Bộ GDĐT vừa có thông báo, từ 7h ngày 20/8 đến 14h ngày 22/8, hệ thống sẽ tiếp tục lọc ảo 10 lần. Từ 14h ngày 22/8, các trường sẽ tải về kết quả xử lý nguyện vọng lần cuối cùng. Trước 17h ngày 24/8, các trường nhập mức điểm trúng tuyển, kết quả xét tuyển lên hệ thống, rà soát và chuẩn bị công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 theo lịch chung.
Sau nhiều lần lọc ảo, một số trường đại học tại TP.HCM đã cơ bản dự kiến được điểm chuẩn trong năm 2023.
Thông tin từ Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, sau 5 lần lọc ảo, điểm chuẩn xét tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT dự kiến tăng khá cao, trung bình tăng từ 1,5-2 điểm tùy từng ngành.
Đại diện Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho biết, điểm chuẩn dự kiến tăng mạnh trong năm 2023 là vì số lượng nguyện vọng nộp vào trường tăng gấp đôi năm ngoái. Cụ thể, năm nay, nguyện vọng nộp vào trường là gần 40.000, trong khi đó, năm 2022 là khoảng 20.000 nguyện vọng.
Cũng dự kiến điểm chuẩn tăng, ThS Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) nhận định, một số ngành dự kiến có mức điểm trúng tuyển cao hơn từ 0,5 - 1 điểm so với mức điểm sàn (16 - 21 điểm) là ngành Công nghệ thông tin, Truyền thông đa phương tiện, Thiết kế đồ họa, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Công nghệ kỹ thuật ôtô, Marketing, Quản trị kinh doanh, Digital Marketing,…
Tương tự, tại Trường ĐH Gia Định, TS Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông cho rằng, dự kiến có một số ngành điểm chuẩn tăng từ 0,5-1 điểm như ngành Quan hệ công chúng, Công nghệ thông tin, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Marketing. Tuy nhiên, nhìn chung điểm chuẩn sẽ không biến động nhiều so với năm 2022.
Trong khi đó, đại diện Trường ĐH Kinh tế - Luật (UEL) - ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết, sau những lần lọc ảo, điểm chuẩn cơ bản đã ổn định. Dự kiến, những ngành hot sẽ tăng khoảng 0,5 điểm; các ngành còn lại có thể sẽ giảm nhẹ điểm chuẩn so với năm 2022.
Trong đó, các ngành khả năng tăng điểm chuẩn như ngành Thương mại điện tử, Kinh doanh quốc tế, kinh tế đối ngoại, digital marketing... Năm nay, UEL nhận được 24.000 nguyện vọng đăng ký xét tuyển, cao gần gấp đôi năm ngoái và cao gấp 10 lần so với chỉ tiêu tuyển sinh của trường.
Trong khi đó, tại Trường ĐH Công Thương TP.HCM, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông chia sẻ, sau 5 lần lọc ảo, điểm chuẩn của trường dự kiến sẽ giảm nhẹ.
Cụ thể, ngành Marketing có điểm chuẩn dự kiến cao nhất khoảng 22,5 điểm, ngành Công nghệ thực phẩm, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Thương mại điện tử... sẽ rơi vào khoảng 21 điểm. Các ngành khác dao động trong khoảng 16 - 20 điểm.
Ông Sơn cho rằng, nguyên nhân điểm chuẩn dự kiến giảm là do năm nay trường tăng khoảng 2.000 chỉ tiêu so với năm trước.
Tại Trường ĐH Công Nghiệp TP.HCM, đại diện trường này nhận định, điểm chuẩn các ngành dự kiến sẽ giảm từ 0,25 đến 0,5 điểm so với năm 2022.
Lý giải điều này, đại diện nhà trường cho biết, phổ điểm xét tuyển vào các khối A00, A01, D01 giảm cho nên điểm chuẩn một số ngành xét tuyển các tổ hợp này cũng giảm theo. Điểm chuẩn cao nhất khoảng 26 điểm đối với một số ngành như công nghệ thông tin, kinh doanh quốc tế...
Năm nay, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có khoảng 50.000 nguyện vọng đăng ký, trong đó khoảng 1/5 là nguyện vọng 1.