Dân Việt

Cổ phiếu “vua” vẫn rất hấp dẫn đối với nhà đầu tư

Quốc Hải 22/08/2023 10:05 GMT+7
Nhóm cổ phiếu ngân hàng được dự báo có nhiều khả quan khi dòng tiền lớn bắt đầu gia nhập lại thị trường chứng khoán.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng sôi động trở lại

Sự tích cực của thị trường chứng khoán từ đầu quý III được thể hiện ở nhóm các cổ phiếu ngân hàng. Cụ thể, tính đến hết tháng 7, có 21/27 mã ngân hàng ghi nhận tăng trưởng trên 10%.  Nhiều mã ngân hàng tăng mạnh trong 7 tháng qua như: BID tăng 19%, VCB tăng 11%, PGB tăng hơn 77%, NAB tăng 44%, VBB tăng 50%, STB tăng 23%, VPB tăng 20%…

Cổ phiếu “vua” vẫn rất hấp dẫn với nhà đầu tư - Ảnh 1.

Cổ phiếu "vua" vẫn rất hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong những tháng cuối năm 2023. Ảnh: SSI

Còn nếu tính từ đầu tháng 8 đến nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có diễn biến trái chiều với các nhịp tăng, giảm đan xen.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán đã xuất hiện những phiên giao dịch với thanh khoản lên đến 1,2 tỷ USD. Đặc biệt, phiên ngày 18/8 vừa qua, sàn HoSE chứng kiến khối lượng giao dịch lập kỷ lục hơn 1,7 tỷ cổ phiếu với giá trị gần 1,5 tỷ USD. Với vai trò chiếm hơn ⅓ vốn hóa thị trường, nhóm ngân hàng cũng không nằm ngoài tầm ngắm của dòng tiền.

Ngay trong phiên giao dịch hôm qua (21/8), nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng là điểm tựa chính của thị trường với cặp đôi BID và CTG có đóng góp lớn nhất, lần lượt 1,81 và 1,61 điểm vào chỉ số chung. Đặc biệt, điểm sáng ngành thuộc về LPB khi có thời điểm chạm trần và kết phiên tăng ấn tượng 6,3% lên mức 19.400 đồng/CP với thanh khoản đạt 27,6 triệu đơn vị.

Ngoài ra, STB và SHB cũng thuộc top 10 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất thị trường, lần lượt đạt 35,26 triệu đơn vị và 26,2 triệu đơn vị, cả 2 mã này đều kết phiên tăng hơn 1%.

Không chỉ tăng giá, thị trường cũng chứng kiến các phiên giao dịch lớn với quy mô lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng được thực hiện ở nhóm ngân hàng. Chẳng hạn, mới nhất, trong giai đoạn từ 25/7 đến 16/8, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Thành viên HĐQT VIB đã mua vào 25 triệu cổ phiếu VIB với ước tính giá trị trên 500 tỷ đồng.

Cũng liên quan đến mã VIB, trong thời gian 21/7-9/8, ông Đặng Quang Tuấn (con trai ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB) cũng bán ra gần 125 triệu cổ phiếu VIB với giá trị ước tính là 2.630 tỷ đồng.

"Xét về mức định giá thì mức P/B trung bình của ngành ngân hàng đang ở mức 1,6 lần, tương đối thấp hơn một chút so với mức trung vị trong 5 năm vào khoảng 1,7. Điều đó phản ánh mức định giá tương đối hợp lý của các cổ phiếu ngân hàng hiện nay", ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam.

Cùng thời gian giao dịch, Công ty CP Funderra, tổ chức có liên quan tới ông Đặng Khắc Vỹ, đã đăng ký mua gần 125 triệu cổ phiếu VIB, đúng bằng số lượng mà ông Tuấn đăng ký bán ra.

Hoặc, vào ngày 7/8, quỹ ngoại Dragon Capital cũng bán ra gần 121 triệu cổ phiếu ACB, tương đương hơn 3,1% cổ phiếu của ngân hàng và không còn là cổ đông lớn. Ước tính, giao dịch trên giúp Dragon Capital thu được số tiền gần 2.900 tỷ đồng.

