Ký ức Hà Nội: Miền ký ức về hương bưởi ngào ngạt phía sau nhà

Trí Ninh Thứ hai, ngày 07/08/2023 11:50 AM (GMT+7)
Hương bưởi chắc cũng vì thế trở thành nỗi nhớ nhung trong tiềm thức tôi về một thứ hoa thuần khiết, mộc mạc nhưng lại cực kỳ nồng nàn quyến luyến. Loài hoa ấy không cần sắc màu rực rỡ, chỉ vẹn nguyên một màu trắng giản dị lại khiến biết bao người xao xuyến vô kể.
Bình luận 0

Một sáng nhàn tản, khi có dịp quay trở lại Hà Nội, tôi thong dong đi dạo quanh các góc phố cổ. Đúng dịp hoa bưởi nở rộ, thành phố như được đánh thức bởi mùi hương ngan ngát của hoa theo xe đạp rong ruổi từ Phú Diễn qua ô Cầu Giấy rồi vào thành nội. Miền kí ức thơm hương nhắc nhớ tôi về khoảng đời tuổi thơ đã xa.

Ít ai biết rằng đầu thế kỉ XIX, Thủ đô Hà Nội có những làng ven đô nằm trải dọc theo bờ sông Tô Lịch ra tới tận mạn Hồ Tây mênh mông sông nước. Ngoài nghề trồng lúa, trồng hoa, làm giấy…bà con ở khu vực làng ven Thủ đô còn có thêm nghề làm các loại bánh như bánh khảo, bánh dẻo, oản bột để cúng rằm hay dùng trong các dịp giỗ Tết. Một trong những nguyên liệu quan trọng không thể thiếu để làm bánh là nước hoa bưởi.

Cứ theo thường lệ, qua đến rằm tháng Giêng là những nhà trồng bưởi chung quanh lại nhóm lò chưng cất nước thơm. Vì mùa hoa bưởi chỉ kéo dài vỏn vẹn vài tuần nên các cô các bác phải khẩn trương thu hái để đảm bảo hương thơm giữ được đậm nhất.

Ký ức Hà Nội: Miền ký ức về hương bưởi ngào ngạt phía sau nhà - Ảnh 1.

Hương của hoa bưởi khiến nhiều người mê say. Ảnh Tác giả cung cấp.

Hoa bưởi dùng để cất nước thơm thường được mọi người chọn hái ở những cây bưởi trồng lâu năm. Cánh hoa bưởi nhỏ mà tỏa hương rất đậm. Theo kinh nghiệm của bà tôi, người hái sẽ chọn nhũng ngày nắng ráo mới trẩy hoa cũng bởi nếu gặp tiết mưa phùn ẩm ướt, hương hoa sẽ nhạt dần, không thu được thành phẩm ưng ý.

Đôi lần, thức giấc giữa lưng chừng giấc mơ, tôi thường miên man nhớ cây bưởi nơi nhà cũ, còi cọc mà bền bỉ ra hoa mỗi độ xuân về. Theo lời bà nội tôi kể thì cây bưởi này vốn là do ông nội trồng trước khi rời Hà Nội để tập kết vào miền Nam. Kháng chiến thành công, hai miền đất nước đã thống nhất nhưng ông nội tôi vĩnh viễn không quay trở về bên bà và gia đình. Ông đã mãi mãi nằm lại ở một nơi nào đó tại chiến trường miền Nam, chỉ còn lại cây bưởi ra hoa thơm nồng sau vườn nhà.

Chắc cũng vì lẽ đó mà bà nội tôi rất yêu cây bưởi. Bà thường bảo cây bưởi là loài thực vật rất giàu nghị lực. Cũng bởi, đất vườn nhà bà nội tôi là khoảng trống nhỏ được tận dụng để trồng trọt nên không được màu mỡ. Do đó, loài cây nào muốn phát triển cũng phải nỗ lực chắt chiu nhựa sống mới tỏa bóng mát và ra hoa, kết trái. 

