Ông Trần Thiên Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết, khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện Tư Nghĩa gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Đảng bộ, chính quyền huyện đã xác định xây dựng NTM là hướng đến cải thiện đời sống người dân, phát triển toàn diện, đặc biệt là hoàn thiện hạ tầng nông thôn. Nhờ đó, địa phương đã từng bước khắc phục khó khăn, bứt phá vươn lên đạt được nhiều thành tựu ấn tượng.
Năm 2018 huyện có 13/13 xã đạt chuẩn NTM, đến năm 2019 Tư Nghĩa được công nhận là huyện đạt chuẩn NTM.
Tổng huy động nguồn lực xây dựng NTM tính đến năm 2019 là 2.797,844 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhân dân đóng góp để xây mới, chỉnh trang nhà cửa, công trình vệ sinh, nhà văn hóa thôn, giao thông nội đồng, đường liên thôn là 79,926 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,86%.
Đặc biệt là sự tham gia tích cực của người dân trong việc tự nguyện hiến trên 180.000m2 đất, đóng góp 45.461 ngày công lao động và 12.117m3 cát để làm đường giao thông nông thôn theo cơ chế hỗ trợ 100% xi măng của tỉnh với giá trị lên đến 16,808 tỷ đồng.
Diện mạo nông thôn đã có sự thay đổi đáng kể, dấu ấn là hệ thống đường giao thông nông thôn. Toàn huyện đã đầu tư nâng cấp, làm mới 316,36km đường giao thông nông thôn đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Có 100% số xã đạt chuẩn phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi, có 40/53 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 75,5%.
Từ năm 2020 đến nay, huyện Tư Nghĩa có 17 thôn được công nhận thôn NTM kiểu mẫu; phấn đấu đến năm 2025 có 4 xã: Nghĩa Lâm, Nghĩa Hiệp, Nghĩa Trung, Nghĩa Hòa được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 2 xã Nghĩa Hiệp, Nghĩa Lâm đạt xã NTM kiểu mẫu. Dự kiến đến năm 2030, Tư Nghĩa sẽ đạt chuẩn huyện NTM nâng cao.
"Song song với việc triển khai xây dựng NTM, huyện Tư Nghĩa chú trọng việc kêu gọi doanh nghiệp, hộ gia đình cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi phù hợp, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Tư Nghĩa xác định giai đoạn này là cải thiện tiêu chí thu nhập để "nâng tầm" nông thôn mới...", ông Thanh cho hay.
Ông Thanh cho biết, đến nay, huyện đã có hơn 16 dự án về nông nghiệp, trong đó có một số dự án có sức lan toả lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và có thể nhân rộng như: bún tươi Nghĩa Mỹ, làng hoa Nghĩa Hiệp, bố lốp cao su Nghĩa Hòa, trang trại chăn nuôi gà, lợn; sản xuất rau sạch thủy canh của Hợp tác xã Nông nghiệp rau Mầm Việt Nghĩa Hòa.
Công tác dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng được các địa phương triển khai chuyển đổi đạt gần 600ha, đẩy mạnh cơ giới hóa và đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Nếu như năm 2011, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện chỉ đạt 15,2 triệu đồng/người/năm, thì đến nay đã tăng lên gần 40 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,34%; giảm 9,18% so với năm 2011, năm 2022 là 1,68%.
Huyện đã đào tạo nghề cho 32.649 lao động, đạt tỷ lệ 47,07%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế bình quân đạt 89,7%, tăng 27,9% so với năm 2011 và đến năm 2022 là 92%; tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95,1%.
Xác định Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) là một chương trình trọng tâm trong phát triển kinh tế nông thôn, huyện đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và đã thu được những kết quả tích cực.
Tính đến nay, toàn huyện có 9 sản phẩm OCOP tiêu biểu đạt hạng 3 sao, gồm: Rau cải và rau dền 3 màu của Hợp tác xã rau sạch Mầm Việt; Bộ sản phẩm mo cau (chén, đĩa, muỗng) của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Phúc Thịnh; Chả lụa và Chả bò Kim Đính của hộ kinh doanh sản xuất nem chả Kim Đính; Đường phèn, Đường phổi Mỹ Nhật của hộ kinh doanh Mỹ Nhật; Bộ sản phẩm hoa Nghĩa Hiệp (cúc, hồng, dạ yến thảo) của hộ kinh doanh Võ Văn Vân; Tổ yến Tân Nghĩa Lâm của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thùy.
Đặc biệt, sản phẩm chén, đĩa, muỗng làm từ mo cau được tiêu thụ mạnh ở thị trường trong nước và được xuất khẩu sang các nước Mỹ, Singapore….
"Thời gian tới, huyện tiếp tục ưu tiên nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất, cơ sở vật chất về điện, trường học, trạm y tế; hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị; hỗ trợ thúc đẩy việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để phát triển sản phẩm OCOP; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…". Ông Trần Thiên Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa nhấn mạnh.