Chiều 12/8, tại TP.Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về tình hình và các giải pháp khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL.
Sạt lở bờ sông, cửa biển tại đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra nghiêm trọng
Tại cuộc họp, báo cáo của Bộ NNPTNT cho thấy, những năm qua, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL có diễn biến rất phức tạp, uy hiếp nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân.
Từ năm 2016 đến nay, vùng ĐBSCL đã xuất hiện tổng số 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134 km. Trong đó bờ sông có 666 điểm/744 km, bờ biển có 113 điểm/390 km.
Hiện tại còn 561 điểm sạt lở, trong đó bờ sông 513 điểm/602km, bờ biển có 48 điểm/208km. Đặc biệt có 63 điểm sạt lở nguy hiểm (bờ sông 39 điểm /118km, bờ biển 24 điểm/86km).
Về nguyên nhân gây sạt lở bờ sông, Bộ NNPTNT cho hay, hầu hết các khu vực sạt lở thường xảy ra các khúc sông cong, đầu các cù lao, khu vực đông dân cư,...
Đặc biệt, tình hình sạt lở bờ sông ở khu vực phía thượng nguồn (An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long) thường lớn hơn khu vực phía hạ nguồn (Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng).
Ngoài ra, số điểm xói ở bờ, lòng sông thuộc hệ thống sông Tiền xảy ra nhiều hơn, mức độ cũng lớn hơn sông Hậu.
Đối với tình trạng sạt lở bờ biển, Bộ NNPTNT cho biết, tại vùng bờ biển Đông (từ Tiền Giang đến Sóc Trăng), là vùng có các cửa sông Cửu Long đổ ra, vì vậy chịu ảnh hưởng của chế độ dòng chảy, bùn cát trong sông là rất lớn, xu thế xói bồi bờ biển xảy ra xen kẽ, phụ thuộc theo mùa lũ và kiệt của dòng chảy sông Cửu Long.
Hiện tượng bồi lắng thường xảy ra ở một số vị trí có cửa sông lớn (Cửa Tiểu, Cửa Đại, Cửa Hàm Luông, Cửa Cổ Chiên, cửa Định An, Trần Đề …).
Hiện tượng xói lở thường là những khu vực trực diện với biển. Theo số liệu khảo sát năm 2020 và 2022, mặt cắt khu vực bờ biển xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, Bến Tre bờ biển bị sạt lở với tốc độ khá lớn khoảng 30m/năm, còn mặt cắt khu vực bờ biển xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng bờ biển bị sạt lở với tốc độ khá lớn khoảng 35m/năm.
Tại vùng bờ biển Đông (Sóc Trăng đến mũi Cà Mau), việc tác động xói bồi phụ thuộc vào mùa gió là chủ yếu, nhìn chung bờ biển vùng này xu thế xói vượt trội, hiện tượng xói lở bờ biển xảy ra trên hầu hết đoạn bờ biển này.
Theo Bộ NNPTNT đánh giá, mức độ xói lở bờ biển càng ngày càng nghiêm trọng. Trước năm 2005, mỗi năm bờ biển bồi 100ha thì 15 năm trở lại đây, mỗi năm mất trên 350ha. Trước đây, xói lở chủ yếu xảy ra trong mùa lũ, hiện nay về mùa khô xói lở lại nhiều hơn.
Giao Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính bố trí nguồn lực sớm để khắc phục sạt lở
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp các địa phương ĐBSCL rà soát, tổng hợp các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính cân đối, bố trí nguồn lực trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ các địa phương xử lý sớm.
Đối với các địa phương ĐBSCL, Thủ tướng yêu cầu phải chủ động hỗ trợ ổn định đời sống cho các hộ dân khu vực đang bị sạt lở, chủ động di dời ngay các hộ dân ở khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở, tránh để bị động, bất ngờ dẫn tới thiệt hại tính mạng của người dân khi xảy ra sạt lở.
Theo Thủ tướng, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đã và đang diễn ra nghiêm trọng, đáng báo động ở ĐBSCL. Trong khi đó, một số công trình phòng, chống sạt lở đầu tư chưa phát huy hiệu quả, chưa bảo đảm bền vững, công tác duy tu bảo dưỡng chưa được chú trọng, chưa huy động được nguồn lực ngoài xã hội…
Do vậy, trong thời gian tới, phải nâng cao nhận thức về sự nguy hại và hậu quả của sạt lở ở ĐBSCL, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức quản lý, thực hiện của cấp ủy, chính quyền. Đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao khả năng thực thi và đẩy mạnh kiểm tra, giám sát trong việc phòng, chống sạt lở.