"Cô bảo con đã không biết còn thích nói"
Chị Phạm Thị Thu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có con đang học lớp 3 công lập. Con chị Thu có lực học khá, hoạt bát, hay nói và đặc biệt thích phát biểu. Hai năm học trước, con thường được cô khen ngợi vì sôi nổi trong giờ học.
"Nhưng đầu năm lớp 3, ưu điểm sôi nổi của con trở thành nhược điểm trong mắt cô", chị Thu chia sẻ.
Chuyện xảy ra vào tuần trước, ba ngày liền con chị Thu đi học về với vẻ mặt lầm lì, buồn chán, bỏ cơm. Ban đầu chị tưởng con ốm mệt, sau thấy con có vấn đề tâm lý lại nghĩ con bị bạn bè bắt nạt.
Tới ngày thứ tư, con chị mới òa khóc nói với mẹ: "Con giơ tay mà cô không gọi con. Cô bảo đã không biết còn thích nói".
"Theo lời con, trong buổi học làm quen đầu tiên của lớp 3, con giơ tay phát biểu ba lần và cả ba lần đều trả lời sai. Sau đó, cô không gọi con nữa dù con vẫn tiếp tục giơ tay.
Các ngày tiếp theo, con gần như bị cô "lờ" đi. Ngay cả khi không một cánh tay nào giơ lên ngoài con thì cô vẫn không gọi con phát biểu. Khi con mạnh dạn ý kiến rằng "Cô ơi, cô cho con trả lời", cô đã "phủ đầu" luôn bằng nhận xét như trên.
Nhận xét của cô khiến con bị tổn thương, vì con chưa từng nghĩ rằng việc trả lời sai là một lỗi lầm.
Con là một đứa trẻ rất hồn nhiên, thích đi học, chưa bao giờ sợ bị bạn bè thầy cô chê cười vì những câu trả lời bồng bột, "nhanh nhảu đoảng" và sai trong mỗi giờ học. Nhưng chỉ sau một tuần học với cô giáo mới, con trở nên lầm lì, tự ti, sợ sai", chị Thu tâm sự.
Vì điều này, chị Thu quyết định chuyển trường cho con. Chị cho rằng không có lý do để con phải cố gắng thích nghi hay chịu đựng việc bị cô giáo của mình "tẩy chay".
Chị khẳng định con chị không sai khi thích phát biểu ý kiến, cũng không cần phải sửa chữa tính cách hay nói, thích được nói trong giờ học bởi con không nói tự do.
"Cần khuyến khích trẻ phát biểu ý kiến thay vì câu nệ đúng, sai"
Cô N.T.T. - giáo viên một trường tiểu học tại Hà Nội - nêu quan điểm, thái độ yêu thích của trẻ với giờ học quan trọng hơn nội dung câu trả lời. Bởi dấu hiệu quan trọng nhất thể hiện việc trẻ tập trung nghe giảng hay không là trẻ có phản ứng với những câu hỏi của giáo viên hay không chứ không phải trẻ trả lời đúng hay sai.
Cô T. cho biết khi trẻ được khuyến khích nói ra suy nghĩ của bản thân và không bị phán xét, trẻ sẽ hứng thú với giờ học. Ban đầu, sự hứng thú đó chỉ là bề nổi, thích được thể hiện ý kiến cá nhân mà không quan tâm cô hỏi gì. Dần dần, sự hứng thú đó sẽ chuyển sang chiều sâu, trẻ sẽ thực sự quan tâm tới câu hỏi mà cô giáo đặt ra, tập tư duy, phân tích và phán đoán để có đáp án đúng.
"Nếu vội vàng phủ nhận trẻ khi trẻ trả lời sai, vô tình thầy cô sẽ khiến trẻ sợ sai, sợ môn học, và hệ lụy lâu dài là tạo ra những con người sợ thể hiện chính kiến trong cuộc sống khi trưởng thành", cô T. chia sẻ.
Tuy nhiên, cô T. cho rằng, phụ huynh không nên vội vàng chuyển trường mà nên trò chuyện với cô giáo của con trên cơ sở thông cảm với những áp lực của giáo viên trong việc dạy học.
"Thầy cô cũng là con người, cũng có những lời nói sai lầm tại một thời điểm nào đó vì những lý do nào đó. Có thể thầy cô không hay biết hành động của mình đã làm tổn thương học sinh. Vì thế, phụ huynh có thể ngồi lại chia sẻ, tâm sự với thầy cô về chuyện đã xảy ra và bày tỏ mong muốn của gia đình. Sau đó, dựa vào thực tế mới nên đưa ra quyết định cuối cùng.
Có thể cô giáo trong câu chuyện này không hề có ác ý với con. Có thể vì lớp quá đông nên cô chưa có cơ hội gọi đến con. Hoặc có thể vì tiết học quá ngắn, thời gian không có nhiều nên cô chưa cho con cơ hội phát biểu. Trong một tuần học, cô chưa hiểu được hết tính cách, sở thích của từng con nên việc xảy ra hiểu lầm là hoàn toàn có thể.
Trẻ con nhạy cảm, dễ tổn thương nhưng cũng rất dễ làm lành, dễ tha thứ, dễ quên khi nhu cầu chính đáng của trẻ được đáp ứng. Vì thế, cha mẹ, thầy cô nên cùng nhau lắng nghe và giúp trẻ trên cơ sở lợi ích của trẻ là cao nhất thay vì đặt cái tôi của mình lên cao nhất", cô T. đưa ra lời khuyên.