Nhọc nhằn đi tìm phòng trọ, không ít tân sinh viên rơi nước mắt oan ức vì bị lừa tiền

Mỹ Quỳnh Chủ nhật, ngày 03/09/2023 09:23 AM (GMT+7)
Đậu đại học, trở thành tân sinh viên là niềm vui, sự mong chờ lớn đối với học sinh. Nhưng, trước khi đặt chân vào giảng đường đại học, nhiều tân sinh viên liền đối diện với nỗi khó khổ tìm phòng trọ.
Bình luận 0

Nhiều ngày gần đây, tân sinh viên từ các địa phương đổ về TP.HCM nhập học rất đông sau khi các trường công bố điểm chuẩn và chính thức nhận hồ sơ nhập học. Trong số này, rất nhiều em đã xin vào được ký túc xá của các trường hoặc nhà trọ, nhà người thân... tuy nhiên, cũng có nhiều em đang trầy trật tìm phòng trọ.

Trầy trật kiếm tìm phòng trọ

Đặt chân đến TP.HCM đúng dịp nghỉ lễ, hai cha con ông N.V.H (ngụ tỉnh Phú Yên) tới một trường đại học ở quận 10 để nhập học. Ban đầu, ông H dự định cho con gái ở tại nhà người thân một thời gian cho "cứng cáp", nhưng nhà người thân quá xa trường nên hai cha con dắt nhau đi tìm phòng trọ.

"Kiếp nạn thứ 82" của tân sinh viên: Nhọc nhằn đi tìm phòng trọ - Ảnh 1.

Nhiều phụ huynh dẫn con đi tìm phòng trọ trước thêm năm học mới. Ảnh: M.Q

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông H kể, là lần đầu tiên bước chân vào TP.HCM, không rành đường nên hai cha con cứ đi hết hẻm nọ đến hẻm kia để hỏi thăm. Ở khu vực quận 10 (gần vòng xoay ngã bảy Lý Thái Tổ) nhà cửa san sát, nhiều nhà cho thuê phòng trọ nhưng đều đã kín; một vài nơi còn phòng thì giá cả "trên trời".

"Hai cha con tôi đi từ sáng tới trưa, gặp đâu hỏi đó. Ngặt nỗi, khu vực này là trung tâm, giá cho thuê rất cao. Có phòng chỉ hơn 10m2 gồm nội thất cơ bản như tủ lạnh, máy lạnh, nệm ngủ... giá tới 4,5 triệu đồng/tháng. Nơi khác, phòng rộng rãi hơn một chút, khoảng 15m2, giá cho thuê từ 6,5-8 triệu đồng. Tôi nghe mà chóng hết cả mặt", ông H nói.

Ông H cho biết thêm, giá nêu trên chỉ là tiền thuê phòng mỗi tháng. Nếu đồng ý ở thì phải ký hợp đồng 6 tháng trở lên, đặt cọc trước 1 tháng. Các chi phí khác gồm tiền điện 4.000 đồng/kW; nước 100.000 đồng/người/tháng, wifi 100.000 đồng/người/tháng; tiền rác 25.000 đồng/người/tháng; máy giặt, thang máy, vệ sinh hành lang, 50.000 đồng/người/tháng; giữ xe tay ga 70.000 đồng/xe, xe số 50.000 đồng/xe...

Một phòng cho thuê full nội thất tại quận 10, TP.HCM có giá 7 triệu đồng/tháng. Clip: M.Q

"Thú thực gia đình tôi làm nông, thu nhập bấp bênh, ngoài học phí, mỗi tháng cố lắm cũng chỉ gửi cho con được khoảng 3-4 triệu đồng để chi tiêu sinh hoạt. Dự tính của cha con tôi là tìm phòng trọ giá tầm 2 triệu đổ lại hoặc tìm phòng ở ghép để bớt chi phí. Thế nhưng, khu vực gần trường giá cho thuê cao quá, mà con tôi vừa nhập học chưa quen ai để rủ ở ghép cùng. Chắc chúng tôi phải tìm khu vực xa hơn để giảm bớt chi phí", ông H nói.

Tương tự, bà T.T.M (ngụ tỉnh Tiền Giang) cùng con đi tìm nhà trọ cũng gặp không ít khó khăn. Trường con bà M học có nhiều cơ sở, năm nhất học ở cơ sở quận Tân Bình, các năm tiếp theo có thể sẽ học ở những cơ sở khác. Chính vì vậy, hai mẹ con bà M muốn tìm phòng trọ ở khu vực thuận tiện di chuyển qua các cơ sở.

Dù lên TP.HCM không quá muộn để nhập học so với thời hạn, nhưng hai mẹ con bà M cũng chật vật đi tìm kiếm phòng trọ vì khu vực gần trường đều đã kín phòng. Lần theo thông tin cho thuê phòng trọ trên mạng xã hội, hai mẹ con tìm đến nhưng hầu hết là phòng "ảo" hoặc phòng trọ thực tế khác xa hình ảnh trên mạng. Nếu không xập xệ, cũ kỹ, ẩm thấp thì cũng thiếu an ninh hoặc giá cả quá cao.

"Ở thành phố giá cả quá đắt đỏ. Phòng ốc nhỏ xíu xiu nhưng giá cũng từ 2-3 triệu, chưa kể các chi phí điện, nước, internet... mỗi tháng cũng thêm vài trăm ngàn. Đây là số tiền rất lớn với chúng tôi", bà M chia sẻ.

Cẩn thận... sập cả bẫy lừa đảo cho thuê phòng trọ

M.N, tân sinh viên một trường ĐH tại TP.Thủ Đức một thân một mình vào TP.HCM nhập học. Dù nhà trường nơi N học có tư vấn chọn nhà trọ, ký túc xá cho sinh viên, nhưng vì lo sợ ở ký túc xá có khá nhiều người cùng sống một phòng dễ phức tạp, N đã tự đi tìm nhà trọ.

Lựa chọn một trung tâm giới thiệu nhà trọ trên mạng xã hội, N được nhân viên tư vấn "có nhiều nhà trọ khang trang, giá cả phải chăng". Tuy nhiên, N phải đóng trước cho trung tâm này 400.000 đồng thì nhân viên mới đưa đi xem phòng. N ngập ngừng, được các nhân viên tư vấn đảm bảo không lừa đảo, khi nào tìm được phòng ưng ý họ mới hết trách nhiệm...

"Kiếp nạn thứ 82" của tân sinh viên: Nhọc nhằn đi tìm phòng trọ - Ảnh 5.

Ở các khu vực nhiều trường đại học, phòng trọ "mọc lên như nấm" nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu thuê trọ. Ảnh: M.Q

"Sau khi đóng tiền, họ hẹn khoảng 4-6h chiều sẽ dẫn tôi đi xem nhà trọ. Họ dẫn tôi đi lòng vòng nhiều nơi, không gần trường như quảng cáo trước đó. Đến nơi có phòng trọ ưng ý, sạch đẹp thì nhân viên lại bảo "tiếc quá, vừa có người đến thuê rồi". Còn lại hầu hết đều là những phòng xa xôi, nhỏ hẹp và cảm giác không an toàn. Sau buổi tối rong ruổi cùng nhân viên trung tâm giới thiệu nhà trọ này, tôi thấy chán nản nên không đi nữa, chấp nhận mất 400 ngàn đồng", M.N nói.

Không may mắn như M.N chỉ mất 400.000 đồng, một nữ tân sinh viên tại TP.Thủ Đức còn bị mất 1 triệu đồng tiền cọc thuê trọ vì chiêu trò lừa đảo. Nữ sinh này cho biết, khi đang lang thang tìm nhà trọ tại phường Linh Trung (TP.Thủ Đức), có một người phụ nữ khoảng 50 tuổi hỏi thăm và cho biết, cô ấy là chủ nhà trọ gần đấy. Đáng nói, dãy trọ của cô này có một phòng sắp trả vì sinh viên ra trường, vào trung tâm thành phố đi làm.

"Em rất mừng vì tìm được phòng gần trường, giá cả lại quá tốt, giờ giấc tự do. Khi đến xem phòng, em chỉ được đứng ngoài quan sát vì người thuê phòng đi vắng. Cô chủ nhà trọ nói, nếu thích thì làm biên lai đặt cọc 1 triệu đồng, đầu tháng 9/2023 dọn vào ở luôn. Cô ấy cũng nói thêm, nếu không cọc nhanh sẽ có người khác cọc, vì đây là khu vực luôn "cháy" phòng trọ", nữ tân sinh viên chia sẻ.

Không một chút đắn đo, nghi ngờ, nữ tân sinh viên đã làm biên lai đặt cọc 1 triệu để thuê trọ, thậm chí, nữ tân sinh viên này còn cẩn thận đưa cả bản photo căn cước công dân cho "cô chủ trọ" và lưu số điện thoại. 

Đầu tháng 9/2023, nữ sinh viên này đến nhận phòng trọ thì tá hỏa khi khách thuê vẫn đang ở, họ cũng bất ngờ vì không hề có ý định chuyển đi. Gọi điện thoại cho "cô chủ trọ" kia thì không liên lạc được... Đồng thời, hỏi ra nữ tân sinh viên này mới biết, chủ trọ thực sự lại là một người khác. 

"Biết bị lừa, em ngậm ngùi, khóc nghẹn. Vừa không có chỗ ở, vừa mất tiền. Một triệu đồng không quá lớn nhưng cũng là số tiền mà bố mẹ em phải dành dụm, chắt bóp để cho em lên TP.HCM theo học...", nữ tân sinh viên nghẹn ngào nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem