Đề xuất trên được Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu tại phiên họp 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 16/8.
Trình bày dự thảo Nghị quyết quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước, ông Đoàn Hồng Phong cho biết, dự thảo đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý, thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra.
Các khoản tiền được trích, theo đề xuất của Thanh tra Chính phủ, gồm các khoản tiền thuộc ngân sách nhà nước bị chiếm đoạt, sử dụng không đúng quy định của nhà nước hoặc bị thất thoát do các hành vi vi phạm pháp luật gây ra đã được thu hồi vào ngân sách nhà nước.
Hai là các khoản tăng thu ngân sách nhà nước về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật đã nộp vào ngân sách nhà nước. Ba là các khoản chi ngân sách nhà nước sai chế độ đã nộp lại vào ngân sách nhà nước.
Các khoản trích này về cơ bản đang được thực hiện theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ đề nghị thay vì quy định mức trích tối đa thì đề nghị quy định mức trích cụ thể; đồng thời tăng biên độ số tiền nộp vào ngân sách nhà nước mà các cơ quan thanh tra được trích.
Cụ thể, Thanh tra Chính phủ đề nghị được trích 30% (quy định hiện hành là tối đa 30%) trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp đến 100 tỉ đồng/năm (quy định hiện hành là 50 tỉ đồng).
Đồng thời, Thanh tra Chính phủ được trích thêm 20% (quy định hiện hành là tối đa 20%) trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 100 tỉ đồng đến 200 tỉ đồng/năm (quy định hiện hành là 50 tỉ đồng đến 80 tỉ đồng); được trích thêm 10% (hiện hành là tối đa 10%) trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 200 tỉ đồng/năm (hiện hành là trên 80 tỉ đồng)...
Theo ông Phong, tổng số kinh phí được trích bình quân trong 1 năm của giai đoạn 2018-2022 là 380 tỉ đồng. Nếu thực hiện theo chính sách mới (tăng biên độ) thì kinh phí hàng năm trích cho các cơ quan thanh tra ước tính tăng 45 tỉ đồng (tăng khoảng 12%) so với mức được trích theo quy định hiện hành. Trong đó, ngân sách trung ương tăng 27 tỉ đồng; ngân sách địa phương tăng 18 tỉ đồng.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Chính phủ chưa đánh giá cụ thể để làm rõ căn cứ, nguyên nhân đề xuất mức tăng biên độ; mức tăng biên độ số tiền nộp vào ngân sách nhà nước giữa các cơ quan thanh tra có sự chưa thống nhất, đồng bộ; chưa bảo đảm tính công bằng giữa các cơ quan thanh tra.
Ông Mạnh cũng cho hay, đa số ý kiến đề nghị giữ nguyên mức trích "tối đa" và biên độ như mức hiện hành.
Tuy vậy, ông Mạnh cũng phản ánh, một số ý kiến nhất trí với mức trích và việc điều chỉnh biên độ nêu tại dự thảo nghị quyết vì mức trích đã được kế thừa từ các quy định đã áp dụng hiện hành, cần điều chỉnh biên độ tăng là do mức lương cơ bản, chỉ số trượt giá hiện nay cao hơn.
Một số ý kiến không nhất trí với mức trích được quy định tại dự thảo nghị quyết vì mức trích này cao hơn một số cơ quan cùng được hưởng chế độ trích lập như: cơ quan Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thuế, hải quan, công an...
Theo ông Mạnh, các ý kiến này cho rằng cần có sự tính toán dựa trên cơ sở khoa học hơn, với các mức 30%, 20%, 10% là quá cao và chưa có cơ sở.