Ở bản Ngồ Hén của Sơn La, vườn đầy trái to bự, dê, trâu, lợn trong chuồng con nào khỏe đẹp
Giảm nghèo ở bản Ngồ Hén của Sơn La, vườn đầy trái ngon, dê, trâu, lợn trong chuồng con nào cũng khỏe
Văn Ngọc
Thứ bảy, ngày 15/07/2023 08:00 AM (GMT+7)
Không ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân bản Ngồ Hén, xã Hát Lót, (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như trồng xoài, trồng nhãn, nuôi dê, nuôi lợn hữu cơ...để giảm nghèo, làm giàu...
Clip: Chuyện người dân bản Ngồ Hén, xã Hát Lót, (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) thay đổi tư duy, canh làm kinh tế để giảm nghèo...
Bà con dân tộc ở Ngồ Hén từng gắn với đói, với nghèo
Hơn chục năm về trước, bản Ngồ Hén, xã Hát Lót, (Mai Sơn, Sơn La) được biết đến là vùng đất hoang sơ và nghèo đói.
Đường giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế. Cuộc sống của người dân chủ yếu là tự cung tự cấp.
Thu nhập chính của người dân phụ thuộc vào canh tác nông nghiệp, trồng các loại cây lương thực ngắn ngày trên nương như ngô, sắn,… chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún chủ yếu là để phục vụ gia đình. Vất vả là vậy nhưng cuộc sống của người dân cứ bị cái đói, cái nghèo đeo bám suốt một thời gian dài.
Với những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai... Đến nay Ngồ Hén đã "thay da, đổi thịt". Đời sống của người dân ngày được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm.
Về Ngồ Hén lần này, chúng tôi thấy được sự thay đổi của vùng đất "hoang sơ" ngày nào. Hình ảnh đường làng, ngõ xóm, giao thông nội bản, nội đồng được đầu tư xây dựng mới, thuận tiện cho người dân đi lại, buôn bán. Những ngôi nhà được xây dựng kiên cố, xen kẽ là những vườn cây ăn quả.
Tiếp chúng tôi tại Nhà văn hóa bản mới được xây dựng kiên cố, đáp ứng các tiêu chí phục vụ nhân dân vui chơi, học tập, triển khai các chủ chương chính sách của Đảng và Nhà nước; anh Lường Văn Thanh, Bí thư Chi bộ, Trường bản Ngồ Hén phấn khởi chia sẻ: Bản Ngồ Hén cách trung tâm xã Hát Lót 7km, có tổng diện tích tự nhiên 724,49 ha. Trong đó đất ở 6,24ha, đất sản xuất 198ha, đất lâm nghiệp 259,25ha.
Chi bộ bản Ngồ Hén luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy Đảng cấp trên trong công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ công tác của chi bộ.
Cán bộ, đảng viên luôn đoàn kết thống nhất cao trong việc thực hiện Nghị quyết phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh. Nhân dân có tinh thần đoàn kết tốt, cần cù chịu khó, vượt qua mọi khó khăn, chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy ước, hương ước của địa phương, hằng năm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
"Với những việc làm cụ thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ xóa đói nghèo trong nhiều năm vừa qua; đến nay Ngồ Hén đã có nhiều thay đổi, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Trong bản đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao như: Mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc, mô hình trồng cỏ nuôi bò, mô hình nuôi dê thương phẩm..." anh Thanh nói.
Gia đình ông Tòng Văn Hỏa, dân tộc Thái ở bản Ngồ Hén xã Hát Lót, (Mai Sơn, Sơn La) trước đây vốn là hộ nghèo trong bản, canh tác nông nghiệp hay chăn nuôi cũng chỉ để phục vụ gia đình.
Việc giao thương, buôn bán sản phẩm nông nghiệp đối với gia đình ông là chưa hề biết đến. Vì những lý do đó, gia đình ông không thể thoát ra khỏi cái đói, cái nghèo.
Những năm trở lại đây, được cấp ủy, chính quyền địa phương vận động và tuyên truyền, gia đình ông Hỏa đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng xoài, nhãn,… Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác, vườn cây ăn quả của gia đình ông mỗi năm cho thu hơn 100 triệu đồng. Nhờ vậy gia đình ông đã thoát được nghèo.
