Để cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô, ngành nông nghiệp Hà Nội đã đẩy mạnh sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, Hà Nội tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nông, lâm, thủy sản tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh để kịp thời phát hiện vi phạm.
Từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ tiếp tục chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, các chi cục thuộc Sở chủ động trong công tác lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm; trong đó, ưu tiên sản phẩm rau, thịt và thủy sản.
Theo đó, công tác lấy mẫu, giám sát an toàn nông sản, thực phẩm sẽ được tập trung vào các nhóm sản phẩm, các công đoạn có nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm. Tập trung giám sát các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật bị cấm...
"Thời gian tới, TP .Hà Nội sẽ chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm. Thực hiện tốt các quy hoạch phát triển nông nghiệp, vùng sản xuất chuyên canh tập trung, quy hoạch giết mổ...".
Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội -
Tạ Văn Tường
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Hà Nội tập trung thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch, tổ chức kiểm tra liên ngành, đột xuất và theo các chuyên đề về chất lượng an toàn thực phẩm; kết hợp với xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật để tạo sức răn đe...
Nhằm xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm, TP. Hà Nội kiến nghị Bộ NNPTNT tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường năng lực quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, chú trọng khâu chế biến và phát triển thị trường để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý, truy xuất nguồn gốc chất lượng nông sản, thực phẩm.
Theo Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội - Nguyễn Thị Thu Hằng, thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh phát triển các vùng nông nghiệp chuyên canh tập trung, quy mô lớn. Đồng thời, duy trì và phát triển 159 chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản đáp ứng tốt nguồn nguyên liệu phục vụ hoạt động chế biến, xuất khẩu.
Hiện, thành phố có 13.474 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Để bảo đảm an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, ngành nông nghiệp Hà Nội đã và đang thường xuyên kiểm tra lấy mẫu giám sát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cũng như tìm nguyên nhân các mẫu vi phạm. Từ đó có những giải pháp khắc phục và xử phạt tùy từng mức độ.
Thúc đẩy phát triển nông nghiệp
Tại huyện Chương Mỹ có nhiều mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi, trong đó có một số mô hình tiêu biểu như: Chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau của Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn; chuỗi sản xuất – tiêu thụ sản phẩm gạo hữu cơ của Hợp tác xã Đồng Phú; chuỗi sản xuất – tiêu thụ bưởi Chương Mỹ của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến…
Huyện có lợi thế sở hữu nhiều làng nghề và vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn nên được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế phát triển các sản phẩm OCOP.
Trên địa bàn huyện có 175/208 làng có nghề, 35 làng nghề truyền thống đã được công nhận; 94 hợp tác xã; 559 trang trại chăn nuôi, trồng trọt; 6 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp… Vì vậy, huyện đã có hàng trăm sản phẩm nông nghiệp, làng nghề đặc trưng, có thương hiệu trên thị trường.
Còn tại huyện Phú Xuyên, hiện nay, trên địa bàn huyện có 2.032 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Để giám sát chất lượng nông, lâm, thủy sản, đến nay, huyện đã xây dựng được 1 cơ sở liên kết trong trồng trọt sản phẩm nông sản an toàn. Ngoài ra, có 10 sản phẩm đã được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm, huyện đã tăng cường kiểm tra, giám sát tại siêu thị, chợ dân sinh để kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật. Duy trì, phát triển thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản thủy sản an toàn. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm nông sản bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.