Ngày 16/8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã họp Phiên thứ 24 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến về kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 6 tháng đầu năm 2023 và nhìn lại công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay; xác định nhiệm vụ trọng tâm công tác những tháng cuối năm và thời gian tới.
Theo báo cáo, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tiếp tục được đẩy mạnh; kỷ luật nghiêm minh, khuyến khích từ chức, kịp thời miễn nhiệm, thay thế cán bộ bị xử lý kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp, tạo bước đột phá mới trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, cơ quan chức năng đã thi hành kỷ luật 91 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 17 Uỷ viên, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 23 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (tăng gần 2 lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII).
Ngành Thanh tra, Kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 340.000 tỷ đồng (tăng hơn 02 lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII), hơn 1.700 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với hơn 6.600 tập thể và gần 18.000 cá nhân. Các cơ quan chức năng đã chuyển gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật (tăng gần 2 lần so với cả nhiệm kỳ Đại hội XII).
Điểm mới trong nhiệm kỳ này là, thực hiện chủ trương của Trung ương, cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng đã kiên quyết làm rõ trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý để xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng trong lĩnh vực được giao quản lý, phụ trách; trên cơ sở đó, khuyến khích cán bộ từ chức, xin thôi chức vụ, kịp thời miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút.
Đến nay, Trung ương đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 15 cán bộ diện Trung ương quản lý; các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, nghỉ công tác, bố trí công tác khác gần 150 trường hợp sau khi bị kỷ luật, trong đó có 4 cán bộ diện Trung ương quản lý, 65 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử được tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt; nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước được chỉ đạo xử lý bài bản, thận trọng, nghiêm minh, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Trong 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan tiến hành tố tụng trên cả nước đã khởi tố, điều tra 452 vụ án/1.409 bị can về các tội tham nhũng (tăng 155 vụ/727 bị can so với cùng kỳ năm 2022). Riêng các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 7 vụ án/37 bị can, khởi tố bổ sung 149 bị can trong 15 vụ án; kết thúc điều tra 7 vụ án/107 bị can, kết thúc điều tra bổ sung 2 vụ án/34 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 09 vụ án/175 bị can; xét xử sơ thẩm 10 vụ án/131 bị cáo; xét xử phúc thẩm 7 vụ án/62 bị cáo.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã khởi tố, điều tra 1.304 vụ/3.523 bị can về các tội tham nhũng (tăng hơn 2 lần về số vụ án và hơn 3 lần về số bị can so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng); hoàn thành xét xử 23 vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Nổi bật là, các cơ quan tiến hành tố tụng đã chủ động phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, trên diện rộng, vi phạm có tính hệ thống, có tổ chức, cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân (Như: Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh; vụ án xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát; vụ án xảy ra tại Công ty AIC; các vụ án liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, tài sản nhà nước xảy ra tại Bình Thuận; vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số Trung tâm đăng kiểm;...)
Đã khởi tố nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. (Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã xử lý hình sự 31 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó, có 2 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng; 4 Bí thư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; 5 Thứ trưởng, nguyên Thứ trưởng; 7 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 2 Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ và 9 sỹ quan cấp tướng của lực lượng vũ trang); điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt các bị can, bị cáo đang bỏ trốn trong các vụ án xảy ra tại Công ty AIC và một số địa phương, tạo bước đột phá trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực...