Dân Việt

Không đủ điều kiện nhận lương hưu hoặc trợ cấp hưu trí, lao động vẫn có thể được nhận trợ cấp hàng tháng

Thùy Anh 18/08/2023 16:03 GMT+7
Thay vì 80 tuổi mới được nhận trợ cấp hưu trí, giờ đây người già chỉ cần đạt 75 tuổi là được nhận trợ cấp. Bên cạnh đó người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà chưa đủ tuổi nhận trợ cấp hưu trí có thể nhận trợ cấp hàng tháng và BHYT.

Sẽ có thêm gần 1 triệu người được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng hoặc trợ cấp hưu trí 

Đây là đề xuất của Chính phủ tại dự Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được bổ sung. Theo đó, Chính phủ đề xuất bổ sung thêm tầng trợ cấp hưu trí xã hội để thể chế hóa Nghị quyết số 28 và phát triển quy định hiện hành về trợ giúp người cao tuổi. Nếu đề xuất này được quốc hội thông qua thì sẽ có thêm 1 triệu người có trợ cấp hưu trí và có cả BHYT.

Cụ thể, dự thảo luật quy định, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng khác, thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách đảm bảo. Việc điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách.

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH thì hiện nay Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người cao tuổi (từ 55 tuổi trở lên), nhưng chỉ có 5,1 triệu người (hơn 1/3) hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng hoặc trợ cấp hưu trí. Số còn lại rơi vào khoảng trống an sinh và không có bất cứ khoản tiền nào hỗ trợ.  

Như vậy, việc Chính phủ đề xuất rút ngắn tuổi để nhận trợ cấp hưu trí nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

hưu trí hàng tháng

Lao động không có lương hưu, được nhận trợ cấp hưu trí hoặc trợ cấp hàng tháng nếu không rút BHXH 1 lần. Ảnh: Chi trả lương hưu ở Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Dũng

Theo tờ trình, khi đưa ra đề xuất trong Dự thảo Luật BHXH việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800.000 người đến 1 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế.

Nếu không đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc trợ cấp hưu trí lao động có thể nhận trợ cấp hàng tháng

Theo đó, người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (bao gồm cả bắt buộc và tự nguyện) mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động.

Các chuyên gia cho rằng cần có đánh giá tác động của đề xuất này để luật hóa nhằm vừa bảo đảm quyền lợi lâu dài, vừa tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, người hưởng trợ cấp hàng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế  do ngân sách đảm bảo.

Như vậy, nếu không chọn rút BHXH 1 lần thì lao động có thể chọn nhận trợ cấp hàng tháng, mức trợ cấp thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội ngay từ tuổi nghỉ hưu thay vì phải chờ đến 75 tuổi.

Có thể nói đây là ưu đãi rất lớn về chính sách của nhà nước cho người lao động, nhằm thực hiện mục tiêu đưa an sinh - xã hội bao phủ thêm nhiều người dân.

trợ cấp hưu trí

Lao động không rút BHXH 1 lần, nếu chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu có thể được nhận trợ cấp hàng tháng ngay mà không cần đợi tới 75 tuổi. Ảnh: N.T

Thẩm tra nội dung trên, hầu hết các đơn vị như Uỷ ban xã hội của Quốc hội cho hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí việc bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội như đề xuất.

Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng hơn tác động của việc quy định trợ cấp hưu trí xã hội đối với ngân sách Nhà nước, xung đột chính sách khi đưa các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần bổ sung quy định rõ phương thức chuyển kinh phí và việc thanh toán, quyết toán, có bao gồm phần chi trả bảo hiểm y tế hay không?

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, cần nghiên cứu để bổ sung quy định theo hướng linh hoạt hơn việc huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm, phương thức đóng linh hoạt để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn quy định.

Cụ thể, có thể tính đến việc được đóng (tặng) bảo hiểm xã hội tự nguyện cho cha, mẹ, người thân và các đối tượng khác… nhằm vừa góp phần gia tăng đối tượng tham gia, vừa giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước nhưng vẫn bảo đảm an sinh xã hội lâu dài.