Tại TP.HCM, để phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TP đã xây dựng các chương trình, đề án hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn 5 huyện: Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè nhằm hỗ trợ các làng nghề tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của TP.
Hiện, TPHCM có 9 loại hình làng nghề đang hoạt động và phát triển trong đó có các loại hình làng nghề tiểu thủ công nghiệp, như: Làng nghề bánh tráng; làng đan lát; làng mành trúc; làng se nhang; nghề sản xuất muối và chế biến khô thủy sản…
Trong khi đó, tại Long An, Sở Công Thương (tỉnh Long An) vừa triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình Bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Long An, giai đoạn 2021-2030, trong đó, đẩy mạnh chính sách khuyến công.
Mục tiêu của kế hoạch nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các làng nghề.
Theo kế hoạch, sẽ hỗ trợ, khuyến khích các chủ thể sản xuất tại các làng nghề tích cực tham gia chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, từng bước thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm làng nghề…
Sở Công Thương Long An tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các cơ sở làm nghề tại các làng nghề thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm theo quy định hiện hành của Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia và của tỉnh.
Sở sẽ ưu tiên mời tham gia các hội chợ, triển lãm, hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam, hội nghị giao thương, kết nối cung - cầu nhằm giới thiệu, quảng bá thương hiệu giúp mở rộng thị trường tiêu thụ.
Sở Công Thương Long An cũng hỗ trợ xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa.
Đồng thời, các sản phẩm làng nghề sẽ được hỗ trợ xây dựng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa; đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, liên kết với các doanh nghiệp xây dựng thành chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ; hỗ trợ các điểm giới thiệu và bán sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, OCOP của các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống (hỗ trợ biển hiệu, quầy, kệ, một số trang thiết bị để phục vụ trưng bày và bán sản phẩm OCOP,...); kết hợp trưng bày sản phẩm làng nghề tại các điểm du lịch, điểm tham quan, tuyến đường kiểu mẫu nông thôn mới tạo bộ nhận diện, nét riêng cho từng địa phương.
Theo kế hoạch, Sở Công Thương Long An sẽ hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc làng nghề ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Sở cũng rà soát, ban hành chính sách, quy trình phong tặng danh hiệu thợ giỏi, nghệ nhân ưu tú làm cơ sở đề xuất phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân; tôn vinh nghệ nhân, thợ giỏi trong ngành thủ công mỹ nghệ, các nội dung khác thuộc chương trình khuyến công hàng năm…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Long An có 1 làng nghề, 7 làng nghề truyền thống, 4 nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh triển khai nhiều chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp, như chính sách khuyến công và xúc tiến thương mại.
Việc thực hiện chính sách khuyến công góp phần khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở nâng cao năng suất, cải tiến chất lượng sản phẩm, đồng thời, tạo điều kiện để các đơn vị tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác của Nhà nước.