Dân Việt

Hà Nội có đàn bò lớn nhất vùng đồng bằng sông Hồng, nhiều giống bò mới thịt ngon, bán đắt tiền

Thiên Trang 26/08/2023 10:00 GMT+7
Theo Sở NNPTNT Hà Nội, đàn gia súc, gia cầm của Thủ đô những năm gần đây luôn đứng tốp đầu cả nước cả về tổng đàn và chất lượng. Trong đó, tổng đàn bò đạt trên 130.000 con, dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Hồng.

So với các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), Hà Nội được đánh giá là nơi có nhiều tiềm năng thuận lợi phát triển chăn nuôi đại gia súc nhờ có diện tích đồi gò lớn, thị trường tiêu thụ thuận lợi, lại có Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì… Vì vậy, Hà Nội đã đề ra nhiều chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc.

Đứng đầu ĐBSH về chăn nuôi bò

Theo Sở NNPTNT Hà Nội, đàn gia súc, gia cầm của Thủ đô những năm gần đây luôn đứng tốp đầu cả nước cả về tổng đàn và chất lượng. Trong đó, tổng đàn bò đạt trên 130.000 con, dẫn đầu khu vực ĐBSH.

Hà Nội cũng là nơi tiêu thụ lớn lượng thực phẩm, với nhu cầu 320.000 tấn/năm, tương đương 900 tấn/ngày, để phục vụ 8,4 triệu dân và 2 triệu khách du lịch. Quy hoạch ngành nông nghiệp cùng với định hướng tái cơ cấu chăn nuôi được triển khai hiệu quả, đã giúp cho nhiều tiềm năng và lợi thế được khai thác tối đa, đặc biệt là trong ngành chăn nuôi bò đã có nhiều bước phát triển đột phá.

Hà Nội đặt 3 mục tiêu lớn về phát triển đàn bò - Ảnh 1.

Những con bò chất lượng cao đang được chăm sóc, nhân giống tại Trung tâm Nghiên cứu Bò và đồng cỏ Ba Vì (Hà Nội). Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu Bò và đồng cỏ Ba Vì

Sau nhiều năm tập trung cải tạo giống bò, nhiều giống mới có năng suất, chất lượng cao đã được đưa vào chăn nuôi, điển hình là các giống bò chuyên sinh sản như lai Zebu (lai Sind), Brahman, Senepol; hoặc các giống bò chuyên thịt như BBB, Charolai, Angus, Wagyu…

Công tác phát triển giống bò thịt của thành phố đã được định hình rõ nét theo 3 nhóm chiến lược: Nhóm bò thịt năng suất cao (BBB, Charolais, Angus); Nhóm bò thịt chất lượng cao (Wagyu); Nhóm bò kiêm dụng (Red Sind, Brahman, Senepol...).

Giai đoạn 2021 – 2025, ngành nông nghiệp Hà Nội đặt 3 mục tiêu lớn đối với chăn nuôi bò trong đó có việc đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho 4.000 lượt hộ chăn nuôi; 50 dẫn tinh viên thụ tinh nhân tạo bò có tay nghề cao và 240 cán bộ kỹ thuật tại cơ sở.

Hỗ trợ 207.000 liều tinh bò có năng suất chất lượng cao, tập trung cho các giống bò có năng suất, chất lượng nổi trội…

Sản xuất trên 100.000 bò cái, bò thịt, bò sữa chất lượng cao; giám định bình tuyển 15.000 bò sữa và bò thịt; cấy truyền 150 phôi bò thuần chủng giống Wagyu. Gia tăng giá trị trong sản xuất giống bò thịt, bò sữa 15 - 20%.

Được biết, Hà Nội là một trong những địa phương sớm thông qua nghị quyết của HĐND quy định vùng và chính sách cho chăn nuôi, trong đó ban hành chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực đô thị.

Trong số 9/13 cơ sở giống gốc gia súc, gia cầm của Bộ NNPTNT được đặt ở Hà Nội thì có 2 trung tâm sản xuất tinh bò với những giống bò cao sản của thế giới, tỷ lệ thụ tinh nhân tạo cho bò thịt chiếm 85%, 100% cho bò sữa, cung cấp cho sản xuất trên 50.000 con bò giống hướng thịt, 30.000 con bê sữa, 4 triệu lợn giống… và hàng triệu liều tinh bò.

