Dân Việt

Những "điểm nghẽn" chính trong cuộc khủng hoảng mang tên Evergrande

Ngọc Diệp (Theo Nikkei Asia) 21/08/2023 07:40 GMT+7
Tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc mới đây đã nộp hồ sơ xin phá sản theo chương 15 của Luật Phá sản Mỹ.

Tình hình trong ngành bất động sản Trung Quốc hiện ngày một khó khăn hơn. Nhiều doanh nghiệp đang đương đầu với nhiều thách thức về tài chính và buộc phải dừng lại một số dự án, thực tế này cho thấy mô hình tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc dựa trên giá bất động sản tăng cao đã đến giới hạn.

Cuộc khủng hoảng bất động sản tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tệ hại đến mức nào? Quan điểm chính sách của Bắc Kinh về vấn đề này ra sao? Dưới đây là năm điểm quan trọng nhất về cuộc khủng hoảng bất động sản liên quan đến Evergrande.

Nợ của Evergrande lớn đến đâu?

Tổng thua lỗ trong hai năm tài chính kết thúc vào tháng 12/2021 và 2022 của tập đoàn Evergrande khoảng 580 tỷ nhân dân tệ tức khoảng 80 tỷ USD. Doanh nghiệp này vì vậy rơi vào tình trạng nợ nần cao, tổng số nợ của doanh nghiệp là 2.437 tỷ nhân dân tệ tính đến cuối năm 2022.

Trong đó, phần lớn các khoản nợ là những khoản cần phải thanh toán cho nhiều doanh nghiệp xây dựng và đối tác kinh doanh ước tính khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ.

Trong quý gần nhất, lợi nhuận của Evergrande giảm đến 93%, đây có thể coi như cú sốc lớn với thị trường nhà đất Trung Quốc.

Những "điểm nghẽn" chính trong cuộc khủng hoảng mang tên Evergrande - Ảnh 1.

Tình hình trong ngành bất động sản Trung Quốc hiện ngày một khó khăn hơn. Ảnh CNN

Vấn đề ở đây không chỉ ở các thua lỗ tài chính. Tập đoàn bất động sản một thời lớn thứ 2 tại Trung Quốc này ở thời điểm cuối năm 2022 đương đầu với ước tính khoảng 1.519 vụ kiện có tổng quy mô số tiền phải thanh toán ước tính 396 tỷ nhân dân tệ.

Nhiều bên đòi Evergrande thanh toán các chi phí xây dựng và nguyên vật liệu. Tập đoàn đã không thể bàn giao nhà đúng hạn cho người mua nhà bởi thanh khoản khó khăn khiến cho tập đoàn không triển khai được nhiều dự án bất động sản đúng theo kế hoạch trước đó.

Evergrande có liên quan đến yếu tố nước ngoài như thế nào?

Trong khoản nợ tổng số 2.437 tỷ nhân dân tệ của Evergrande, tổng các khoản nợ bằng ngoại tệ chỉ là một phần. Tập đoàn cũng đã đối thoại với chủ nợ nước ngoài về thời hạn trả các khoản nợ. Theo công bố của doanh nghiệp, phần lớn các hoạt động đầu tư bất động cản của doanh nghiệp diễn ra tại nội địa Trung Quốc, doanh nghiệp đồng thời có lượng tài sản nhất định ở Mỹ.

Còn nếu nhìn từ góc độ khác, khoảng 27,3% trong tổng số nợ 612 tỷ nhân dân tệ chịu lãi suất hiện đang được tính theo đồng USD và đôla Hồng Kông, điều đó đồng nghĩa phần lớn nợ của của Evergrande vẫn trong nội địa.

Điều gì đã khiến cho Evergrande nộp hồ sơ xin phá sản tại Mỹ?

Cuối tháng 3/2023, Evergrande thông báo kế hoạch tái cấu trúc nợ nước ngoài, theo đó thời hạn thanh toán trái phiếu được kéo dài đến 12 năm, ngoài ra, trái phiếu có thể được chuyển đổi thành cổ phiếu của doanh nghiệp xe điện hoặc quản lý bất động sản. Tuy nhiên, Evergrande chỉ có thể đạt được thỏa thuận với một số chủ nợ, với một số chủ nợ còn lại, các cuộc đối thoại đang bế tắc.

Doanh nghiệp này nộp hồ sơ xin phá sản tại Mỹ với hy vọng có thể đàm phán được với chủ nợ nước ngoài về thời hạn thanh toán các khoản nợ bằng đồng ngoại tệ theo chương 15 Luật Phá sản Mỹ. Tuy nhiên, dù việc nộp hồ sơ này có thành công, tác động của nó sẽ vẫn khá hạn chế cũng như không giải quyết được những vấn đề căn bản mà Evergrande đang đối mặt cũng như tình hình nợ nần tại nội địa không giải quyết được bằng cách này.

Quan điểm của Bắc Kinh về vấn đề này ra sao?

Trong báo cáo hàng quý công bố vào ngày thứ Năm, Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh đến việc ngăn chặn rủi ro, cùng lúc đó thừa nhận rằng một số doanh nghiệp đang gặp khó trong các cuộc khủng hoảng tài chính.

Những "điểm nghẽn" chính trong cuộc khủng hoảng mang tên Evergrande - Ảnh 2.

Tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc mới đây đã nộp hồ sơ xin phá sản theo chương 15 của Luật Phá sản Mỹ.

Tuy nhiên, hiện nay Bắc Kinh vẫn không muốn đưa ra các biện pháp mạnh tay để ứng phó với các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi lo ngại có thể dẫn đến nhiều bất ổn với các doanh nghiệp đối tác và nhiều đối tượng liên quan khác.

Tháng 7/2023, "tác giả" đằng sau chính sách "ba lằn ranh đỏ" thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) – ông Quách Thụ Thanh đã từ chức. Ông được coi như một trong những người có quan điểm đổi mới khi đề xuất chính sách "ba lằn ranh đỏ" để hạn chế hoạt động gọi vốn của doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc hiện vẫn rất ưu tiên vào ổn định kinh tế cũng ngại ngần thực hiện các biện pháp cải tổ mạnh tay.

Tổng quan toàn ngành bất động sản Trung Quốc hiện ra sao?

Tình trạng không thể triển khai các dự án bất động sản bởi thiếu vốn là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc. Vấn đề này đang làm tổn hại đến niềm tin của người tiêu dùng, vì vậy họ không còn muốn mua nhà, không khó hiểu tại sao doanh số bất động sản hạ sâu.

Giờ đây khi mà dân số Trung Quốc đang bắt đầu giảm, nhiều chuyên gia dự báo khả năng nhu cầu nhà phục hồi trong dài hạn khó xảy ra. Nhiều doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc hiện đang công bố kết quả kinh doanh gây thất vọng.

Mới đây, tập đoàn bất động sản Country Garden Holdings – doanh nghiệp bất động sản tư nhân lớn nhất tại Trung Quốc, công bố đã thua lỗ từ 45 đến 55 tỷ nhân dân tệ trong nửa đầu năm 2023.

Một doanh nghiệp bất động sản lớn khác có tên Soho China, doanh nghiệp bất động sản tầm trung niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông vào ngày thứ Sáu công bố lợi nhuận ròng nửa đầu năm 2023 chỉ đạt 13,61 triệu nhân dân tệ, giảm 93% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu của doanh nghiệp giảm 8% xuống còn 821,5 tỷ nhân dân tệ.