Dân Việt

Đại biểu Quốc hội "soi" chiết khấu sách giáo khoa lên tới 45%, phụ huynh kêu trời

Gia Khiêm - Tào Nga 16/08/2023 13:36 GMT+7
"Ở các công ty sách thiết bị trường học, việc chiết khấu trực tiếp cho các trường thực tế lớn hơn con số 29-29,5% đối với sách giáo khoa và 35% đối với sách bài tập. Thậm chí có những nơi chiết khấu tới 45%..." - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho biết.

"Có nơi chiết khấu sách giáo khoa tới 45%"

Tại phiên giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông chiều 14/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc lại báo cáo của đoàn giám sát về chi phí phát hành sách giáo khoa cao. Tỷ lệ là 29 đến 29,5% đối với sách giáo khoa, 35% đối với sách bài tập chưa thật hợp lý so với mặt hàng thiết yếu có số lượng phát hành lớn và ổn định.

Đại biểu Quốc hội nói gì trước việc "Cần có 1 bộ SGK của Nhà nước"? - Ảnh 1.

Phụ huynh chọn sách giáo khoa cho con tại một nhà sách ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - một người rất tâm huyết với ngành giáo dục cho hay, bà đã theo dõi rất kỹ phiên họp trên. Trong đó, bà rất chú ý đến kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.  

Bà Nga nhận định đây là tỷ lệ chiết khấu quá lớn và cho biết: "Ở các công ty sách thiết bị trường học, việc chiết khấu trực tiếp cho các trường, theo như chúng tôi nắm được thực tế thì lớn hơn con số 29-29,5% đối với sách giáo khoa và 35% đối với sách bài tập. Thậm chí có những nơi chiết khấu tới 45%. Chiết khấu cao thể hiện giá thành thực sự của sách giáo khoa thấp nhưng chủ yếu ở khâu hoa hồng phân phối đội giá sách lên".

Đại biểu Quốc hội nói gì trước việc "Cần có 1 bộ SGK của Nhà nước"? - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: Quốc hội

Bà Nga cho rằng, người phải chịu thiệt đó là học sinh, đánh vào túi tiền của mỗi phụ huynh. "Không mấy mặt hàng phân phối mà được lợi nhuận khủng thế. Sách giáo khoa là mặt hàng rất thiết yếu vì học sinh đến lớp phải có sách giáo khoa. Vậy nên cứ vào năm học mới, hàng triệu phụ huynh phải bỏ tiền ra mua mà không được phép mặc cả. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng tôi muốn chúng ta khẩn trương, minh bạch trong vấn đề điều tra, công bố kết quả vì có khẩn trương mới chấn chỉnh được ngay. Thứ 2, chúng ta tiếp tục quản lý giá sách giáo khoa chứ như hiện nay dư luận rất bất bình", bà Nga chia sẻ.

Như một phụ huynh quận Cầu Giấy, Hà Nội, bày tỏ lo lắng khi 2 con đang học cấp 1 và 2 chuẩn bị bước vào năm học mới: "Mặc dù nhà xuất bản nói chỉ khoảng 200.000 đồng cho mỗi bộ sách nhưng bao nhiêu năm con đi học, tôi chưa bao giờ mua có giá này. Mỗi một bộ sách đầy đủ bao gồm cả sách giáo khoa, vở bài tập, sách tiếng Anh, học liệu… năm nào cũng lên tới 500.000-600.000 đồng. Đó là còn chưa tính đến đồ dùng học tập, vở, cặp sách, đồng phục và bao nhiêu khoản khác. Năm nào tôi cũng phát sốt mỗi dịp đầu năm học của con.

Tôi đồng ý với việc giá sách cao để cho con được học sách đẹp hơn, nội dung phong phú hơn, hình ảnh đa dạng hơn nhưng đó phải là số tiền thực chất của mỗi quyển sách. Tính sơ sơ, mỗi học sinh mất  không dưới 100.000 đồng tiền chiết khấu thì hàng triệu học sinh sẽ là con số không nhỏ".

Một phụ huynh khác thì bày tỏ: "Tôi không biết mức chiết khấu cao như vậy thì ai được hưởng lợi? Số tiền này chi cho những khoản gì, đi đâu nhưng chắc chắn gánh nặng đổ vào đầu phụ huynh rồi. Vẫn biết các nhà xuất bản phải bỏ ra số tiền lớn để đầu tư làm sách nhưng chính phủ nên có phương án sao đó để giá sách phù hợp hơn với đa số phụ huynh".

Đại biểu Quốc hội nói gì trước việc "Cần có 1 bộ SGK của Nhà nước"?

Về kiến nghị của Đoàn giám sát là nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung "một bộ sách giáo khoa của Nhà nước", bà Nga cho rằng, chúng ta vẫn đang trong vòng luẩn quẩn trong việc nhiều bộ sách giáo khoa và phải xử lý như thế nào. Nếu như nhiều bộ sách giáo khoa trong đó có 1 bộ do Bộ GDĐT biên soạn mà bộ sách đó được Nhà nước trợ giá hoàn toàn, người dân không mất tiền mua vậy thì các trường, các địa phương sẽ không bao giờ chọn những bộ sách giáo khoa mất tiền mua. 

Đại biểu Quốc hội nói gì trước việc "Cần có 1 bộ SGK của Nhà nước"? - Ảnh 3.

Ngay chính phụ huynh và học sinh cũng rất mệt mỏi khi có nhiều bộ sách giáo khoa. Ảnh: Gia Khiêm

Theo bà Nga, đang có rất nhiều ý kiến đưa ra về việc Bộ GDĐT có nên tiếp tục biên soạn một bộ sách giáo khoa hay không? Quan điểm của bà Nga cho rằng, hiện Bộ GDĐT đang có nhiều lý do đưa ra để khẳng định mình không cần phải biên soạn một bộ sách giáo khoa nữa. Tuy nhiên, ngay từ khi Bộ GDĐT có trình bày với Quốc hội không tiếp tục biên soạn một bộ sách giáo khoa nữa, bà cũng đã ý kiến rất nhiều trong các cuộc họp là phải thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết Quốc hội.

Vị đại biểu Quốc hội này cũng cho rằng, nếu xét tất cả điều kiện chủ quan và khách quan thấy rằng không cần thiết phải biên soạn một bộ sách giáo khoa nữa thì cũng thống nhất nhưng bà rất quan tâm tới ý kiến của Chủ tịch Quốc hội. 

"Thứ nhất, chúng ta quan điểm như thế nào một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa. Nhiều bộ sách giáo khoa có phải như việc chúng ta 'thả gà ra đuổi' không. Bây giờ có quá nhiều bộ sách giáo khoa và các cơ sở giáo dục được tự chọn sách giáo khoa cho nên chính giáo viên, các nhà quản lý giáo dục cũng rất mệt mỏi chuyện này. Phụ huynh và học sinh cũng vậy", bà Nga phân tích.

Bà nêu, mọi người phải hiểu nhiều bộ sách giáo khoa như thế nào. Như đất nước ta chia nhiều vùng miền, mỗi nơi có đặc trưng văn hoá và kinh tế khác nhau, trình độ và sự tiếp nhận của học sinh cũng khác nhau. Vì vậy nên chăng chúng ta hiểu nhiều bộ sách giáo khoa đó với mỗi một đối tượng là học sinh của vùng miền thì sẽ có những cuốn giáo khoa được biên soạn khác nhau. 

"Khác nhau ở đây mang nhiều ý nghĩa. Như sách về xã hội: Văn – Sử - Địa lý sẽ được điều chỉnh nội dung như thế nào cho phù hợp với đối tượng học sinh. Thứ 2, bộ môn khoa học tự nhiên phải xem xét trình độ các em ở các vùng miền, đương nhiên không thể quá khác nhau nhưng ngay trong thi đại học chúng ta cũng cộng điểm ưu tiên cho các vùng miền. 

Vậy trong biên soạn sách giáo khoa nên chú ý đến tính chất vùng miền. Vậy có nhiều bộ sách giáo khoa nhưng mỗi một vùng miền chúng ta vẫn thực hiện một bộ sách giáo khoa thống nhất. Tôi cho rằng đây là cách hiểu đúng nhất một chương trình nhưng nhiều bộ sách giáo khoa chứ không phải tung ra tất cả bộ sách giáo khoa giống nhau và các trường cứ thế chọn nhưng không có định hướng nào thì cũng chẳng khác gì một bộ sách giáo khoa", bà Nga nêu.

Ngoài ra, giữa các bộ sách giáo khoa không có cái gì phân biệt để từ đó các cơ sở giáo dục hay các địa phương chọn bộ này hay bộ khác. Vì vậy bà đề nghị nên xem xét lại việc này, vẫn thực hiện nhiều bộ sách giáo khoa nhưng thực hiện, hiểu thế nào mới là điều quan trọng.