Dân Việt

Một ngôi miếu ở TP. Hồ Chí Minh thờ bộ xương dài 12m hơn 100 năm, người dân coi như "ngọc cốt"

Hồng Phúc - Nguyên Thịnh 27/08/2023 18:33 GMT+7
Lăng Ông Thủy Tướng ở huyện Cần Giờ, TP.HCM thờ Nam Hải Đại Tướng Quân, thường gọi Cá Ông (cá voi), vị phúc thần đối với bà con ngư dân vùng biển. Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ là một trong ba di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của TP.HCM, tổ chức dịp Rằm tháng Tám hàng năm.

Nơi có bộ xương cá voi dài 12m và lễ hội Nghinh Ông tồn tại hơn 100 năm qua ở TP.HCM. Video: Nguyên Thịnh

Tọa lạc cuối đường Duyên Hải của thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM, Lăng Ông Thủy Tướng tồn tại từ khoảng giữa thế kỷ XVIII tới thế kỷ XIX, thời chúa Nguyễn, khi Cần Giờ là một trong những thương cảng phát triển bậc nhất Đàng Trong.

Lăng Ông Thủy Tướng thờ bộ xương cá voi dài 12m

Từ bên ngoài nhìn vào, thấy ngay mấy chữ lớn đắp nổi: "Miếu Hải Thần 1805 - Thạnh Phước lạch - Lăng Ông Thủy Tướng".

Nơi có bộ xương cá voi dài 12m và lễ hội Nghinh Ông tồn tại hơn trăm năm qua ở TP.HCM - Ảnh 2.

Lăng Ông Thủy Tướng Cần Giờ tồn tại từ thời chúa Nguyễn, được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố năm 2012. Ảnh: Nguyên Thịnh

Lần theo thư tịch lịch sử, Lăng Ông Thủy Tướng đã trải qua các giai đoạn hình thành và phát triển khác nhau. Xa nhất, tiền thân lăng có lẽ là Miếu Thần Biển (Hải Thần). Miếu "hình thành năm Gia Long thứ 4 Ất Sửu (1805), hàng năm vào tháng mạnh xuân (rằm tháng 3 âm lịch) Trấn quan bày lễ Thái Lao (cầu gió thuận)", bia di tích tại Lăng Ông ghi.

Từ năm Minh Mạng thứ 5 Giáp Thân (1824), tại Đền Nam Hải, hàng năm Hội Ngư nghiệp (Ngư dân) bày lễ cúng cầu ngư vào rằm tháng 3 âm lịch.

Nơi có bộ xương cá voi dài 12m và lễ hội Nghinh Ông tồn tại hơn trăm năm qua ở TP.HCM - Ảnh 3.

Lăng Ông Thủy Tướng Cần Giờ thờ Thần Nam Hải, phối thờ Bà Thủy Long, Tiêu Diện Đại Sĩ, Tiền vãng, Hậu vãng (Bạn cũ lái xưa)… Ảnh: Nguyên Thịnh

Năm Giáp Dần 1914, Hội Ngư nghiệp đổi là Hội Vạn lạch. Lễ cúng cầu ngư tại Lăng Ông gọi là Lễ hội Nghinh Ông, tổ chức vào giữa tháng 8 âm lịch hàng năm. Đến năm Nhâm Thìn (1952), Lăng Ông Thủy Tướng được dời đến vị trí hiện nay. Hội Vạn lạch được gọi là Hội Vạn Thạnh Phước lạch.

Lăng Ông Thủy Tướng thờ Thần Nam Hải, tức Cá Ông, hay cá voi, loài linh ngư được cư dân miền biển tôn xưng, kính thờ. Tục thờ Cá Ông phổ biến ở ngư dân các tỉnh ven biển từ Trung bộ vào đến Nam bộ, trong niềm tin Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Chi Thần luôn phù trợ, chở che, cứu giúp người không may lâm nạn giữa những lúc sóng to, bão dữ ngoài biển khơi.

Nơi có bộ xương cá voi dài 12m và lễ hội Nghinh Ông tồn tại hơn trăm năm qua ở TP.HCM - Ảnh 4.

