Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Long An, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, hiện hộ nghèo đa chiều của tỉnh Long An còn 0,97%, cận nghèo 2,24%.
Tại Hội nghị Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI vừa qua, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Long An cho biết, tính đến tháng 6 năm 2023, thực hiện các chỉ tiêu theo Nghị quyết thì tỷ lệ lao động qua đào tạo 73,94%/75%, đạt 78,8% kế hoạch,trong đó có bằng cấp, chứng chỉ 32,43%/ 35%, đạt 48,6% kế hoạch; giảm 26,37%/50% số hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí mới so với đầu năm 2021, đạt 52,74% kế hoạch.
Theo đó,Sở đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo liên quan đến lĩnh vực lao động, việc làm. Trong đó, có kế hoạch triển khai Đề án đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tỉnh Long An hàng năm; kế hoạch thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động tỉnh Long An đến năm 2030; Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới;…trong đó chú trọng liên kết hợp tác đào tạo nghề với doanh nghiệp, các trường đại học có thương hiệu trong khu vực.
Sở cũng thực hiện hiệu quả các chính sách, pháp luật về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Kịp thời tham mưu UBND tỉnh các vấn đề liên quan đến công tác trẻ em và bình đẳng giới. Chủ động giải quyết các vấn đề về trẻ em và phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em. Công tác vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới tiếp tục được sự quan tâm của các cấp, các ngành.
UBND tỉnh Long An cho biết, tỉnh đã triển khai thực hiện tốt các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo từng bước ổn định đời sống, phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, tập trung thực hiện đào tạo nghề cho người lao động gắn với doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất để kết nối giải quyết việc làm sau đào tạo. Toàn tỉnh đã có 146/161 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư, 158/161 xã đạt tiêu chí nghèo đa chiều, thuộc Bộ tiêu chí xã nông thôn mới. Trơng đó, 96/161 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư và nghèo đa chiều, thuộc Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Long An, tính đến tháng 6 năm 2023, trên địa bàn tỉnh còn 4.665 hộ nghèo trên tổng số 483.092 hộ dân, chiếm tỷ lệ 0,97%; 10.820 hộ cận nghèo trên tổng số 483.092 hộ dân, chiếm tỷ lệ 2,24%.
Để hoàn thành Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, theo Giám đốc Sở LĐTBXH Nguyễn Hồng Mai, Sở sẽ quyết tâm, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, như tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%; trong đó có bằng cấp, chứng chỉ 35%.Giảm 50% số hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí mới so với đầu nhiệm kỳ.Số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 5.000 người.100% xã phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công.100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc dưới các hình thức; duy trì và nâng cao chất lượng, xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em…
Để đạt mục tiêu này theo bà Mai, Sở sẽ đề xuất những giải pháp đột phá trong công tác giảm nghèo bền vững. Sở sẽ tham mưu, thực hiện chính sách giảm nghèo đặc thù của tỉnh, như tiếp tục hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm y tế cho 100% thành viên gia đình hộ cận nghèo, xóa nghèo cho hộ nghèo, cận nghèo đang hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, chính sách hỗ trợ hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, không có khả năng lao động; phân công hỗ trợ xóa nghèo theo địa chỉ cụ thể; xây dựng và nhân rộng những mô hình giảm nghèo hiệu quả, những điển hình tiên tiến về giảm nghèo; quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn bảo đảm an sinh xã hội.
"Quan trọng nhất trong công tác giảm nghèo vẫn là bảo đảm được yếu tố bền vững, không để tái nghèo hoặc phát sinh nghèo", bà Mai chia sẻ.