Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều lao dốc. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm 52 USD, xuống 2.620 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 giảm thêm 82 USD, xuống 2.435 USD/ tấn, các mức giảm rất mạnh. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York sụt giảm liên tiếp phiên thứ năm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm thêm 6,70 cent, xuống 151,10 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 giảm thêm 5,10 cent, còn 152,60 cent/lb, các mức giảm rất mạnh. Khối lượng giao dịch ở mức “khủng”, hiếm thấy.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay giảm tới 1.500 – 1.600 đồng, xuống dao động trong khung 65.000 - 65.800 đồng/kg. Cụ thể, hai tỉnh Lâm Đồng và Gia Lai có giá thấp nhất là 65.000 đồng/kg, tương ứng giảm 1.500 đồng/kg và 1.600 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk có giá thu mua là 65.600 đồng/kg, giảm 1.600 đồng/kg. Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 65.800 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được khảo sát sau khi giảm 1.600 đồng/kg.
DXY tăng quá mức đã kích hoạt các sàn hàng hóa quay đầu giảm mạnh. Lạm phát Mỹ có xu hướng tiếp tục giảm, kinh tế Trung Quốc rơi vào giảm phát, kinh tế khu vực Eurozone vẫn chưa lấy gì làm chắc chắn do giá dầu thô vẫn tăng cao sau cắt giảm sản lượng của OPEC+ và cuộc xung đột Ukraine vẫn còn dai dẳng.
Đồng Reais giảm mạnh 1,20%, tỷ giá xuống ở mức 1 USD = 4,9650 R$, thị trường chứng khoán Brazil tiếp tục chuỗi suy giảm, báo cáo tỷ lệ lạm phát đã tăng lên tiếp sau Copom – Brazil cắt giảm lãi suất bớt 0,5% được cho là có phần mạnh tay và dấy lên nghi ngờ có thể Copom sẽ vẫn mạnh tay tại kỳ họp tới. Điều này đã gây ra sự bán tháo các loại nông sản xuất khẩu thế mạnh do nông dân Brazil sẽ thu về được nhiều nội tệ hơn.
Thời tiết khô hạn thúc đẩy nông dân Brazil đẩy nhanh vụ thu hoạch đã làm gia tăng nguồn cung và tốc độ bán hàng tăng nhanh là nguyên nhân chính làm giá cà phê kỳ hạn trên cả hai thị trường lao dốc, theo nhận định của giới thương nhân quốc tế. Báo cáo lượng mưa phù hợp đã kích hoạt những lứa bông đầu tiên ở các vùng trồng Conilon Robusta nở rất đẹp, nhiều hứa hẹn, góp phần khiến giá cà phê tại thị trường nội địa Brazil đồng loạt sụt giảm hơn 2% trong tuần qua.
Thống kê mới nhất của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), trong tuần giao dịch vừa qua, giá cà phê Arabica ghi nhận mức giảm 2,20% với 4 trên 5 phiên đóng cửa trong sắc đỏ. Ngược lại, cà phê Robusta khởi sắc với mức tăng 2,30% so với tham chiếu. Sự đối lập về nguồn cung giữa hai mặt hàng là yếu tố chính tại khiến giá cà phê diễn biến trái chiều trong tuần qua.
Đối với Arabica, xuất khẩu cà phê của Brazil đang được đẩy mạnh khi thu hoạch cà phê Arabica niên vụ 2023/24 đã đạt 80% diện tích. Xuất khẩu cà phê Arabica dạng hạt của Brazil đã đã đạt 2,19 triệu tấn trong tháng 7, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, hiệp hội các nhà xuất khẩu Cecafe cho biết.
Đồng thời, các cơ quan cung cấp thông tin đang lạc quan về sản lượng cà phê niên vụ 2023/24 của quốc gia này. Nhà cung cấp dịch vụ rủi ro và phân tích Hedge Point Global Markets cho biết, nông dân Brazil dự kiến sẽ sản xuất 65,8 triệu bao cà phê loại 60kg trong năm 2023, cao hơn mức 63,8 triệu bao dự báo trước đó.
