Điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng sẽ giảm từ 20 năm xuống 15 năm. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng cho trường hợp nghỉ hưu sớm trước tuổi.
Đây là một trong những nội dung được Chính phủ đề xuất sửa đổi được nêu trong Tờ trình Quốc hội về dự án Luật BHXH sửa đổi.
Ông Nguyễn Duy Cường - Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) cho rằng đề xuất này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia BHXH muộn, hoặc quá trình tham gia không liên tục, có thời gian đóng BHXH ngắn, được hưởng lương hưu.
Cụ thể, tại điều 71, dự thảo luật BHXH sửa đổi quy định, người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hàng tháng (thay vì 20 năm như quy định hiện hành).
Quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45 - 47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu hàng tháng, thay vì họ phải nhận BHXH 1 lần.
Việc giảm năm đóng này lao động nữ có lợi hơn khi tính mức lương hưu, do tỷ lệ hưởng lương hưu khi đóng đủ 15 năm là 45%, trong khi với nam giới là 33,75%.
Với quy định nêu trên, lương hưu của những người này có thể thấp hơn những người có thời gian đóng dài. Tuy nhiên, những trường hợp này trước đây không đủ điều kiện hưởng lương hưu, nếu không lựa chọn tự nguyện đóng 1 lần cho thời gian còn thiếu, họ chọn nhận BHXH 1 lần, nay sẽ có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng.
Chính phủ đánh giá: "Cho dù mức lương hưu có thể khiêm tốn hơn những người có thời gian đóng dài, nhưng với mức lương hưu hàng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh, và trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được đóng bảo hiểm y tế thì sẽ góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già của người lao động".
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nêu rõ, quy định giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm chỉ áp dụng với các trường hợp nghỉ hưu theo điều 71, mà không áp dụng cho trường hợp nghỉ hưu sớm trước tuổi quy định.
Đối với các trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, thì mỗi năm nghỉ sớm hơn tuổi quy định bị giảm 2% tỷ lệ hưởng lương hưu. Nếu áp dụng quy định trên với các trường hợp này sẽ dẫn đến tình trạng tỷ lệ hưởng lương hưu quá thấp (thời gian đóng ngắn, bị trừ tỷ lệ do nghỉ hưu trước tuổi), mức lương hưu quá thấp, không có nhiều ý nghĩa.
Ví dụ, lao động nam có 15 năm đóng BHXH thì tỷ lệ hưởng lương hưu là 33,75%. Nếu nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi thì bị trừ 10% nên tỷ lệ hưởng lương hưu chỉ còn 23,75%.
Số liệu của BHXH Việt Nam cho thấy trong 6 năm thực hiện luật BHXH có 476.000 người hưởng BHXH 1 lần đã có thời gian tham gia BHXH trên 10 năm với độ tuổi từ 40 tuổi trở lên.
Bên cạnh đó, có trên 53.000 người đã hết tuổi lao động phải nhận BHXH 1 lần do chưa đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc, có trên 20.000 người khi đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ thời gian đóng phải đóng 1 lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương. Bộ LĐTBXH nhận định: "Nếu vẫn quy định thời gian tối thiểu để hưởng lương hưu là 20 năm thì những người này khó có cơ hội nhận lương hưu".
Đánh giá tác động của chính sách giảm năm đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm để hưởng lương hưu, Bộ LĐTBXH cho rằng có thể giúp làm gia tăng số người được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động, giảm gánh nặng cho Nhà nước trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi.
Chia sẻ với báo chí, ông Bùi Sỹ Lợi từng cho rằng, đối với Quỹ BHXH, về cơ bản là có tác động tiêu cực đến quỹ mặc dù những người này sẽ hưởng với mức hưởng thấp hơn, nhưng do thời gian chi trả sẽ thực hiện sớm hơn và kéo dài hơn.
Tuy nhiên về mặt xã hội, do cách tính mức lương hưu của người nghỉ hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH, nên việc giảm năm đóng sẽ làm tăng thêm nhiều người nghỉ hưu ở mức lương hưu thấp. Điều này có lợi cho hệ thống an sinh.
Tuy nhiên, ông Lợi cũng nhận định, cần đánh giá cụ thể hơn về những tác động của việc giảm số năm đóng đến khả năng cân đối Quỹ BHXH.