Những bông hoa bưởi nhỏ bé mà dịu dàng, đủ sức tỏa hương suốt nhiều ngày mưa phùn ẩm ướt. Trên vài cành gầy guộc, lá non cũng đua nhau chào gió. Sáng nào, khi thức giấc giữa lưng chừng giấc mơ, tôi cũng ra thăm, tò mò xem sau một đêm, có chùm hoa nào mới bung nở thêm không. 

Sau bữa điểm tâm, tôi theo thường lệ sẽ cùng bà nội ra vườn hái hoa. Vốn tính tỉ mỉ, bà tôi thường ưu tiên hái hoa khi trời vừa sáng, nắng còn chưa têm vàng mặt ngõ. Hai bà cháu tôi loay hoay chọn những bông bưởi vừa xòe năm cánh, hạn chế chọn nụ xanh vì nước sẽ đắng, đồng thời cũng không chọn bông nở quá nước sẽ chua.

Hai bà cháu tôi cứ thế say mê ngắm nhìn những cành hoa bưởi rả sát trên mái nhà dày đặc, trắng xoá. Bầy ong thi thoảng lại vo ve, mê mải rúc đầu vào nhuỵ hút mật, người dính đầy phấn vàng tươi. Đến non trưa thì hai bà cháu cũng hái đầy ắp một thúng hoa.

Theo kinh nghiệm của bà tôi, trước khi chưng cất cần ủ cho hoa lên hương. Vốn am hiểu y học cổ truyền nên bà tôi thường kết hợp thêm vài vị thuốc có lợi cho sức khỏe nhằm gia giảm để hương bền mùi. Công đoạn này nhiều gia đình chưng cất nước bưởi khi xưa phải nhờ cậy vào mấy người bạn trên phố Hàng Đường có nghề làm bánh lâu đời để ủ giúp. Tuy nhiên, nhờ có bà tôi, vốn giàu kinh nghiệm, nên gia đình tôi tiết kiệm được chi phí cho giai đoạn này.

Dụng cụ chưng cất nước hoa bưởi thường là chiếc nồi đất nung to đại. Riêng nhà tôi chỉ dùng chiếc chõ gỗ nhỏ để chưng cất vừa một thúng hoa. Trước khi cất, bà tôi thường nhẹ tay vẩy nước cho ướt cánh hoa. Trong lúc đó, bố tôi sẽ rang cát thật nóng đặt dưới chõ hoa. 

Khi hơi nóng lảng bảng bốc lên cũng là thời điểm những cánh hoa bưởi nhả hương ngưng đọng thành giọt vào chiếc vung trong vắt. Bốn mươi lăm phút đầu cho ra thứ tinh dầu đậm đặc, thơm nức mũi chủ yếu để dùng làm bánh khảo, bánh dẻo, bánh su sê. Vào những thời điểm sau, khi hương nhạt dần, loại tinh dầu ấy chỉ thoang thoảng, phù hợp cho các món chè.

Những ngày còn thơ, tôi thường ngẩn ngơ đứng nhìn bếp củi cháy đượm, lảng bảng hương thơm, thầm tưởng tượng đến biết bao thú vui tao nhã trên đời. Hương hoa bưởi nhẹ nhàng nhưng quyến rũ cứ thế vấn vương khắp gian bếp, thấm đẫm áo lụa, khăn nhung của bà, tỏa vào cả phòng học ướp hương từng trang sách tuổi thơ. Càng may mắn hơn khi có những hôm nhiều nhà trong vùng cùng chưng cất sẽ tạo thành một hương thơm dịu dàng mà thanh khiết đến kỳ lạ.