Cổ phiếu “vua” vẫn rất hấp dẫn với nhà đầu tư - Ảnh 3.

Theo dự báo, lợi nhuận những tháng cuối năm của các ngân hàng vẫn rất khả quan. Ảnh: HDB

Trước đó, trong khoảng thời gian từ ngày 9/6 đến 8/7, bà Nguyễn Việt Triều, vợ ông Ngô Hà Bắc, thành viên HĐQT của ngân hàng OCB, đã bán thành công gần 500.000 cổ phiếu. Phần lẻ (50.000 cổ phiếu) chưa bán thành công do mức giá không được như kỳ vọng.

Ước tính với mức giá đóng cửa của cổ phiếu OCB vào ngày 7/7 là 18.100 đồng/CP, giá trị lượng cổ phiếu được sang tay là gần 9 tỷ đồng.

Hoặc, phiên giao dịch ngày 11/7, hơn 155 triệu cổ phiếu PGB với giá trị gần 3.173 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Xăng dầu  Petrolimex đã được sang tay.

Triển vọng nào cho nhóm cổ phiếu ngân hàng những tháng cuối năm?

Theo báo cáo cập nhật triển vọng cổ phiếu ngân hàng mới công bố của Chứng khoán MB (MBS), đơn vị này cho rằng điểm nhấn tín dụng sẽ tăng tốc nhanh hơn trong nửa cuối năm 2023 dựa trên một số yếu tố tích cực. Thứ nhất, xuất khẩu sẽ phục hồi tăng trưởng dương trên nền thấp cùng kỳ năm ngoái, cũng như cầu tiêu dùng của Trung Quốc khôi phục lại mạnh mẽ hơn sau khi mở cửa.

Thứ hai, hiệu ứng từ lãi suất cho vay giảm bắt đầu kích hoạt lại nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân. Chính sách tài khóa như giảm thuế VAT từ 10% về 8% … sẽ phát huy tác dụng kích thích nhu cầu tiêu dùng.

"Biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng sẽ cải thiện trong nửa cuối năm 2023 nhờ lãi suất huy động giảm làm giảm chi phí vốn. Đồng thời, chất lượng tài sản là chỉ tiêu tiên quyết khi lựa chọn đầu tư vào cổ phiếu ngành ngân hàng", chuyên gia của MBS lưu ý.

MBS cũng kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm 2023, nhờ kỳ vọng lãi suất điều hành giảm thêm 1 lần nữa (khoảng 0,5%), đưa lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu về mức ngang bằng với đáy giai đoạn Covid-19 (lần lượt là 4,0% và 2,5%).

Từ đó, sẽ điều chỉnh lãi suất huy động trên cả thị trường 1 và 2; giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với nhóm NHTM Nhà nước và bổ sung tiền gửi kho bạc nhà nước vào cách tính LDR (tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi), giúp các ngân hàng có dư địa giảm lãi suất huy động, giúp các NHTM có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay nhằm kích cầu tín dụng.

Khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng triển vọng hơn khi đây là một trong những lĩnh vực dễ hưởng lợi từ xu hướng giảm lãi suất và kinh tế phục hồi.

Chuyên gia tài chính Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam cũng nhận định, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng dự báo sẽ tiếp tục hưởng lợi thời gian tới.

"Ở đây có một điều hơi ngộ, đó là lãi suất huy động hạ rất nhanh nhưng tốc độ hạ lãi suất cho vay vẫn chậm hơn. Tính ra NIM ngân hàng có khi lại tốt hơn trong bối cảnh lãi suất bị hạ. Có thể hình dung rằng, những khoản đã vay ngân hàng trước đây thì không được hạ lãi suất liền, phải chờ mặc dù Chính phủ đã liên tục thúc giục, trong khi lãi suất tiền gửi chỉ còn hơn 6%. Vô hình chung GAP (khoàng trống) chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ lớn", ông Phương nói.