Cụ thể, 5 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND TP.HCM đưa và bảo tồn và phát triển, gồm: làng nghề sản xuất bánh tráng (xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi); làng nghề đan đát (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi); làng nghề se nhang (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh); làng nghề sản xuất muối (xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ); làng nghề trồng mai vàng (xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh - làng nghề mới).
Nhằm hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn TP.HCM, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người dân, đồng thời bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống vùng nông thôn TP, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch số 1784/KH-UBND về hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2022-2025.
Theo kế hoạch của UBND TP.HCM, các làng nghề trên sẽ được hỗ trợ đầu tư, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề, đường giao thông; điện; nước sạch; hệ thống tiêu, thoát nước...
Ngoài ra, kế hoạch của UBND TP còn hỗ trợ bảo tồn và phát triển làng nghề ở một số nội dung khác, như xúc tiến thương mại, bảo vệ môi trường, chương trình OCOP…
Ngoài 5 làng nghề, làng nghề truyền thống, TP còn dự định tập trung bảo tồn và phát triển 7 ngành nghề nông thôn, gồm: Nghề sản xuất bánh tráng (xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi); nghề đan đát (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi); nghề sản xuất mành trúc (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi); nghề se nhang (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh); nghề sản xuất muối (huyện Cần Giờ); nghề trồng mai vàng (xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh); nghề chế biến khô thủy sản (huyện Cần Giờ).
Về hỗ trợ vốn và tín dụng, kế hoạch của UBND TP nêu rõ: "Cần tạo điều kiện cho các cơ sở ngành nghề nông thôn tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi qua chương trình kết nối các ngân hàng với các doanh nghiệp của thành phố; tiếp cận các khoản ưu đãi theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn"…
Về giải pháp phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, ngành công thương sẽ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn, trong đó có các làng nghề, theo Chương trình khuyến công TP.HCM giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ hỗ trợ đào tạo hình thành đội ngũ nhân công, xây dựng lực lượng lao động có kiến thức, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mới; đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề và hiệu quả đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
"Ngành công thương TP.HCM sẽ góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 85%; tăng thu nhập của cư dân; đào tạo nhân lực chất lượng cao, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân lao động trong làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Song song đó, đào tạo cho người lao động nắm được các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sản xuất, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, truy xuất nguồn gốc, mô hình kinh tế tuần hoàn sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp; Phát triển quản lý chuỗi cung ứng theo ứng dụng blockchain từ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm", bà Ngọc cho biết.
Sở Công Thương TP.HCM đánh giá, trong thời gian qua, các làng nghề đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội như: Thu hút nguồn lực trong dân, tạo ra nguồn sản phẩm phát triển kinh tế - xã hội; sản phẩm phong phú và đa dạng phục vụ nhu cầu của xã hội và xuất khẩu; giải quyết lao động; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP, xóa đói giảm nghèo.... Một số làng nghề đã thực sự đứng vững và phát triển trong cơ chế thị trường.