Qua đó, Hội Nông dân đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản, mang lại thu nhập cao cho nông dân Bắc Giang.
Hương Sơn xã miền núi duy nhất của huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang với 56% dân số là đồng bào DTTS. Cuộc sống của người dân xã Hương Sơn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Khai thác lợi thế về địa hình, vài năm gần đây, nông dân trong xã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng dứa và chăn nuôi gà thả đồi.
Bà Vũ Thị Phương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Sơn cho biết: Để khai thác thế mạnh địa phương, năm 2021, Hội Nông dân xã Hương Sơn đã hỗ trợ các hộ nông dân liên kết thành lập HTX Dứa sạch Hương Sơn với 31 thành viên, diện tích sản xuất trên 150ha. Tham gia HTX, các thành viên được hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc dứa theo tiêu chuẩn VietGAP, được kết nối tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó đầu ra của toàn bộ sản phẩm thuận lợi, giá bán cao hơn so với thị trường.
Năm 2023, dự kiến Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang tiếp tục hướng dẫn xây dựng 20 sản phẩm OCOP, duy trì nâng cao chất lượng 20 sản phẩm đã đạt OCOP.
Ông Nguyễn Văn Đăng - Phó Giám đốc HTX Dứa sạch Hương Sơn cho biết: Năm 2023 này, nhờ điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng thuận lợi, người dân có kinh nghiệm chăm sóc, ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất nên năng suất dứa trung bình đạt gần 40 tấn/ha và cho quả to, mã đẹp. Nhờ xây dựng được thương hiệu sản phẩm OCOP, nên sản phẩm dứa sạch Hương Sơn có giá bán cao hơn so với trước đây. Hiện với giá bán đạt 9.000 đồng/kg dứa tại vườn, nông dân trồng dứa ở Hương Sơn có doanh thu từ 300-350 triệu đồng/ha, trừ chi phí đầu tư lãi khoảng 200 triệu đồng/ha.
Năm 2022, sản phẩm "Táo Phì Điền" HTX sản xuất thương mại và dịch vụ nông nghiệp Phì Điền, xã Phì Điền, huyện Lục Ngạn cũng được Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ và được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Bắc Giang.
Anh Phan Văn Nết - Giám đốc HTX sản xuất thương mại và dịch vụ nông nghiệp Phì Điền cho biết: HTX có tổng diện tích canh tác táo hơn 45ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ chú trọng sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng được thương hiệu sản phẩm OCOP nên táo Phì Điền của HTX được thương lái và người tiêu dùng ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội rất ưa chuộng.
Chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ hội viên xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP ở địa phương, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lục Ngạn Nguyễn Đức Quân cho biết: Thực hiện đề án Hội Nông dân các cấp làm nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị; xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP giai đoạn 2022-2025, Hội N huyện đã tổ chức hội nghị triển khai quán triệt thực hiện đến Hội Nông dân các xã, thị trấn.
Đồng thời, Hội Nông dân thường xuyên phối hợp với các phòng chuyên môn thực hiện công tác tuyên truyền, tập huấn, tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ các chủ thể xây dựng mới và củng cố các sản phẩm OCOP đã được công nhận. Đến nay, toàn huyện có 33 sản phẩm OCOP, trong đó có 11 sản phẩm đạt 4 sao, 22 sản phẩm đạt 3 sao.
Để các mô hình liên kết, hợp tác hỗ trợ nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, hằng năm, Hội Nông dân các cấp trong huyện phối hợp với UBND cùng cấp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh, tích cực tham gia ngày hội trái cây và các sản phẩm đặc trưng của huyện.
Đồng thời phối hợp với Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều, Công ty cổ phần Logistics (Những ngôi sao liên kết) xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử cho sản phẩm vải thiều, cam bưởi Lục Ngạn và các sản phẩm đặc trưng của huyện,... Qua đó, một số mô hình liên kết và HTX hoạt động có hiệu quả như: HTX Hồng Xuân, HTX Hùng Thảo, HTX Phì Điền, HTX Mỹ Chũ Nam Thể... mỗi năm tiêu thụ hàng ngàn tấn sản phẩm và tạo công ăn, việc làm cho hàng trăm hội viên, nông dân.
Ông Lã Văn Đoàn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cho biết: Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng và được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt Đề án "Hội Nông dân các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, giai đoạn 2022 - 2025".
Đề án đặt ra mục tiêu mỗi năm các cấp Hội Nông dân trong tỉnh trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng mới được từ 10 sản phẩm OCOP trở lên và hỗ trợ củng cố, nâng cao hiệu quả 20 sản phẩm đã được công nhận.
Để đạt mục tiêu trên Hội Nông dân các cấp hội đã phối hợp hỗ trợ, tư vấn cho các HTX tham gia Chương trình OCOP tất cả các khâu trong chu trình phát triển sản phẩm OCOP như xây dựng ý tưởng sản phẩm; xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh; triển khai thực hiện kế hoạch; hoàn thiện hồ sơ gửi tham dự đánh giá…
Kết quả, năm 2022 toàn tỉnh Bắc Giang có 22 sản phẩm do các cấp Hội Nông dân hướng dẫn được công nhận sản phẩm OCOP. 20 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP tiếp tực được duy trì củng cố, nâng cao chất lượng.