Hôm nay 13/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã đến khảo sát mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất lúa của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi tại ấp 5, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
Theo thông tin từ Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi, nơi đây có 95 thành viên, vốn góp hơn 1 tỷ đồng.
Từ năm 2002 đến nay, hợp tác xã đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Các mô hình đều ứng dụng cơ giới hoá, không ngừng đẩy mạnh liên kết sản xuất, giúp giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận, từ đó giúp các xã viên nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, mô hình liên kết sản xuất giống và lúa hàng hóa của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi đi đúng hướng, góp phần xây dựng nông thôn hiện đại, công nghiệp hoá nông thôn bằng các loại máy móc thiết bị.
Theo Thủ tướng, trong thời gian tới, cần phải tiếp tục chuyển đổi số trong nông nghiệp, bảo đảm có vùng nguyên liệu ổn định, xây dựng thương hiệu, kết nối nhanh chóng với thị trường. Song song đó là tăng trưởng xanh, giảm lượng phát thải, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Đặc biệt, Hợp tác xã đã đi đầu trong liên kết sản xuất giống và lúa hàng hóa; đang thực hiện sản xuất lúa theo tiêu chuẩn lúa gạo bền vững (SRP), tuân thủ 41 tiêu chuẩn quy định, như: Không sử dụng trẻ em trong sản xuất, tưới nước ngậm khô xen kẽ bằng hệ thống cảm biến mặt nước, góp phần giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận cho nông dân.
Để làm được những vấn đề trên, người nông dân phải có sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, phải được ngân hàng ưu tiên vốn. Đồng thời, phải có thị trường, được doanh nghiệp lo vấn đề này.
Thủ tướng cũng biểu dương Đồng Tháp đã thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Đảng, thực hiện Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hợp tác xã.
Trước đó sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến dâng hương, viếng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc (TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).
Sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát Dự án nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn TP.Cao Lãnh (tuyến tránh TP Cao Lãnh). Quy mô dự án dài 16,5 km, với tổng mức đầu tư hơn 912 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách của Trung ương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đến thăm nhà máy chế biến gạo của Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice) tại Cụm công nghiệp Trường Xuân, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
Nhà máy Vinarice có quy mô lớn, hiện đại bậc nhất Việt Nam, trở thành trung tâm công nghiệp chế biến hạt giống và chế biến nông sản của cả vùng ĐBSCL, xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo khép kín, quản trị thông minh trên nền tảng công nghệ 4.0.
Thủ tướng cho rằng, phải tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; chú trọng đầu tư, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Việt nói chung và của công ty nói riêng; quy hoạch vùng nguyên liệu với quỹ đất hợp lý; bảo đảm lợi ích phù hợp cho người nông dân; góp phần công nghiệp hoá nông thôn.
Cùng với đó, coi trọng chế biến sâu; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiến tiến vào sản xuất sạch, năng suất, chất lượng cao, với giống chất lượng, kỹ thuật canh tác phù hợp; bao bì, mẫu mã hấp dẫn; làm tốt việc truy xuất nguồn gốc gắn với chuyển đổi số; tiến hành quy trình sản xuất tiên tiến, xanh, giảm phát thải khí methane; tích cực hợp tác bền vững với các đối tác, coi trọng văn hoá, đạo đức kinh doanh, phát huy truyền thống, đạo lý của con người Việt Nam.
Chiều 13/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023 GRDP ước đạt 5,89%. Các lĩnh vực kinh tế tăng trưởng tốt, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 35 nghìn tỷ đồng, tăng 6,96%; giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt 21.671 tỷ đồng, tăng 3,94%; tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ đạt 63 nghìn tỷ đồng, tăng 13,14%; du lịch thu hút được 2,5 triệu lượt khách, tăng 8,99%, loại hình du lịch nông nghiệp được đẩy mạnh.
Tái cơ cấu nông nghiệp đạt kết quả cao, xây dựng được các chuỗi ngành hàng hiệu quả như lúa, cá tra, hoa kiểng, sen...Đồng Tháp đứng thứ ba cả nước về sản phẩm OCOP với 357 sản phẩm.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho thành lập "Trung tâm đầu mối nông sản và thuỷ sản nước ngọt vùng Đồng Tháp Mười", chấp thuận nâng cấp cửa khẩu quốc tế Thường Phước.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương nỗ lực mà Đồng Tháp đạt được thời gian qua. Đồng thời, chỉ rõ, trong thời gian tới, yêu cầu đặt ra cho cả nước nói chung và Đồng Tháp nói riêng là rất nặng nề, đòi hỏi các cấp, các ngành phải nỗ lực lớn hơn, quyết tâm cao hơn, đổi mới tư duy, phương pháp, cách tiếp cận trong việc thực hiện phát triển kinh tế xã hội.
Về các kiến nghị của Tỉnh Đồng Tháp, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành để phối hợp, giải quyết theo thẩm quyền, trên nguyên tắc đảm bảo đúng các quy định của pháp luật, tạo cơ chế khơi thông, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển.