảng lại pha chút âm thanh hỗn tạp của còi xe huyên náo, tôi khẽ khàng chọn một góc nhỏ trong quán cà phê vắng vẻ, lắng tai nghe giai điệu du dương từ bản nhạc phát ra từ chiếc loa máy tính đặt bên trong quán, thả mình vào những dòng chảy miên man không ngừng của lắng đọng và suy tư. Có một Hà Nội trong nỗi nhớ khoảng đời niên thiếu vẫn còn mãi trong kí ức tôi.
Tác phẩm dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II nhận bài viết dự thi kể từ thời điểm phát động tháng 4/2023, đăng tải bài viết từ ngày 01/5/2023 và kết thúc ngày nhận bài dự thi ngày 10/9/2023.
Cơ cấu giải thưởng: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.
Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào đầu tháng 10/2023 tại Hà Nội.