Thông đồng để Công ty Việt Á được tham gia vào đề tài Nhà nước
Theo kết luận điều tra vụ án Công ty Việt Á, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc và các nước trên thế giới, Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) giao các đơn vị khoa học chủ động nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch. Học viện Quân y ra chủ trương giao Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự (thuộc Học viện Quân y) nghiên cứu, sản xuất test xét nghiệm.
Biết được vụ việc, Trịnh Thanh Hùng (Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kỹ thuật Bộ KH&CN) gọi điện cho Hồ Anh Sơn (Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự) yêu cầu trong đề xuất của Học viện Quân y phải đưa Công ty Việt Á là đơn vị tham gia phối hợp nghiên cứu. Ông Sơn đồng ý với yêu cầu này.
Ngày 30/1/2020, Học viện Quân y có phiếu đề xuất đặt hàng, trong đó nêu Học viện này là đơn vị chủ trì; Công ty Việt Á là đơn vị phối hợp thực hiện đề tài nghiên cứu và chế tạo test xét nghiệm.
Sau khi nhận phiếu đề xuất đặt hàng, ông Hùng không chuyển cho bộ phận văn thư của Bộ KH&CN mà làm tờ trình trực tiếp cho ông Chu Ngọc Anh (Bộ trưởng Bộ KH&CN) đề xuất lập hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học. Ông Ngọc Anh đồng ý.
Do biết đề tài thuộc về Bộ KH&CN, kết quả nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà Nước, Phan Quốc Việt - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á đã thông đồng với ông Hùng và ông Sơn để Công ty Việt Á được sử dụng kết quả nghiên cứu đề tài, lập hồ sơ đăng ký gửi Bộ Y tế.
Sau đó, Việt tiếp tục đề nghị Nguyễn Văn Trịnh (cựu Cán bộ Văn phòng Chính phủ), Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế), Nguyễn Huỳnh (cựu Thư ký của Nguyễn Thanh Long) can thiệp, tác động, chỉ đạo Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế) - đơn vị đầu mối cấp số đăng ký lưu hành sinh phẩm y tế của Bộ Y tế để Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, đăng ký lưu hành chính thức test xét nghiệm Covid-19 cho Công ty Việt Á.
Từ đó, những người này "biến" test xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước do Bộ KH&CN quản lý thành tài sản thuộc sở hữu của Công ty Việt Á trái quy định pháp luật.
Ngoài ra, nhà chức trách xác định sau khi được Bộ Y tế cấp số đăng ký tạm thời test xét nghiệm cho Công ty Việt Á, ông Chu Ngọc Anh đã chỉ đạo Bộ KH&CN công bố kết quả nghiên cứu Đề tài và ra thông cáo báo chí việc Bộ Y tế cấp phép sử dụng test xét nghiệm của Công ty Việt Á và năng lực sản xuất của công ty này. Việc này nhằm "đánh bóng tên tuổi" cho Công ty Việt Á.
Nâng khống giá test gấp nhiều lần, chi hàng triệu USD để cảm ơn
Ngoài ra, cơ quan điều tra còn xác định, khi Công ty Việt Á sản xuất thương mại, bán 200.000 kit xét nghiệm cho Bộ Y tế, Phan Quốc Việt đã nâng khống cơ cấu đơn giá để thu lợi nhuận và có tiền chi phần trăm ngoài hợp đồng.
Kết quả điều tra xác định, giá thành sản xuất test xét nghiệm tối đa khoảng 143.000 đồng/test. Giá này đã bao gồm 5% lợi nhuận và tất cả chi phí. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã hiệp thương, xác định giá 470.000 đồng/test.
Khi Bộ Y tế kiểm tra giá hiệp thương, xác định Công ty Việt Á thay đổi nguyên vật liệu sản xuất so với hồ sơ đăng ký lưu hành, Bộ này không ra kết luận kiểm tra, không kiến nghị biện pháp xử lý, dẫn đến Công ty Việt Á tiếp tục sử dụng giá hiệp thương với Bộ Y tế (đã được Phan Quốc Việt nâng khống), tạo mặt bằng giá để bán cho các đơn vị, địa phương.
Để "cảm ơn", Tổng Giám đốc Công ty Việt Á đã đã đưa 3,45 triệu USD (tương đương gần 79 tỷ đồng) và 4 tỷ đồng cho một số bị can.
Cụ thể, đưa 200.000 USD cho Nguyễn Văn Trịnh (cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ); đưa cảm ông Chu Ngọc Anh 200.000 USD; cảm ơn cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc 50.000 USD; đưa hối lộ cựu Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN Trịnh Thanh Hùng 350.000 USD; đưa hối lộ Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) 2,25 triệu USD; đưa hối lộ Nguyễn Huỳnh (cựu Thư ký ông Nguyễn Thanh Long) 4 tỷ đồng; đưa hối lộ Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế) 300.000 USD; đưa hối lộ Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ Y tế) 100.000 USD.