Tục thờ Cá Ông phổ biến ở ngư dân ven biển từ Trung bộ đến Nam bộ, cầu mong sự phù trợ, cứu giúp người gặp nạn giữa biển khơi. Ảnh: Nguyên Thịnh

Cùng với Thần Nam Hải, Lăng Ông Thủy Tướng còn phối thờ Bà Thủy Long, Tiêu Diện Đại Sĩ (Ông Quan Tướng), Tiên sư, Tả ban, Hữu ban, Tam thập lục di, Tứ sinh lục đạo, Tiền vãng, Hậu vãng (Bạn cũ lái xưa), Hội đồng…

Về kiến trúc, Lăng Ông được xây dựng theo mô hình tứ trụ, chữ nhị, liền một khối gồm tiền điện, chánh điện. Võ ca đối diện với chính điện, là nơi hát, diễn tuồng trong các ngày lễ hội. Lăng hiện lưu giữ nhiều di vật có giá trị mỹ thuật gắn với quá trình hình thành và phát triển di tích như tranh thờ, tượng, lư hương, bình gốm, bộ binh khí, kiệu nghinh…

Nơi có bộ xương cá voi dài 12m và lễ hội Nghinh Ông tồn tại hơn trăm năm qua ở TP.HCM - Ảnh 5.

Lăng Ông Thủy Tướng Cần Giờ hiện lưu giữ nhiều di vật có giá trị mỹ thuật gắn với quá trình hình thành và phát triển di tích. Ảnh: Nguyên Thịnh

Đến Lăng Ông Thủy Tướng, người dân và du khách không thể không chiêm ngưỡng bộ xương Cá Ông dài 12m, gọi là "ngọc cốt", được bảo quản trong tủ kính, đặt trong một gian phòng riêng.

"Ông lụy (mất) năm 1971, được bà con ngư dân Cần Giờ chôn cất, sau 3 năm thì cải táng, xương Ông được đem về thờ tại lăng. Năm 2001, được sự hỗ trợ của Bảo tàng TP.HCM, Viện Hải dương học, bộ xương Ông được phục dựng hoàn chỉnh, trưng bày tại đây", ông Ngô Văn Dị, Hội trưởng Hội Vạn lạch cho biết.

Nơi có bộ xương cá voi dài 12m và lễ hội Nghinh Ông tồn tại hơn trăm năm qua ở TP.HCM - Ảnh 6.

“Ngọc cốt” - bộ xương Cá Ông dài 12m đang được bảo quản, trưng bày tại Lăng Ông Thủy Tướng Cần Giờ. Ảnh: Nguyên Thịnh

Phía trước ngọc cốt là gian thờ trang trọng, có ghi: "Hữu cầu tất ứng", cùng dòng thơ xưng tụng: 

"Biển trời bát ngát mênh mông

Trong cơn bão tố Cá Ông cứu người".

Với những giá trị quan trọng, độc đáo, Lăng Ông Thủy Tướng đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố vào năm 2012. Ngư dân Cần Giờ và các địa phương lân cận thường xuyên đến viếng, cúng bái tại Lăng Ông. Bà con tề tựu về đông vui nhất, có lẽ là dịp Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức vào rằm tháng 8 âm lịch hàng năm.

Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ - di sản quốc gia với lịch sử trăm năm

Hàng năm, cứ vào dịp rằm tháng Tám âm lịch, cũng là dịp Tết Trung thu, huyện Cần Giờ lại long trọng, thành kính tổ chức Lễ hội Nghinh Ông. Đây là lễ hội dân gian truyền thống của ngư dân Cần Giờ - Gia Định xưa và Cần Giờ - TP.HCM nay, cũng như của cả vùng Nam bộ nói chung.

Nơi có bộ xương cá voi dài 12m và lễ hội Nghinh Ông tồn tại hơn trăm năm qua ở TP.HCM - Ảnh 7.

Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ còn gọi “Tết Biển”, một phong tục, tập quán tốt đẹp của ngư dân địa phương, là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Nguyên Thịnh

Theo Nghệ nhân ưu tú Phan Văn Chấn, Hội phó Hội Vạn Thạnh Phước lạch, lễ hội Nghinh Ông là dịp để kết nối con người với thần linh, con người với thiên nhiên, cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái, dân an và mọi điều tốt lành trong cuộc sống, tiêu biểu cho tín ngưỡng thờ cúng thủy thần của ngư dân.

"Lễ hội Nghinh Ông được người dân huyện Cần Giờ xem như là cái Tết thứ hai. Lễ hội nhằm thỏa mãn nhu cầu vui chơi, nghỉ ngơi sau những ngày lao động vất vả ngoài biển khơi, là dịp đón tiếp người thân, du khách đến tham quan và đồng cảm với người dân miền biển", ông Phan Văn Chấn chia sẻ.

Nơi có bộ xương cá voi dài 12m và lễ hội Nghinh Ông tồn tại hơn trăm năm qua ở TP.HCM - Ảnh 8.

