Tiếp nối Út Lục Lâm, Đất rừng phương Nam lần lượt giới thiệu rõ hơn các nhân vật chủ chốt có ảnh hưởng lớn đến hành trình tìm cha của bé An (Hạo Khang). Trong đó, khán giả chú ý đến diễn viên Hứa Vĩ Văn trong vai thầy giáo Bảy dù chỉ xuất hiện với một câu thoại.
Thầy giáo Bảy là một nhân vật nhỏ xuất hiện thoáng qua trong tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi. Trong một buổi chợ náo nhiệt vùng sông nước Cà Mau, An thấy người dân nơi đây kính trọng mời thầy giáo về xem xét một con kì đà họ vừa đánh bắt được vì thầy là người trí thức nhất mà họ biết, ma chay cưới hỏi gì cũng nhờ đến thầy.
Còn trong phim Đất rừng phương Nam, thầy giáo Bảy của Hứa Vĩ Văn được thay đổi thành thầy giáo của An trong trường Tây, trước khi cậu bé cùng mẹ đi chạy giặc và tìm cha. Đây là bước ngoặt đầu đời của An khi lần đầu hoà mình vào dòng chảy lịch sử. Vì vậy mà cậu không khỏi luyến tiếc cuộc sống cũ bằng câu hỏi: "Vậy từ nay con không được đi học nữa hả thầy?" Và thầy Bảy đã trả lời và có thể là bài học cuối cùng thầy gửi gắm đến đứa học trò của mình: "Không học ở trường thì mình học ở cuộc đời".
Đó là câu thoại duy nhất của Hứa Vĩ Văn trong vai diễn thầy Bảy khi xuất hiện trong trailer, nhưng câu nói ấy đã đủ để lay động lòng khán giả. Được biết, nhà sản xuất phim Đất rừng phương Nam đã mời Hứa Vĩ Văn vào vai diễn này từ hai năm trước. "Thầy giáo Bảy mỉm cười. Nụ cười độ lượng không tỏ ra có chút gì khó chịu, mà còn làm tăng thêm vẻ đôn hậu trên gương mặt hiền lành", nhà văn Đoàn Giỏi đã thông qua An mà miêu tả người thầy giáo được mọi người trọng vọng.
Nét mặt hiền hậu của Hứa Vĩ Văn được khán giả đánh giá là rất phù hợp với hình ảnh người thầy của bé An, người đã dạy An bài học quan trọng nhất của đời người rằng, tinh thần học hỏi không bao giờ dừng lại ở mái trường, ở đôi con chữ "a bê xê".
Hứa Vĩ Văn cho biết, đạo diễn ấp ủ tác phẩm này đã lâu và kỳ vọng đưa dàn sao ăn ý của Tiệc trăng máu tái hợp, qua các vai phụ. Nhưng sau cùng, chỉ anh và Hồng Ánh có thể đồng hành Đất rừng phương Nam. Hứa Vĩ Văn kể về cơ duyên với dự án điện ảnh được đầu tư lớn: "Anh Dũng gửi gắm vai thầy giáo Bảy cho tôi từ lúc chưa hoàn thành kịch bản. Anh Dũng nói, lứa diễn viên của tôi, tôi là người hợp vai này nhất. Tôi nghe vậy vừa xúc động, vừa áp lực vì đóng lại vai nổi tiếng của chú Thanh Điền".
Theo kịch bản, thầy giáo Bảy dạy tiếng Pháp, biết hát tuồng cổ. Dù các chi tiết này không xuất hiện nhiều trên phim, Hứa Vĩ Văn dành nhiều tâm huyết chuẩn bị, tạo tính chân thực cho vai diễn. Anh nhờ bạn sống bên Pháp dạy tiếng và "tầm sư học đạo" cách hát, dáng điệu biểu diễn của các nghệ sĩ tuồng cổ trong khoảng hai tháng.
Kỷ niệm đáng nhớ của Hứa Vĩ Văn là quay cảnh hát tuồng cổ mấy ngày liền. Giọng hát của anh được thu trực tiếp trên phim trường, với nền nhạc do các nghệ sĩ chơi live. Sau hai ngày làm việc từ sáng tới khuya, anh mất tiếng, không thể nói chuyện bình thường. Anh cũng tiết lộ, ở đại cảnh đầu phim, anh đạp xe đi một cung đường dài. Cảnh phim không phức tạp về nội dung nhưng quay kỳ công qua nhiều ngày, tại vài tỉnh.
Bên cạnh đó, không chỉ khán giả mà nhiều đồng nghiệp cũng dành sự trông đợi cho sự xuất hiện của thầy giáo Bảy. Vì không chỉ là người thầy của An, thầy Bảy còn là một nhân vật yêu nước với câu chuyện về gánh hát tuồng cổ của mình. Có lẽ vì vậy mà "phù thuỷ nhạc phim" - nhạc sĩ Đức Trí đã có lời khẳng định cho màn trình diễn của Hứa Vĩ Văn trong Đất rừng phương Nam.
Hành trình đi tìm cha của bé An là một hành trình trưởng thành với sự đồng hành của rất nhiều nhân vật, nhiều thân phận con người cả tốt lẫn xấu. Mà người đã đặt nền móng vững chãi cả về tri thức lẫn đạo đức trong cậu bé không ai khác ngoài thầy giáo Bảy. Có lẽ vì vậy mà chỉ với một câu thoại, Hứa Vĩ Văn đã có thể làm khán giả xúc động như thể đang được cùng thầy giáo gửi gắm bài học cuối cùng trước khi chứng kiến cuộc phiêu lưu của cậu học trò nhỏ vào cuối tháng 10/2023.