Tin từ Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công (thuộc Cục Hải quan TP.HCM) cho biết, đơn vị này vừa có nhiều văn bản gửi tới Cục thuế TP.HCM thông báo về việc nhiều doanh nghiệp nợ thuế khó đòi. Cơ quan này đã thực hiện biện pháp cưỡng chế nhưng vẫn chưa thu hồi được.
Cục Hải quan TP.HCM đã dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa của hàng loạt doanh nghiệp nợ thuế "khủng", trong đó có CTCP Tập đoàn Pacific Health Care (phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM) nợ 150 tỷ đồng.
Cục Hải quan TP.HCM cho biết, với tư cách là trung tâm xuất nhập khẩu của cả nước, số tiền nợ thuế, nợ phạt quá hạn tại đơn vị này trong 7 tháng lên tới khoảng 1.900 tỷ đồng, với hơn 5.700 doanh nghiệp nợ thuế. Trong đó nhóm nợ khó thu hồi khoảng 1.500 tỷ đồng. Nếu tính con số nợ khó đòi từ trước 31/12/2022 đến nay, số nợ đọng tại Cục Hải quan TP.HCM đã trên 2.200 tỷ đồng.
Cục Hải quan TP.HCM cho biết, các doanh nghiệp nợ kéo dài chủ yếu hoạt động gia công và sản xuất xuất khẩu. Đơn vị đã gửi văn bản cũng như gặp trực tiếp đại diện doanh nghiệp để đôn đốc nhưng doanh nghiệp đưa ra nhiều lý do (gặp khó trong kinh doanh, nhận tiền thánh toán chậm...) để chây ỳ trong việc trả nợ. Đặc biệt, lợi dụng quy định về thời gian nộp thuế có thể được ân hạn tới 90 ngày nên nhiều doanh nghiệp đã kéo dài, trì hoãn, thậm chí gian lận, trốn thuế gây thất thu cho ngân sách.
CTCP Tập đoàn Pacific Health Care là cổ đông góp 51% vốn tại Công ty CP Pacific Quảng Trị. Đây là chủ đầu tư dự án là chủ đầu tư dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng biển Mũi Trèo tại Quảng Trị.
Dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng biển Mũi Trèo, có diện tích sử dụng đất dự kiến khoảng 198,89ha, với tổng vốn đầu tư dự án là 5.750 tỷ đồng, gồm 2 giai đoạn (giai đoạn 1 là 3.755 tỷ đồng và giai đoạn 2 là 1.995 tỷ đồng).
Vào tháng 3/2023, dự án này đã bị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị đề nghị UBND tỉnh xem xét, thống nhất chủ trương chấm dứt dự án do chậm hoàn thành các thủ tục pháp lý.
Dữ liệu Dân Việt cho thấy, CTCP Tập đoàn Pacific Health Care thành lập ngày 31/07/2017, có địa chỉ tại 366 A25-A26, Phan Văn Trị, phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM. Hoạt động chính theo đăng ký doanh nghiệp là hoạt động của các bệnh viện, trạm xá.
Vốn điều lệ của Tập đoàn Pacific Health Care khi mới thành lập đạt 200 tỷ đồng, các cổ đông sáng lập gồm: Nguyễn Văn Bình góp 40 tỷ (chiếm 20% VĐL), ông Nguyễn Hữu Nam góp 100 tỷ đồng (chiếm 50% VĐL) và ông Sử Duy Bin góp 60 tỷ đồng (chiếm 30% VĐL), đại diện pháp luật khi này là ông Sử Duy Bin (SN 1982).
Đến tháng 12/2017, Tập đoàn thay người đại diện sang ông Trương Văn Toản (SN 1975) kiêm Tổng Giám đốc Công ty.
Vào tháng 11/2018, Tập đoàn Pacific Health Care có vốn điều lệ đạt 350 tỷ đồng. Đến tháng 6/2019, vốn của Tập đoàn này tăng vọt lên 1.350 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ.
Ông Nguyễn Hữu Nam là Chủ tịch hệ thống Nha Khoa Kim còn ông Sử Duy Bin là đồng sáng lập.
Về cổ đông Sử Duy Bin (SN 1982), ông tốt nghiệp Thạc sĩ quản lý tiền tệ từ ĐH Griffith University, Australia. Ông là đồng sáng lập, CEO và thành viên HĐQT chuỗi Nha khoa Kim mọc khắp TP.HCM.
Vào tháng 4/2022, ông Sử Duy Bin được bầu làm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bản đồ và Tranh ảnh giáo dục (HNX: ECI). Tuy nhiên, đến tháng 8/2022, ông Sử Duy Bin xin từ nhiệm vì không thu xếp được thời gian đảm nhiệm nhiệm vụ.
Theo giới thiệu trên website của Nha Khoa Kim, ông Sử Duy Bin từng là đồng sáng lập, thành viên HĐQT Tập đoàn Pacific Holdings. Ông còn từng là Giám đốc Công ty Chứng khoán Maybank chi nhánh Đà Nẵng.
Tập đoàn Pacific Health Care, Nha khoa Kim, Tập đoàn Pacific Holdings nằm trong hệ sinh thái Pacific Healthcare Ecosystem. Trong đó Pacific Hodings (do ông Nguyễn Hữu Nam làm Chủ tịch) quản lý các hệ thống phòng khám như hệ thống Nha khoa Kim, chuỗi phòng khám cơ xương khớp và phòng khám đa khoa Pacific. Pacific Healthcare quản lý hệ thống bệnh viện quy mô lớn như Bệnh viện đa khoa Bến Tre cơ sở 2, bệnh viện đa khoa Quảng Trị cơ sở 2.
Về ông Trương Văn Toản hiện còn là đại diện tại CTCP Bệnh viện Đa khoa Bến Tre (thành lập năm 2018). Vốn điều lệ tại năm 2019 của Bệnh viện này là 450 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH Đầu tư Y tế Pacific góp 10%, CTCP Tập đoàn Pacific Health Care góp 60% và Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu góp 30%.
Ông Toản còn là cổ đông lớn khi góp tới 90% vốn (thời điểm tháng 5/2018) tại Công ty TNHH Phát triển Đô thị Singapore.