Dẫn phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN đi thăm quan trang trại nuôi dúi mốc, anh Đỗ Văn Toàn (sinh năm 1991, xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) cho biết, trước khi đến với mô hình nuôi dúi mốc đại, anh đã có thời gian làm nghề xây dựng thường xuyên phải đi xa.
Clip: Mô hình nuôi dúi mốc hộ anh Đỗ Văn Toàn (xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình).
Anh Toàn đang nuôi con dúi mốc đại hay còn gọi là chuột nứa, chuột tre thường đào hang sống trong rừng, thức ăn chính của chúng là tre và nứa. Chính vì vậy, dúi mốc đại được xem là đặc sản của núi rừng, với chất lượng thịt thơm ngon…
Anh Đỗ Văn Toàn chia sẻ: "Con dúi mốc dễ nuôi, không tốn nhiều thời gian chăm sóc…đây là loài gặm nhấm, dúi ăn đêm ngủ ngày. Con dúi trưởng thành nặng trung bình từ 1,3-1,8 kg, bán đắt hàng và thị trường đầu ra ổn định".
Được biết, lúc đầu khởi nghiệp anh Toàn mua 10 cặp con núi mốc về làm giống với số tiền 12 triệu đồng. Để nuôi thành công con dúi mốc, anh Toàn tự mày mò, tìm tòi, học hỏi kỹ thuật cũng như tham quan thực tế các trại nuôi dúi quy mô lớn ở trong và ngoài tỉnh Ninh Bình.
Năm 2023, anh Toàn đầu tư mở rộng quy mô trang trại, quy hoạch bài bản trên diện tích 150 m2. Chuồng nuôi con dúi mốc được anh Toàn thiết kế với hàng trăm ô chuồng nhỏ, được lắp ghép từ nhiều viên gạch hoa có kích thước cao 60 x 60cm/ô, xếp sát nhau.
"Hiện tại, tôi đang bán gióng dúi mốc giá 1.200.000 đồng/cặp (3 tháng tuổi), đối với con dúi thương phẩm bán 600.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí bình quân mỗi tháng tôi lãi 15 triệu đồng/tháng", anh Toàn cho biết.
Theo anh Đỗ Văn Toàn để nuôi con dúi mốc đạt hiệu quả kinh tế cao, bà con nông dân cần lưu ý một số yếu tố như: Trước tiên phải chọn giống dúi mốc ở cơ sở nuôi có uy tín, dúi khỏe mạnh không bị bệnh…
Tiếp theo thiết kế chuồng nuôi dúi cần kín gió, kín nắng, ấm vào mùa lạnh, mát vào mùa nắng để con dúi phát triển tốt nhất. Thức ăn cho dúi rất đơn giản, dễ kiếm, chỉ là ngô, tre, mía…không chọn thức ăn bị nấm mốc, ôi thiu và nhiễm nước mưa vì con dúi dễ mắc các bệnh về đường ruột.
Trong mỗi ô chuồng là một cặp dúi giống, dúi thương phẩm hoặc cá thể dúi con mới tách đàn. Dúi mẹ mỗi năm sinh sản 3 lứa, trung bình 3- 4 con/lứa (lúc dúi đẻ hạn chế tiếng động).
Từ lúc đẻ ra đến khi dúi cái động đực lần đầu gần 10 tháng. Dúi cái động dục có biểu hiện ăn ít, sục sạo tìm đực, bộ phận sinh dục có màu hồng. Nhiệt độ thích hợp trong chuồng để con dúi từ 20-30 độ C.
Về mùa hè con dúi hay bị sốc nhiệt nên xử lý bằng cách vùi con dúi vào cát ẩm hoặc có thể cho uống nước điện giải. Trong quá trình nuôi cũng nên để ý con dúi hay bị gãy răng, táo bón…người nuôi cần phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Anh Đỗ Văn Toàn đánh giá con dúi mốc dễ nuôi bởi mỗi ngày chỉ cần dành khoảng 2 tiếng cho dúi ăn và chăm sóc vệ sinh chuồng trại. Ngoài ra, con dúi mốc đại còn ăn được cả cơm nên anh Toàn thường trộn cơm với bột ngô, bột tre…cho dúi ăn.
Qua tìm hiểu, hiện anh Toàn đã hỗ trợ và chuyển giao công nghệ cho gần 10 mô hình nuôi dúi theo phương thức cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật và thị trường đầu ra.