Phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch: Hiệu quả kép trong phát triển kinh tế tại Hà Nội

Thứ hai, ngày 04/09/2023 12:15 PM (GMT+7)
Thời gian qua, bên cạnh những loại hình du lịch vốn là thế mạnh của Hà Nội như du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái... du lịch làng nghề cũng trở thành một hướng đi triển vọng để thu hút du khách.
Bình luận 0

Thực tế cũng cho thấy, khi các địa phương biết khéo léo kết hợp và phát triển thì du lịch làng nghề sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp "đánh thức" các tiềm năng nội tại.

Du lịch nông thôn: Nhiều tiềm năng phát triển

Du lịch làng nghề có thể hiểu là loại hình du lịch văn hoá tổng hợp thông qua hình thức đưa du khách tới tham quan, cảm nhận các giá trị văn hóa và mua sắm những hàng hóa đặc trưng của địa phương. Những năm gần đây, cùng với xu thế hội nhập và mở cửa, đây là tiền đề, cơ hội tốt để các địa phương nơi có làng nghề đi lên cùng sự phát triển của ngành Du lịch. Theo tìm hiểu, hiện trên địa bàn Hà Nội không ít địa phương đã khéo léo tận dụng lợi thế sẵn có để khai thác tiềm năng du lịch và đã có những thành công bước đầu, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.

Phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch: Hiệu quả kép trong phát triển kinh tế tại Hà Nội - Ảnh 1.

Mô hình nuôi ong phục vụ du lịch trải nghiệm tại xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây) đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành nét độc đáo riêng có của địa phương. Ảnh: Đinh Luyện

Chẳng hạn như, làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc… đã và đang thành công trong việc phát triển du lịch làng nghề khi đón nhiều lượt khách du lịch trong ngày với các hoạt động tham quan nơi sản xuất, mua hàng làm quà lưu niệm. Không chỉ vậy, Hà Nội còn nhiều làng nghề lâu đời khác như mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), thêu Quất Động (huyện Thường Tín), tò he Xuân La, khảm trai Chuôn Ngọ (huyện Phú Xuyên), phường rối Chàng Sơn (huyện Thạch Thất)... đều là những nơi có tiềm năng lớn trong việc phát triển trở thành điểm du lịch, có thể gắn kết với các sản phẩm du lịch khác để phát triển bền vững.

Theo đánh giá, các làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội đã và đang là xu hướng được khách du lịch tìm đến. Phần là bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ làng nghề qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng, phần khác vì đến với làng nghề của Hà Nội không chỉ được ngắm cảnh quan của một làng quê đặc trưng vùng đồng bằng Bắc bộ với cây đa, giếng nước, sân đình, mà còn được tham quan nơi sản xuất, trực tiếp tiếp xúc với thợ thủ công và tham gia làm thử một vài công đoạn sản xuất các sản phẩm. Điều này tạo nên sức hấp dẫn riêng của du lịch làng nghề.

Tuy nhiên, dù có nhiều tiềm năng phát triển song du lịch làng nghề còn là những câu chuyện dài bởi thiếu rất nhiều yếu tố thu hút khách. Chẳng hạn như, hiện còn không ít địa phương có nghề truyền thống nhưng lại lâm cảnh "cầm vàng lại để vàng rơi", bỏ mặc làng nghề phải loay hoay, tự tìm hướng quảng bá, giới thiệu và tồn tại. Nói cách khác, để du lịch làng nghề phát triển và mang lại hiệu quả thì cần sự hậu thuẫn rất lớn từ chính quyền sở tại.

Chẳng hạn, với vấn đề này, tại thị xã Sơn Tây, xác định bảo tồn, phát huy các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch là nhiệm vụ quan trọng, Sơn Tây đã ban hành Nghị quyết về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa gắn với phát triển kinh tế du lịch thị xã giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, tập trung bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch.

Du lịch nông thôn: Biến tiềm năng thành sản phẩm du lịch

Ở câu chuyện biến tiềm năng thành lợi thế, nhờ sự hoạch định rõ đường hướng nên thị xã Sơn Tây đã trở thành điển hình trong phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch của Hà Nội. Theo Thị ủy Sơn Tây, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sơn Tây được xác định là một trong năm đô thị vệ tinh của Thủ đô với tính chất là đô thị văn hóa lịch sử và du lịch nghỉ dưỡng. Bởi vậy, đến Sơn Tây, ngoài việc được tham quan các di tích lịch sử nổi tiếng xứ Đoài thì du khách còn được tìm hiểu một số nghề truyền thống vẫn được người dân nơi đây gìn giữ.

Đơn cử, bánh tẻ Phú Nhi (phường Phú Thịnh) là món ăn vô cùng bình dị của xứ Đoài được làm từ những nguyên liệu đơn giản như gạo tẻ, mộc nhĩ, thịt, hành khô. Năm 2007, Phú Nhi được công nhận là làng nghề bánh tẻ truyền thống. Năm 2010, làng nghề Phú Nhi được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Bằng thương hiệu "Bánh tẻ Phú Nhi". Đây là cơ hội để người dân tự tin sống bằng nghề làm bánh tẻ truyền thống. Hiện nay, ngoài bán tại địa phương, bánh tẻ Phú Nhi đã có mặt ở khắp các điểm du lịch của Sơn Tây và được nhiều du khách yêu thích...

Phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch: Hiệu quả kép trong phát triển kinh tế tại Hà Nội - Ảnh 2.

Kết hợp phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với hoạt động du lịch, dịch vụ đang là hướng đi mới ở xã Kim Sơn. Ảnh: Đinh Luyện

Tương tự, mô hình nuôi ong phục vụ du lịch trải nghiệm tại thôn Lòng Hồ (xã Kim Sơn) cũng là một trong những điển hình. Theo đó, tại Kim Sơn, dù có nghề nuôi ong từ lâu song phải mãi đến tháng 3/2018, tổ liên kết hợp tác nuôi ong lấy mật xã Kim Sơn được thành lập. Đây là tiền đề giúp liên kết chặt chẽ các hộ nuôi ong hỗ trợ nhau phát triển kinh tế. Ông Nguyễn Xuân Quyền - một thành viên trong hợp tác xã cho biết, đến Kim Sơn, ngoài việc được trải nghiệm nghỉ dưỡng, ở bất kỳ các điểm nuôi ong nào, du khách cũng sẽ được thực hành quay ong, chiết suất mật, chụp ảnh quá trình trải nghiệm và mua sản phẩm do mình tự quay về làm quà cho người thân, bạn bè.

Ông Vũ Huy Nam, Bí thư Đảng ủy xã Kim Sơn thông tin: Kết hợp phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với hoạt động du lịch, dịch vụ đang là hướng đi mới ở xã Kim Sơn. Sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu tập thể đạt OCOP 4 sao.

Trở lại câu chuyện phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch, nhìn từ các mô hình thành công có thể thấy, khi người dân thu được lợi ích từ hoạt động du lịch, dịch vụ thì bản thân họ sẽ tự giác tham gia một cách hiệu quả. Mặt khác, chính quyền địa phương tích cực vào cuộc ủng hộ cũng là "đòn bẩy" để nghề truyền thống được phát triển và nâng tầm.


 

Đinh Luyện (Lao động thủ đô)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem