Các huyện nông thôn mới TP.HCM nhân rộng mô hình tự quản an ninh trật tự
Các huyện nông thôn mới TP.HCM nhân rộng mô hình tự quản an ninh trật tự
Quang Sung
Thứ hai, ngày 21/08/2023 10:40 AM (GMT+7)
Trong xây dựng nông thôn mới, ngoài hạ tầng, kinh tế thì lĩnh vực an ninh trật tự cũng được các huyện ngoại thành TP.HCM đặc biệt quan tâm. Các huyện đang tăng cường vai trò tự quản, sự tham gia của người dân trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn xã hội.
Các huyện nông thôn mới tại TP.HCM xác định, đảm bảo an ninh trật tự không chỉ giúp cuộc sống người dân bình yên, ổn định sản xuất mà còn là yếu tố quan trọng thu hút đầu tư.
Nhân rộng mô hình tự quản an ninh trật tự
Tại huyện Củ Chi, thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới nửa đầu năm 2023, huyện đã đảm bảo giữ vững tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Công an huyện Củ Chi đã phối hợp công an xã, thị trấn điều tra khám phá 94 vụ tội phạm về ma túy; tiếp nhận, xử lý 61 công cụ hỗ trợ các loại do công an các xã, thị trấn vận động giao nộp.
Công an huyện Củ Chi đã xây dựng 25 tin bài, đăng tải trong nhóm Zalo thông tin an ninh trật tự huyện và trang Zalo Công an huyện nhằm tuyên truyền đến rộng rãi đến cộng đồng. Lực lượng công an đã phối hợp với các nhà trường, tuyên truyền mô hình cổng trường an toàn giao thông cho các em học sinh.
Tương tự, tại huyện Cần Giờ, công tác an ninh trật tự được tăng cường trong thời gian qua. UBND huyện Cần Giờ đánh giá, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn huyện thời gian qua tiếp tục được giữ vững, ổn định. Các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa trên địa bàn huyện được đảm tuyệt đối an ninh.
Huyện Cần Giờ có 6/6 xã được công nhận đạt tiêu chuẩn "An toàn về an ninh trật tự" trong hai năm liên tiếp. Các mô hình tự quản về an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nhận được sự quan tâm, quản lý, chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền địa phương và công an huyện.
Tăng cường tự quản, đẩy lùi tệ nạn
Ông Lê Đình Đức - Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết trong thời gian tới, Củ Chi sẽ tăng cường vai trò tự quản, sự tham gia của người dân đối với công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn xã hội tại địa phương.
"Củ Chi tập trung xây dựng lực lượng dân quân vững mạnh, rộng khắp, hoàn thành các chỉ tiêu quân sự, quốc phòng được giao, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân. Huyện cũng sẽ tích cực xây dựng địa bàn nông thôn vững mạnh toàn diện, đảm bảo giữ vững tiêu chí quân sự, quốc phòng trong xây dựng nông thôn mới", ông Đức cho biết.
Các tổ chức đoàn thể tại các huyện nông thôn mới đang tích cực phối hợp với lực lượng công an địa phương thực hiện hiệu quả chương trình, kế hoạch đã ký kết về công tác xây dựng phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, hoàn thành tốt việc triển khai thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới.
Các địa phương xác định phải đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền để vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự, góp phần xây dựng nông thôn mới theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ vận dụng.
Đảm bảo an ninh trật tự tại các địa phương là 1 trong 6 chuyên đề trọng tâm của chương trình xây dựng nông thôn mới TP.HCM. UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
TP.HCM phân đấu đến năm 2025, 100% số xã đạt chỉ tiêu về an ninh trật tự trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao gắn với đô thị trên địa bàn vùng nông thôn TP giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có ít nhất 50% số xã đạt chỉ tiêu về an ninh trật tự thuộc Bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị trên địa bàn vùng nông thôn TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025.
Đến hết năm 2025, có ít nhất 25% đơn vị cấp huyện đạt chỉ tiêu về an ninh trật tự thuộc Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao gắn với đô thị trên địa bàn vùng nông thôn TPHCM giai đoạn 2021 - 2025.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.