Hoa sau khi chưng cất xong thường được mẹ tôi dỡ vào chiếc chậu đồng, cho thêm vài gầu nước mưa mát lành. Những chậu nước ngát hương hoa ấy thường được tận dụng để gội đầu hay tắm cho bọn trẻ con trong nhà. Chắc có lẽ nhờ thế mà chị em tôi khi lớn lên đứa nào tóc cũng suôn mượt, da dẻ mịn màng dẫu sinh trưởng trong thời kỳ bao cấp khó khăn. Mãi cho đến khi trưởng thành, sống giữa phố thị, bản thân tôi đôi khi chán ngán những loại dầu gội công nghiệp nhiều hóa chất, vẫn hay tự chuẩn bị cho mình những chậu nước tắm thoang thoảng mùi hương bưởi tự nhiên, thấy lòng mềm đi trước bao lo toan thường nhật.

Ký ức Hà Nội: Miền ký ức về hương bưởi ngào ngạt phía sau nhà - Ảnh 3.

Món chè ướp hoa bưởi thơm phức. Ảnh Tác giả cung cấp.

Với những đứa trẻ con như tôi khi ấy có lẽ háo hức nhất vẫn mùi hoa bưởi thoang thoảng trong đĩa bánh trôi, bánh chay. Nhấm nháp một chút bánh, thoáng thấy vị bánh mềm quyện hương bưởi ngửi, khiến bất kỳ thực khách khó tính nào cũng chẳng nỡ chối từ.

Hoặc thi thoảng nhà có khách quý, sau bữa cơm bà và mẹ thường tranh thủ nấu thêm ít chè. Mỗi loại chè tuỳ theo mùa mà thêm hương cho phù hợp. Chè hạt sen long nhãn ướp hoa sen, chè đậu đãi ướp hoa bưởi, chè đậu đen ướp hoa nhài, chè cốm ướp hoa cau, chè kê đi với hoa ngâu...

Tôi thường háo hức quan sát cách mẹ trải một lớp giấy mỏng kín mâm đồng rồi rải lên trên một lớp hoa rồi nhẹ nhàng úp những chiếc bát đong chè xinh xinh, mỏng như vỏ trứng phơi sương qua đêm. Hôm sau khi nhấc chén lên đơm chè, mẹ chỉ cần cho thêm vài muỗng nhỏ hương thơm đã ngào ngạt, cũng đủ tạo cảm giác về một vườn hoa đầy hương sắc cho nguoi thưởng thức. 

Đưa bát chè lên ngang mũi, hít một hơi thật sâu rồi từ từ lấy chiếc thìa sứ xúc từng miếng thưởng thức, sẽ cảm nhận được thật rõ rệt mùi hương của nắng mưa, hòa quyện cùng sương tan trong đất kết tinh. Món chè ướp hương hoa bưởi từ lâu đã trở thành truyền thống, thể hiện sự tao nhã trong văn hoá thưởng thức ẩm thực của người Hà Nội.

Hương bưởi chắc cũng vì thế trở thành nỗi nhớ nhung trong tiềm thức tôi về một thứ hoa thuần khiết, mộc mạc nhưng lại cực kỳ nồng nàn quyến luyến. Loài hoa ấy không cần sắc màu rực rỡ, chỉ vẹn nguyên một màu trắng giản dị lại khiến biết bao người xao xuyến vô kể. 

Giờ đây khi đã trưởng thành, chẳng biết đã thành lệ từ bao giờ, cứ mỗi độ mùa hoa bưởi về là tôi lại chạy xe dọc khắp các con đường ven hồ Tây, Phan Đình Phùng, ngắm nhìn những gánh hàng hoa qua lại rồi chọn mua cho mình một ít hoa bưởi, chầm chậm hít hà thưởng thức thứ hương thơm quen thuộc trong khu vườn ký ức.

Tác phẩm dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II nhận bài viết dự thi kể từ thời điểm phát động tháng 4/2023, đăng tải bài viết từ ngày 01/5/2023 và kết thúc ngày nhận bài dự thi ngày 10/9/2023.

Cơ cấu giải thưởng: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.

Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào đầu tháng 10/2023 tại Hà Nội.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem