Dân Việt

Động thái của các quốc gia châu Á nhằm ổn định thị trường gạo trong nước

Báo Tin tức 15/08/2023 18:44 GMT+7
Sau khi Ấn Độ, Nga và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất cấm xuất khẩu gạo, một số quốc gia châu Á đã ngay lập tức có động thái để đảm bảo ổn định thị trường gạo trong nước.

Philippines cân nhắc đa dạng hóa nguồn cung gạo

Động thái của các quốc gia châu Á nhằm ổn định thị trường gạo trong nước - Ảnh 1.

Người dân mua gạo tại khu chợ ở Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 29/7, Tổng thống Philippines, ông Ferdinand Marcos Jr. cho biết nước này cần tăng cường các kho dự trữ gạo và ông có thể sẽ tìm kiếm thỏa thuận cung ứng với Ấn Độ.

Tổng thống Marcos nói: “Tôi đang nghĩ về nguồn cung gạo quốc gia. Các nước Đông Nam Á đều đang chuẩn bị ứng phó với El Nino”.

Philippines, một trong những nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, thường mua gạo từ Việt Nam. Tuy nhiên, Tổng thống Marcos cho biết nguồn cung có thể hạn chế vì nhiều người mua khác cũng đang tìm đến đây. Vì vậy, ông đang cân nhắc việc tìm thỏa thuận cung ứng gạo với Ấn Độ.

Hoạt động nhập khẩu gạo của Philippines được giao cho các công ty tư nhân. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm thu mua gạo từ nông dân địa phương để phục vụ dự trữ gạo quốc gia có thể nhập một lượng gạo theo đề xuất của Tổng thống trong tình huống khẩn cấp.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines Domingo Panganiban thông báo bộ này đã tiến hành đàm phán với Việt Nam và Ấn Độ theo chỉ thị của Tổng thống Ferdinand Marcos. Ông nói: “Điều này sẽ giúp hạ giá gạo nhờ tiếp tục tăng lượng hàng trong kho quốc gia, ngay cả khi không nhập khẩu. Dự kiến, kho gạo vẫn đủ trong 52 - 57 ngày vào cuối năm 2023”.

Các cuộc đàm phán với Ấn Độ khó khăn hơn vì tháng 7/2023, New Delhi thông báo tạm thời cấm xuất khẩu gạo để có thể giải quyết các vấn đề lạm phát trong nước. Tuy nhiên, ông Panganiban cho hay vẫn có khả năng Ấn Độ bán gạo cho Philippines vì lý do nhân đạo. Ông xác nhận, các cuộc đàm phán với Việt Nam và Ấn Độ có thể cho phép Philippines được hưởng các điều khoản có lợi hơn đối với 300 – 500.000 tấn gạo nhập khẩu trong năm 2023.

Indonesia đảm bảo ổn định sản xuất gạo trong nước

Động thái của các quốc gia châu Á nhằm ổn định thị trường gạo trong nước - Ảnh 2.

Một quầy gạo ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu trước báo giới ngày 23/7, điều phối viên của Liên hiệp nhân dân vì an ninh lương thực Indonesia, ông Said Abdullah, cho rằng ngoài thời tiết, một yếu tố có thể ảnh hưởng tới giá gạo trong nước là việc Ấn Độ ngừng xuất khẩu từ ngày 20/7. Indonesia phụ thuộc vào nguồn cung gạo từ Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ để đảm bảo lượng gạo dự trữ trong nước.

Theo ông Said, Indonesia có thể ứng phó bằng cách đảm bảo ổn định sản xuất gạo trong nước. Ông cũng kêu gọi chính phủ chuẩn bị tìm một giải pháp khác để thay thế phương án nhập khẩu thông qua việc tối ưu hóa sản xuất lúa gạo trong nước bằng cách cung cấp máy bơm cho tưới tiêu và hạt giống chịu hạn. Ông cũng khuyến nghị chính phủ lập bản đồ các khu vực có khả năng hạn hán cao nhất và xác định các biện pháp can thiệp như khắc phục các hệ thống thủy lợi bị hư hỏng.

Bộ Nông nghiệp Indonesia cũng dự kiến hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang các giống chịu hạn. Ông Said cho biết có thể hỗ trợ bằng cách cung cấp công nghệ và thông tin giúp giảm rủi ro thu hoạch. Đối với những khu vực có nguồn cung cấp nước đầy đủ, chính phủ cần hỗ trợ đảm bảo thiết lập đầy đủ các cơ sở hạ tầng tốt nhất. Chính phủ cũng cần cấp ngân sách cụ thể để ứng phó kịp thời với những thiệt hại do hạn hán gây ra.

