Những ngày qua, nhiều người dân ở TP.Huế phản ánh đến Báo Dân Việt việc nhà thầu thi công gói thầu xây lắp phần nâng cao độ tuyến đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp thuộc Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) – dự án thành phần tại Thừa Thiên Huế san lấp mặt bằng bằng vật liệu không đúng quy định.
Ông Nguyễn Văn Tuấn (phường Xuân Phú, TP.Huế) cho biết, với kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong lĩnh vực xây dựng, ông nhận thấy gói thầu này sử dụng vật liệu san lấp không đúng chủng loại, quy cách vật liệu san lấp. Cụ thể, trong khi theo quy định công trình phải sử dụng đất đạt tiêu chuẩn để san lấp thì nhà thầu đã sử dụng nhiều đá phong hóa. Bên cạnh đó, nhiều đất san lấp được sử dụng tại đây không đúng loại đất phục vụ cho công trình xây dựng theo quy định.
"Tình trạng này sẽ dẫn đến việc công trình không bảo đảm chất lượng, dễ sụt lún sau khi đưa vào sử dụng. Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý để bảo đảm chất lượng công trình", ông Nguyễn Văn Tuấn nói.
Công trình xây lắp phần nâng cao độ tuyến đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp thuộc gói thầu số 38 (HU-CW10) của Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II- dự án thành phần tại Thừa Thiên Huế. Gói thầu này do Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng 501 thực hiện.
Theo ghi nhận của PV, đã có rất nhiều đất, đá phong hóa được chở đến để sử dụng san lấp cho công trình ở tuyến đường Tố Hữu. Tại công trường có rất nhiều đống đá vụn và đá tảng được xe tải chở đến tập kết ở dải phân cách đường Tố Hữu trên chiều dài hàng trăm mét.
Theo một số kỹ sư xây dựng tại Thừa Thiên Huế, việc sử dụng đá phong hóa để đắp nền công trình là không đúng quy định về vật liệu san lấp, vì đá phong hóa sẽ không đảm bảo độ đầm chặt thành phần hạt theo TCVN 4447:2012 về công tác đất – thi công và nghiệm thu.
"Theo quy định, công trình này phải được đắp nền bằng đất chứ không thể sử dụng đá phong hóa. Đất đưa vào công trình phải được thí nghiệm về độ đầm chặt, thành phần hạt, đột ẩm, độ hút nước, trương nở... Các tiêu chí đó phải đạt tiêu chuẩn mới được đưa vào phục vụ san lấp cho công trình", một kỹ sư xây dựng cho biết.
Ông Lê Thành Bắc- Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Chương trình phát triển các đô thị loại II - dự án thành phần tại Thừa Thiên Huế- cho biết: Sau khi nhận được thông tin từ PV Dân Việt, lực lượng của Ban Quản lý dự án và đơn vị tư vấn giám sát đã trực tiếp đến hiện trường kiểm tra. Tại công trường ghi nhận có nhiều đá phong hóa đã được chở đến để phục vụ cho việc san lấp công trình trên chiều dài hàng trăm mét.
Qua kiểm tra thực tế, đơn vị tư vấn giám sát đã lập biên bản vụ việc và yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng 501 vận chuyển toàn bộ vật liệu không đúng định ra khỏi công trường trước ngày 19/8/2023.
Theo ông Lê Thành Bắc, trước khi thực hiện thi công gói thầu, Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng 501 đã đăng ký việc sử dụng đất san lấp cho công trình, trong đó có nguồn gốc đất, thành phần hạt trong đất. Dựa trên đăng ký này, Ban Quản lý dự án chấp thuận cho Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng 501 thực hiện thi công. Tuy nhiên trên thực tế nhà thầu đã "đăng ký một đường nhưng sử dụng đất san lấp một nẻo".
Ông Lê Thành Bắc cho biết thêm, Ban Quản lý dự án sẽ tiến hành cho lấy mẫu thí nghiệm thành phần cơ lý vật liệu san lấp Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng 501 sử dụng tại công trình. Hiện nay Ban Quản lý dự án đang yêu cầu đơn vị mỏ đất cung cấp thông tin về thành phần cơ lý đất san lấp theo quy trình. Trên cơ sở đó Ban Quản lý dự án sẽ chính thức có văn bản về việc xử lý vụ việc Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng 501 sử dụng vật liệu san lấp không đúng quy định.
Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II- dự án thành phần tại Thừa Thiên Huế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 392/2016, do Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư. Dự án gồm 10 gói thầu xây lắp với tổng mức đầu tư hơn 1.617 tỷ đồng, trong đó vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hơn 1.353 tỷ đồng, vốn đối ứng của địa phương hơn 263 tỷ đồng.
Các gói thầu dự án này bắt đầu thực hiện vào tháng 9/2021, dự kiến kết thúc vào tháng 9/2024. Tuy nhiên, đến nay dự án mới chỉ có 2 gói thầu hoàn thành đưa vào sử dụng, 8 gói thầu còn lại thực hiện ì ạch, trong đó có gói thầu nhiều tháng liền "án binh bất động".
Tình trạng hàng loạt gói thầu của dự án chậm tiến độ nghiêm trọng đã gây ảnh hưởng rất lớn đến giao thông và môi trướng sống của người dân.