Mắm tôm chà là một trong những đặc sản của vùng đất Gò Công (Tiền Giang) và đã được nhiều người biết đến. Để nâng tầm món đặc sản này, thời gian qua, chính quyền địa phương cùng các cơ sở sản xuất đã tích cực xây dựng thương hiệu, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tại thị xã Gò Công có nhiều hộ gia đình theo nghề làm mắm. Mỗi hộ đều có những công thức làm mắm riêng được lưu truyền từ đời này sang đời khác, giúp nuôi sống nhiều thế hệ. Song nổi tiếng nhất phải kể đến mắm tôm chà Gò Công.
Dù chỉ là món ăn dân dã, có lịch sử gần 200 năm trước, nhưng mắm tôm chà đã theo chân Thái hậu Từ Dụ vào cung đình Huế, trở thành món quý dâng lên vua chúa nửa đầu thế kỷ 19.
Theo Ủy ban nhân dân (UBND) thị xã Gò Công, (tỉnh Tiền Giang) thời gian qua, địa phương đã tập trung phối hợp các ngành liên quan của tỉnh thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách hỗ trợ, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào quá trình sản xuất mắm tôm chà.
Các công đoạn như: Rửa nguyên liệu, phơi con mắm, chà tôm nguyên liệu,… đều dùng máy móc thay thế, giúp giảm sức người lao động, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trước đây, sản phẩm làm thủ công, độ đạm của mắm không đảm bảo do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố (nguyên liệu, thời tiết…).
Tuy nhiên, với sự đổi mới, con mắm được phơi và ủ trong phòng kín, mắm thành phẩm đáp ứng đủ độ đạm chuẩn cần có, hương vị thơm ngon. Bên cạnh đó, việc tận dụng tốt giá trị nguồn nguyên liệu (dùng máy chà tôm lấy được 99,9% thịt tôm) góp phần làm giảm giá thành sản phẩm so với thị trường, giúp sản phẩm dễ dàng quảng bá và tiếp cận khách hàng.
Sau khi áp dụng thành công quy trình sản xuất hiện đại, sản phẩm của cơ sở ngày càng bảo đảm chất lượng, hình ảnh bao bì sản phẩm cũng bắt mắt đẹp hơn.
Mắm tôm chà Gò Công (tỉnh Tiền Giang) ngày càng được nhiều người biết đến. Mắm tôm chà đã theo chân Thái hậu Từ Dụ vào cung đình Huế, trở thành món quý dâng lên vua chúa nửa đầu thế kỷ 19.
Năm 2019, thị xã Gò Công đã phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương Mắm tôm chà Gò Công và được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt Quyết định số 38/2019/QĐ-UBND ngày 20/12/2019 về Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương Mắm tôm chà Gò Công.
Quy chuẩn kỹ thuật ban hành nhằm đảm bảo các cơ sở sản xuất tuân thủ các quy định về chất lượng sản phẩm, qua đó đã khai thác tốt hơn nữa Nhãn hiệu tập thể "Mắm tôm chà Gò Công".
Đặc biệt, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã giúp nâng tầm sản phẩm mắm tôm chà. Một trong số cơ sở thành công trong việc nâng tầm sản phẩm Mắm tôm chà thông qua chương trình OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh là Cơ sở sản xuất mắm Bà Hai Diễm, Cơ sở sản xuất mắm Bà Hai I...
Từ đó, sản phẩm mắm của các cơ sở tham gia quảng bá tại các hội chợ lớn, các hội nghị kết nối cung cầu Tiền Giang - TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành…, trên các trang thương mại điện tử.
Thị trường tiêu thụ trong nước bắt đầu quan tâm đến sản phẩm, lượng khách hàng tìm đến mua cũng nhiều hơn.
Tiếp nối thành công, các cơ sở đã ký hợp đồng cung ứng mắm cho chuỗi hệ thống siêu thị Big C và Mega, Co.opmart…, góp phần khẳng định, đưa thương hiệu mắm tôm chà dần tiến xa hơn thị trường trong nước và quốc tế.
Theo ông Giản Bá Huỳnh, Chủ tịch UBND thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang), trong thời gian tới, địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các cơ sở sản xuất mắm trên địa bàn phát triển thương hiệu.
Trong đó, địa phương sẽ tập trung chỉ đạo các ngành liên quan vận động, hướng dẫn các cơ sở sản xuất mắm tham gia và nâng hạng sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; tích cực tham gia các hội chợ, đưa sản phẩm lên các trang thương mại điện tử…
Ngoài ra, địa phương sẽ mời gọi doanh nghiệp hình thành điểm dừng chân trên các trục lộ giao thông chính kết hợp với trưng bày, kinh doanh các sản phẩm đặc trưng của thị xã như mắm tôm chà, tủ thờ Gò Công...