Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cho phép vợ chồng được thuận tình ly hôn hoặc ly hôn theo yêu cầu của một bên - tức ly hôn đơn phương.
Bên yêu cầu ly hôn có thể thỏa thuận với người đang bị tạm giam để thực hiện ly hôn thuận tình, trường hợp không đồng ý, có quyền làm thủ tục ly hôn đơn phương.
Pháp luật cũng không hạn chế quyền ly hôn đơn phương với người đang bị tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù.
Về thủ tục ly hôn với người đang tạm giam, chấp hành án phạt tù, theo luật sư Đồng, nguyên đơn chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định. Sau đó, nộp hồ sơ khởi kiện ly hôn tại tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Tòa án có thẩm quyền thụ lý đơn ly hôn của nguyên đơn và sau đó ủy thác cho tòa án địa phương nơi có trại tạm giam, trại giam mà người chồng hoặc vợ đang bị tạm giam, đang thi hành án để lấy lời khai, ý kiến của người này.
Tiếp đến, nguyên đơn nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí ly hôn. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ khi nộp 1 bộ hồ sơ đầy đủ tới tòa án, nguyên đơn có quyền nhận được thông báo nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí ly hôn. Sau đó, nguyên đơn thực hiện thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí ly hôn.
Theo sự thông báo và hướng dẫn của tòa án, nguyên đơn có nghĩa vụ có mặt tại các phiên làm việc theo quy định khi tòa án giải quyết vụ án ly hôn. Nếu nguyên đơn không có mặt đúng theo sự triệu tập của tòa án, vụ án ly hôn có thể bị đình chỉ giải quyết.
Trường hợp hòa giải không thành, tòa án sẽ tiến hành mở phiên tòa xét xử ly hôn đơn phương.
Do một bên vợ, chồng đang bị tạm giam hoặc đang chấp hành án phạt tù trong trại giam. Vì vậy, không thể có mặt tại phiên tòa khi giải quyết cũng không thể ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục này.
Trường hợp này, tòa án sẽ tiến hành xét xử ly hôn vắng mặt theo thủ tục chung và ra bản án ly hôn.