Với tình hình nguồn cung đang dần có sẵn như hiện nay, MXV nhận định giá Arabica trong tuần này nhiều khả năng có thể tiếp tục suy yếu.
Ngược lại, đối với Robusta, xuất khẩu cà phê tại Việt Nam vẫn cho thấy sự sụt giảm. Trong tháng 07 Việt Nam đã vận chuyển 108.872 tấn cà phê ra nước ngoài, giảm 22,6% so với tháng trước. Đồng thời, lũy kế xuất khẩu cà phê trong 7 tháng đầu năm nay của Việt Nam đã giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước, ở mức 1.116.804 tấn. Xuất khẩu cà phê ở mức thấp tại quốc gia cung ứng Robusta lớn nhất thế giới tiếp tục dấy lên lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường, dù cho Brazil đang đẩy mạnh bán cà phê vụ mới.
Hiện nay, nước ta xuất khẩu chủ yếu là cà phê Robusta (chiếm khoảng 75,5% tổng giá trị xuất khẩu cà phê năm 2022).
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 7/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 108,87 nghìn tấn, trị giá 307,86 triệu USD, giảm 22,6% về lượng và giảm 18,4% về trị giá so với tháng 6/2023; so với tháng 7/2022 giảm 7,6% về lượng, nhưng tăng 14,1% về trị giá. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt xấp xỉ 1,12 triệu tấn, trị giá 2,7 tỷ USD, giảm 3,4% về lượng, nhưng tăng 3,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, tháng 7/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê Việt Nam ghi nhận mức cao kỷ lục 2.828 USD/tấn, tăng 5,4% so với tháng 6/2023 và tăng 23,4% so với tháng 7/2022.
Dự báo giá cà phê Robusta thế giới sẽ tăng trở lại trong thời gian tới. Nguồn cung thiếu hụt và tồn kho trên cả hai sàn giao dịch ở mức thấp sẽ nâng đỡ giá cà phê trên thị trường thế giới.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 7/2023 giảm do nguồn cung cạn kiệt. Theo báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), dự kiến toàn cầu sẽ thiếu hụt 7,26 triệu bao cà phê các loại trong niên vụ 2023/2024. Trong khi đó, giá cà phê Arabica nhiều khả năng sẽ vẫn giảm. Theo cơ quan khảo sát và dự báo mùa vụ thuộc Bộ Nông nghiệp Brazil cho biết, hiện nước này đã thu hoạch 80% sản lượng vụ mùa, tăng khoảng 7,5% so với vụ trước, ước đạt 54,74 triệu bao do chu kỳ "hai năm một" cho sản lượng cao của cà phê Arabica.
Bệnh vàng lá rụng trái xuất hiện trên vườn bón phân không đầy đủ hoặc không kịp thời, thiếu trung, vi lượng; các vườn cây già cỗi, có dấu hiệu sinh trưởng chậm, ít cành non và chồi vượt, trái nhỏ, ít rễ tơ, cây cằn cỗi… dù được bón phân đầy đủ lá vẫn bị vàng hàng loạt.
Bệnh lá vàng, rụng trái do mất cân bằng dinh dưỡng trên cây cà phê.
Các bệnh khô cành, khô quả, bệnh nấm hồng, bệnh vàng lá do tuyến trùng, nấm, ấu trùng ve sầu, mọt đục cành, mọt đục quả, rệp sáp cũng có thể là các nguyên nhân gây ra hiện tượng vàng lá, rụng trái cà phê hàng loạt.
Cắt tỉa các cành khô, già cỗi, chồi vượt, cành tăm, cành bị sâu bệnh… cho vườn thông thoáng, cây phát triển tốt, tăng sức chống chịu sâu bệnh, hạn chế sự lây lan của dịch hại gây rụng trái.
Thường xuyên thu gom tiêu hủy các cành, lá, hoa quả bị bệnh.
Bón phân cân đối, tăng cường bón phân chuồng.
Nếu thiệt hại xuất phát từ các tác nhân sinh học, cần chẩn đoán kỹ và sử dụng thuốc hóa học đúng theo từng tác nhân một.