Năm học 2023-2024, TP.HCM có khoảng 1,7 triệu học sinh, tăng thêm 35.055 em so với năm học 2022-2023. Trong đó, học sinh tăng nhiều nhất là ở cấp THCS (34.017 em) và THPT (21.181 học sinh).
Ở bậc mầm non, số trẻ tăng là 7.932 em (công lập tăng 3.217 em, ngoài công lập tăng 4.715 em).
Riêng bậc tiểu học, năm học mới dự kiến sẽ giảm 28.165 học sinh (công lập giảm 28.721 em, ngoài công lập tăng 556 em).
Đa số học sinh tăng trong năm học này đều tập trung ở TP.Thủ Đức và các quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn. Do đây là những khu vực đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, dân số tăng cao. Việc gia tăng học sinh như trên kéo theo đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên phải tăng.
Thông tin từ Sở GDĐT TP.HCM cho biết, trong năm học 2023-2024, TP.HCM cần tuyển 4.721 giáo viên ở tất cả các bậc học từ mầm non đến THPT. Tuy nhiên, tính đến tháng 9/2023, thành phố chỉ có 12 quận, huyện hoàn thành công tác tuyển dụng giáo viên cho năm học 2023-2024, với 1.243 chỉ tiêu.
Các địa phương đang trong thời gian thực hiện quy trình tuyển dụng, chờ báo cáo kết quả, gồm quận 4, 5, 6, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp và TP.Thủ Đức.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM, nhìn nhận thiếu giáo viên và thiếu cơ sở vật chất là khó khăn mà ngành giáo dục TP.HCM đang phải đối mặt, tìm nhiều giải pháp khắc phục.
Trong đợt hè vừa qua, Sở GDĐT đã cùng với các quận, huyện tổ chức hội nghị để tìm phương án khắc phục việc thiếu giáo viên, cũng như đầu tư xây dựng trường học.
Sở đã cùng các quận, huyện thống nhất thời gian công bố kết quả tuyển dụng giáo viên, để tránh tình trạng dữ liệu ảo, tránh việc giáo viên đã trúng tuyển ở các quận, huyện này lại tham gia dự tuyển ở quận huyện khác...
Đối với câu chuyện cơ sở vật chất, ông Hiếu đánh giá đây sẽ là việc lâu dài. Hiện tại, nguồn quy hoạch đất dành cho giáo dục đang rất khó khăn. Nguồn đất sạch, đất sẵn sàng xây dựng trường học không nhiều... Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng dân cư ở khu vực vùng ven rất nhanh, có xã ở huyện Bình Chánh lên đến 160.000 dân, đã phá vỡ hết các quy hoạch về dân cư cũng như trường học.
"Sắp tới, TP.HCM dự kiến xây dựng 4.500 phòng học đến 2025, đây là một trong những công trình trọng điểm để chào mừng 50 năm giải phóng thành phố. Ngân sách TP.HCM sẽ đầu tư khoảng 3.000 phòng học, số còn lại sẽ được kêu gọi đầu tư từ nguồn xã hội hóa, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước", ông Hiếu cho biết.
Cũng theo người đứng đầu ngành giáo dục thành phố, năm học 2023-2024 là năm áp cuối thực hiện nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa đối với lớp 4, 8, 11. Như vậy, chỉ còn 1 năm nữa là hoàn thành cuốn chiếu tròn 1 vòng khi đổi sách giáo khoa.
"Năm học này sẽ là năm quan trọng để đánh giá, khẳng định việc thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, đi vào đúng định hướng, mục tiêu. Chính vì vậy, ngành giáo dục cần kiên trì, định hướng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên, xác định ngay từ đầu việc dạy học các môn mới, như khoa học tự nhiên, lịch sử địa lý", ông Hiếu nói.
Cũng theo ông Hiếu, việc thiếu giáo viên hoặc giáo viên mới được tập huấn chương trình mới chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn khi giảng dạy. Tuy nhiên, với mục đích giảm tải kiến thức cũng như định hướng mới, ngành giáo dục sẽ kiên trì, bồi dưỡng giáo viên; phối hợp với các đơn vị đào tạo sự phạm trên địa bàn – đặc biệt là Trường ĐH Sài Gòn, để tổ chức nhiều lớp tập huấn hơn, đáp ứng nhu cầu của năm học.
Một trăn trở khác của ngành giáo dục TP.HCM chính là việc thực hiện chuyển đổi số. Ông Hiếu cho biết đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm học mới.
"Hiện tại, có hơn 1,7 triệu học sinh và 120.000 giáo viên TP.HCM có dữ liệu số. Sở đang yêu cầu số hóa tất cả các trang thiết bị dạy học, là điều kiện dạy và học trong nhà trường để có sự quản lý, dự báo về trang thiết bị phù hợp và số hóa tài liệu, sách giáo khoa, thư viện số, kế hoạch dạy học số... để chia sẻ các bài học hay cho học sinh thành phố", ông Hiếu chia sẻ.
Giám đốc Sở Giáo dục TP.HCM đánh giá lớp học số đã mang lại nhiều lợi ích, là giải pháp khi thành phố còn thiếu hụt giáo viên, và nâng cao chất lượng giáo viên cho các trường vùng xa.
Ngoài môn Tin học và tiếng Anh, Sở đang tính đến việc làm dữ liệu các môn học khác để các trường tham khảo trong quá trình dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cũng như triển khai được định hướng toàn ngành.