"Mình không chịu khó làm thì mình thiệt thòi thôi, không làm thì không có ăn, nghèo đói lắm. Nhưng được Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ về cây giống, hướng dẫn cách chăm sóc cây ăn quả, gia đình mình đã học tập và làm theo. Năm nào vườn cây ăn quả cũng cho thu hoạch, bán được tiền. Gia đình mình không sợ đói nghèo nữa, có tiền cho con đi học...". ông Hỏa nói.
Đưa bản Ngồ Hén từ đói nghèo vươn lên bản nông thôn mới
Theo Bí thư chi bộ, trưởng bản Ngồ Hén - anh Lường Văn Thanh cho biết: Trong triển khai các chương trình giảm nghèo, phát triển kinh tế, bản Ngồ Hén cũng gặp phải những khó khăn, hạn chế nhất định. Khó khăn của bản là đường giao thông, đường điện, trình độ dân chí còn nhiều hạn chế. Trước những khó khăn đó, cấp ủy, chi bộ bản Ngổ Hén đã xây dựng nhiệm vụ, lộ trình phát triển cụ thể.
Đối với các cơ sở, vật chất, hạ tầng tranh thủ được sự hỗ trợ của nhà nước, nhân dân trong bản đã đồng lòng, góp sức, hiến đất làm đường, xây dựng nhà văn hóa, xây dựng hệ thống điện chiếu sáng bản làng, hệ thống mương phai, thủy lợi đưa nước vào ruộng để canh tác.
Còn đối với việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con trong bản, ban lãnh đạo bản đã tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa những cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. 4
Bên cạnh đó, bản đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, của xã hướng dẫn bà con nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
"Mình là đảng viên, mình phải gương mẫu đi đầu. Mình có chăn nuôi, trồng cây ăn quả giỏi, cho hiệu quả kinh tế cao thì bà con trong bản mới học tập và làm theo mình. Có như vậy người trong bản mình mới cùng nhau phát triển, mới giàu lên được", Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Ngồ Hén nói.
Với gia đình anh Tòng Văn Dương ở bản Ngồ Hén, xã Hát Lót, (Mai Sơn, Sơn La); khi nhận thấy nhu cầu tiêu thụ dê thương phẩm cao, với số vốn tích góp, gia đình anh Dương đã mạnh dạn đầu tư mô hình trồng cỏ nuôi dê thương phẩm.
Mỗi lứa dê, gia đình anh Dương nuôi từ 35 – 40 con dê thương phẩm; mỗi năm nuôi 2 lứa. Sau khi trừ tất cả chi phí, mỗi năm gia đình anh thu lời gần 120 triệu đồng.
"Hàng năm tôi đều tham gia lớp tập huấn về phát triển chăn nuôi do huyện, xã tổ chức. Qua các lớp tập huấn như vậy, tôi đã biết được cách chăn nuôi dê như nào cho hiệu quả. Đặc biệt là tôi biết phòng trừ dịch bệnh cho dê, biết cho dê ăn cỏ không bị đau bụng. Học được như nào, tôi về áp dung ngay tại gia đình mình, thấy rất hiệu quả, dê nuôi lớn nhanh, ít bị bệnh", anh Dương nói.
Với những cách làm cụ thể, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền nơi đây đã tạo ra sự thay đổi lớn về nhận thức của người dân trong bản về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Giờ đây bản Ngồ Hén đã có nhiều tiến bộ.
Xóm làng, nhà cửa khang trang hơn, mức sống của người dân được cải thiện tích cực. Nếu như trước đây tỷ lệ hộ nghèo trong bản ở mức cao trên 12%, thi đến nay tỷ lệ hộ nghèo của bản giảm xuống còn 6%. Hiện nay bản Ngồ Hén đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và bước vào xây dựng nông thôn mới nâng cao.
"Để xây dựng bản Ngổ Hén ngày càng đi lên, đời sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, thời gian tới Ngồ Hén sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển cây ăn quả trên đất dốc, phát triển chăn nuôi gia súc nhốt chuồng theo quy mô tập trung; chủ động làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh.
Bản cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cùng nhau chung tay xây dựng nông thôn mới nâng cao, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đóng góp của nhân dân" Bí thư chi bộ, trưởng bản Ngồ Hén nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.