Hàng trăm ghe, thuyền lớn nhỏ tháp tùng Nghinh Ông ra biển trong Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ. Ảnh: Nguyên Thịnh

Là nét phong tục, tập quán tốt đẹp trong hoạt động sản xuất ngư nghiệp của người dân địa phương, Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ được bắt đầu tổ chức từ năm Quý Sửu 1913, tính đến nay đã hơn 100 năm. Lễ hội phản ánh niềm tin, tín ngưỡng, quan niệm và tri thức dân gian của ngư dân huyện Cần Giờ, còn được gọi là "Tết Biển" của địa phương.

Các nghi thức, nghi lễ cùng những hoạt động diễn ra trong lễ hội đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của ngư dân, thể hiện tấm lòng thành kính, tưởng nhớ, tạ ơn Thần Nam Hải, Thần Biển đã che chở, hỗ trợ ngư dân trong cuộc sống, sản xuất. Lễ hội cũng là dịp ngư dân cầu mong bình an cho những chuyến ra khơi, ước mong vụ mùa đánh bắt bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nơi có bộ xương cá voi dài 12m và lễ hội Nghinh Ông tồn tại hơn trăm năm qua ở TP.HCM - Ảnh 9.

Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ có lịch sử trăm năm, vừa tương đồng lễ hội cầu ngư, Nghinh Ông ở các nơi khác, vừa có nét riêng, độc đáo của địa phương. Ảnh: Nguyên Thịnh

Theo các nhà nghiên cứu, Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ vừa có nét tương đồng với một số nghi thức, nghi lễ chính trong các lễ hội cầu ngư, Nghinh Ông khác trong khu vực, vừa có những nét khác biệt độc đáo với nhiều huyền thoại, chuyện kể dân gian về lịch sử hình thành, phát triển vùng đất rừng ngập mặn Cần Giờ. Chính những điều đó tạo nên một lễ hội mang màu sắc riêng biệt của cư dân địa phương.

Năm 2013, tròn 100 năm được duy trì bền bỉ, Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vinh dự, tự hào đối với huyện Cần Giờ nói riêng và TP.HCM nói chung, là sự ghi nhận những nỗ lực của ngư dân và chính quyền địa phương trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, nhất là chú trọng giữ gìn nét văn hóa đặc trưng của người dân vùng biển, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nơi có bộ xương cá voi dài 12m và lễ hội Nghinh Ông tồn tại hơn trăm năm qua ở TP.HCM - Ảnh 10.

Hát bội tại Lăng Ông Thủy Tướng trong Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ. Ảnh: Nguyên Thịnh

Năm ngoái, Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ được tổ chức hoành tráng, đông vui với quy mô một sự kiện văn hóa đặc sắc của TP.HCM. Tết Trung thu gần đến, người dân Cần Giờ và du khách cũng đang háo hức chuẩn bị tham gia Lễ hội Nghinh Ông.

Lễ hội gồm hai phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm các nghi thức đã được chuẩn hóa theo thời gian như lễ thượng đại kỳ, nghi thức đưa - rước nghinh, lễ cúng cầu ngư, lễ cúng đại lễ và hát bội tại Lăng Ông, lễ cúng tiền hiền hậu hiền, bạn cũ lái xưa...

Trong đó, trọng tâm của lễ hội là lễ Nghinh Ông trên biển và đón đoàn nghinh về Lăng. Đúng ngày này, hàng trăm ghe, thuyền lớn nhỏ tháp tùng thuyền Nghinh Ông ra biển tạo nên quang cảnh sinh động với cờ hoa rực rỡ cho vùng biển duyên hải.

Nơi có bộ xương cá voi dài 12m và lễ hội Nghinh Ông tồn tại hơn trăm năm qua ở TP.HCM - Ảnh 11.

Triển lãm thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội - quốc phòng - an ninh huyện Cần Giờ nhân Lễ hội Nghinh Ông hàng năm. Ảnh: Nguyên Thịnh

Trong khuôn khổ lễ hội còn có các hoạt động ý nghĩa như lễ viếng nghĩa trang liệt sĩ Rừng Sác, lễ hội Mừng công ngư dân Cần Giờ, Tết Trung thu cho thiếu nhi… Bên cạnh đó là nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, thương mại, du lịch như triển lãm tranh ảnh, hiện vật, giới thiệu, mua bán sản phẩm OCOP, biểu diễn lân - sư - rồng, diều nghệ thuật, lễ hội ẩm thực, trò chơi dân gian vùng biển, các giải đua xe đạp, điền kinh, đua ghe xuồng…

Lễ hội Nghinh Ông thu hút đông người dân và du khách từ khắp nơi đổ về huyện Cần Giờ, góp phần phát triển du lịch địa phương, quảng bá hình ảnh huyện ven biển duy nhất của TP.HCM với nhiều tiềm năng, lợi thế để vươn xa.