Anh Trần Văn Thắng, chủ trang trại nuôi bò thịt lớn nhất xã Thọ An, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội cho biết, hàng năm trang trại của anh vỗ béo khoảng 1.000 con bò BBB (3B) thương phẩm. Bên cạnh đó, anh còn duy trì chăn nuôi 30 con bò sinh sản. Cùng với mô hình nuôi bò, anh Thắng còn kinh doanh chế biến thực phẩm. Bình quân mỗi ngày, cơ sở của anh Thắng giết mổ 10 – 15 con bò cung cấp thực phẩm cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận. 

Anh Thắng cho biết, giống bò 3B là giống bò thịt cao sản, còn được mệnh danh là "cỗ máy sản xuất thịt". Giống bò 3B rất phàm ăn, dễ nuôi, tốc độ lớn nhanh. Khi nhập về nuôi bình quân mỗi con bò 3B đạt trọng lượng 2,5 – 3 tạ/con, sau 3 tháng vỗ béo, bò 3B đạt trọng lượng 5-6 tạ/con. 

Bên cạnh đó, bò 3B là giống bò thịt cao sản, tỷ lệ thịt xẻ cao hơn so với những giống bò khác. Thông thường các giống bò khác, tỷ lệ thịt xẻ đạt 37-38% là cao, song bò 3B cho tỷ lệ thịt xẻ đạt 45/%. Từ mô hình nuôi bò vỗ béo và kinh doanh chế biến thực phẩm từ bò, anh Thắng có doanh thu 65 tỷ đồng/năm và được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022. 

Hà Nội sở hữu đàn bò lớn nhất vùng đồng bằng sông Hồng, nhiều giống bò mới thịt ngon, bán đắt tiền - Ảnh 3.

Hiện nay, anh Trần Văn Thắng đang thực hiện chăn nuôi theo chuỗi từ con giống, nuôi thương phẩm và giết mổ. Ảnh: Minh Ngọc

Chú trọng nâng chất đàn bò thịt

Mặc dù năng suất chất lượng giống bò thịt, bò sữa của TP. Hà Nội hiện nay đã gia tăng khá nhiều so với 15 năm trước, nhưng so với các nước có ngành chăn nuôi phát triển, năng suất thịt và sữa của các giống bò tại Hà Nội vẫn còn kém hơn nhiều. Với bò thịt 36 tháng tuổi, khối lượng trung bình tại các nước phát triển đạt 700 - 800kg/con, tại Hà Nội mới đạt 450 - 600 kg/con. Với bò sữa sản lượng sữa bình quân tại các nước phát triển đạt 6.000kg/chu kỳ/con, tại Hà Nội bình quân đạt 4.900 kg/chu kỳ/con. 

Do vậy, vấn đề đặt ra của ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi bò thịt, bò sữa nói riêng tại Hà Nội là phải nâng cao năng suất cho tiệm cận với các nước có ngành chăn nuôi phát triển.

Trên địa bàn cũng chưa có doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất thức ăn hỗn hợp cho bò sữa, bò thịt. Do tốc độ đô thị hoá nhanh, diện tích đất để trồng cỏ làm thức ăn cho bò ngày càng hẹp dần, dẫn tới thiếu hụt thức ăn thô xanh cho bò vào mùa đông…

Để tăng số lượng bò cái nền chất lượng cao, tạo vùng nguyên liệu ổn định cung cấp bê giống cho người dân, nhiều năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tổ chức mô hình áp dụng kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản, bò cái lai Sind, lai Brahman cho nông dân tham quan, học tập và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi bò sinh sản. 

Theo đó, bò mẹ tham gia mô hình phải đạt trọng lượng từ 180kg trở lên (10 - 12 tháng tuổi), khỏe mạnh, đã được tiêm phòng các bệnh lở mồm long móng, tụ khối huyết trùng và đáp ứng miễn dịch.

Trước đó, UBND TP.Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 6094/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh dự án Ứng dụng kết quả nghiên cứu lai tạo giống bò BBB trên nền bò lai Sind thành bò lai F1 hướng thịt giai đoạn 2019-2025, do Công ty CP Giống gia súc Hà Nội thực hiện, quy mô 50.000 con bò cái nền, với sự tham gia của hơn 30.000 nông hộ; đến nay đã lai tạo được hơn 290.000 bê lai F1 BBB, giúp tăng năng suất đàn bò thịt Hà Nội.