Bhutan dùng con đường ngoại giao

Sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu các loại gạo tẻ thường (trừ gạo basmati), Bhutan vẫn đề nghị Ấn Độ cho phép xuất khẩu gạo sang nước này. Bhutan đã đưa ra yêu cầu ngoại giao về lô hàng gạo lên tới 90.000 tấn. Lệnh cấm gạo của Ấn Độ vẫn có khoản miễn trừ xuất khẩu theo các thỏa thuận giữa chính phủ với chính phủ và trong trường hợp có yêu cầu của các quốc gia thân thiện có nhu cầu an ninh lương thực thực sự.

Các điều kiện cũng quy định rằng thực phẩm do Ấn Độ xuất khẩu theo hình thức miễn trừ như vậy không được sử dụng cho thương mại và phải được sử dụng cho tiêu dùng trong nước.

Theo một nguồn tin, các yêu cầu ngoại giao như của Bhutan trước tiên sẽ được Bộ Ngoại giao Ấn Độ xem xét và yêu cầu của Bhutan rất có thể sẽ được chấp thuận.

Sau khi đề xuất được gửi đến Bộ Vấn đề Tiêu dùng, Lương thực và Phân phối công cộng, Tổng công ty Thực phẩm Ấn Độ sẽ xử lý yêu cầu và xuất kho.

Singapore kêu gọi Ấn Độ miễn trừ

Tương tự, ngày 29/7, Singapore cũng kêu gọi Ấn Độ cho nước này miễn trừ lệnh cấm xuất khẩu gạo. Cơ quan Lương thực Singapore (SFA) cho biết: “SFA đang hợp tác chặt chẽ với các nhà nhập khẩu để tăng cường nhập khẩu các loại gạo khác nhau từ nhiều nguồn khác nhau. Singapore cũng đang liên hệ chặt chẽ với chính quyền Ấn Độ để xin miễn trừ lệnh cấm".

Theo Chương trình Dự trữ gạo của Singapore, các nhà nhập khẩu gạo phải duy trì lượng gạo dự trữ tương đương với hai lần lượng nhập khẩu hàng tháng. Điều này giúp đảm bảo cung cấp đủ gạo trên thị trường.

SFA cho biết: “Chúng tôi thường xuyên xem xét lượng dự trữ và sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với ngành nếu cần có bất kỳ điều chỉnh nào. Tuy nhiên, chúng tôi thỉnh thoảng có thể gặp phải tình trạng gián đoạn nguồn cung. Mặc dù chính phủ sẽ làm những gì có thể để giảm thiểu tác động, nhưng chúng tôi sẽ không thể giảm thiểu hoàn toàn tình trạng gián đoạn đối với nguồn cung lương thực của mình.”

SFA cho biết nguồn cung gạo tổng thể của Singapore đang ổn định và có đủ gạo cho mọi người. SFA nói: “Người tiêu dùng cũng được khuyến khích linh hoạt và dễ thích nghi bằng cách chuyển sang các loại gạo khác hoặc các nguồn carbohydrate khác trong trường hợp bị gián đoạn”.

Thái Lan lập đơn vị chuyên trách theo dõi các yếu tố tác động tới giá gạo

Động thái của các quốc gia châu Á nhằm ổn định thị trường gạo trong nước - Ảnh 3.

Gạo được bày bán tại siêu thị ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Thương mại Thái Lan đã thành lập đơn vị "tác chiến” để theo dõi tác động đối với giá gạo và các loại cây trồng khác.

Quyết định này được đưa ra tại cuộc họp ngày 7/8 do Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit chủ trì. Trao đổi với báo giới sau cuộc họp, ông Jurin cho biết tác động của hiện tượng khí hậu El Nino và lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ đẩy giá gạo tại Thái Lan tăng cao.

Đánh giá quyết định của New Delhi là cơ hội tốt để Thái Lan thâm nhập các thị trường từng do các nhà xuất khẩu Ấn Độ “thống trị”, ông Jurin cho biết Thái Lan có thể bán nhiều gạo hơn cho châu Phi, nơi từng là thị trường trọng điểm của Ấn Độ.

Tuy nhiên, ông Jurin cũng nói rằng xuất khẩu gạo nhiều hơn và giá tăng sau đó sẽ ảnh hưởng đến giá thức ăn chăn nuôi sử dụng gạo làm nguyên liệu. Bên cạnh đó, giá lúa cũng sẽ tăng khi cơ hội xuất khẩu tăng và sau đó giá gạo xay xát cũng sẽ tăng, ảnh hưởng đến người tiêu dùng trong nước. Do đó, Bộ Thương mại Thái Lan cần tìm sự cân bằng giữa giá thóc và giá gạo xay xát để nông dân có thể thu được nhiều tiền hơn, trong khi người tiêu dùng không bị ảnh hưởng xấu.

Bộ trưởng Jurin cho biết “phòng tác chiến” sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình El Nino ở cả Thái Lan và nước ngoài, đồng thời các phái viên thương mại cũng sẽ theo dõi giá cả nông sản ở các quốc gia mà họ thường trú. Các phái viên thương mại dự kiến sẽ phải báo cáo về Bộ về giá cả, đặc biệt là giá gạo mỗi tuần.