Đến thôn Nà Vài, xã Thổ Bình (Lâm Bình) những ngày này, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi được chứng kiến công trình nhà văn hóa khang trang, sạch đẹp với sức chứa lên đến 150 chỗ ngồi cùng khu thể thao rộng rãi vừa mới đưa vào sử dụng.
Không giấu nổi niềm vui, bà Vũ Thị Vân, Bí thư Chi bộ thôn chia sẻ: "Từ lâu, bà con chúng tôi mong muốn có nhà văn hóa để làm nơi hội họp, tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao. Vừa qua, được sự quan tâm của Đảng, hỗ trợ của Nhà nước, công trình nhà văn hóa thôn trị giá 1 tỷ đồng đã hoàn thành và được trang bị đầy đủ bàn, ghế, các trang thiết bị phục vụ cho sinh hoạt".
Các thôn, tổ dân phố tỉnh Tuyên Quang đã và đang phát huy hiệu quả việc sử dụng nhà văn hoá cộng đồng
"Từ khi có nhà văn hóa, những cuộc hội họp của các đoàn thể trong thôn được tổ chức thường xuyên, nhân dân đến dự đông đủ hơn. Các phong trào văn hóa, thể thao sôi nổi hơn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con" bà Vân cho biết thêm.
Không chỉ huyện Lâm Bình, huyện Yên Sơn cũng là một trong những địa phương mà phong trào xây dựng nhà văn hóa cũng được chính quyền và nhân dân tích cực triển khai.
Ông Hoàng Văn Tài, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Làng Đung, xã Công Đa ( huyện Yên Sơn) cho biết, hiện thôn đang triển khai công trình nhà văn hóa với diện tích 80 chỗ ngồi, dự kiến kinh phí khoảng 430 triệu đồng. Đến nay công trình đã cơ bản hoàn thành phần giải phóng mặt bằng, bắt đầu thi công. Công trình nhà văn hóa của thôn được triển khai thông qua việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia.
Nhiều đổi thay tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang
Hay như tại huyện Lâm Bình, Nhà văn hoá thôn bản, tổ dân phố trên địa bàn từ lâu đã trở thành nơi tổ chức các hoạt động mang tính cộng đồng như: họp, tổ chức các chương trình văn hóa, thể thao, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến người dân…Đồng thời, đây cũng là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các xã trên địa bàn.
Để tiếp tục nâng cao đời sống tinh thần cho bà con nhân dân, huyện Lâm Bình đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các xã, thị trấn ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn chương trình 135, các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để xây dựng nhà văn hoá; tuyên truyền vận động nhân dân đóng góp nhân lực, tiền, hiến đất cùng chính quyền xây dựng nhà văn hoá thôn, tổ dân phố.
Có thể thấy, nhà văn hoá tại các thôn, tổ dân phố hiện đã và đang phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước, địa phương. Trở thành các điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao, là địa chỉ thu hút đông đảo người dân đến vui chơi, giải trí, hưởng thụ. Đồng thời, nhà văn hoa cũng chính là nơi rèn luyện thể chất, góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu giao lưu, sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân. Đặc biệt, góp phần nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên toàn tỉnh.
Nhà văn hoá thôn Nà Vài, xã Thổ Bình (Lâm Bình) được trang bị đầy đủ bàn ghế và trang thiết bị cần thiết
Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh Tuyên Quang có 134/138 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn trong đó có 90 nhà văn hoá xã đạt chuẩn theo quy định; 1.680/1.733 thôn, tổ dân phố có nhà văn hoá, trong đó có 1.367 nhà văn hoá thôn đạt chuẩn theo quy định.
Hệ thống cơ sở thiết chế văn hoá, thể thao từng bước được hoàn thiện cơ bản tạo điều kiện để người dân được tham gia hưởng thụ, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao vui chơi, giải trí và gìn giữ văn hóa truyền thống của các địa phương.
Theo Báo cáo của Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang: Riêng 2 năm 2021, 2022, toàn tỉnh Tuyên Quang xây dựng 71 nhà văn hoá thôn, tổ dân phố, trong đó xây dựng mới 60 nhà, nâng cấp sửa chữa 11 nhà.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã huy động đóng góp được 5,05 tỷ đồng và 120 ngày công lao động của nhân dân tham gia xây dựng, nâng cấp nhà văn hoá thôn, tổ nhân dân. Kế hoạch đến hết năm 2025 dự kiến sẽ xây dựng tiếp 149 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố với kinh phí gần 50 tỷ đồng. Số tiền sẽ lấy từ nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh và do nhân dân đóng góp.
Các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng thôn, tổ dân phố nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân.
Xác định xây dựng đời sống văn hoá mà nòng cốt là phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" vì vậy cấp ủy, chính quyền tỉnh Tuyên Quang luôn quan tâm ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, trường học, y tế… nhằm tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện, giao lưu phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh nâng cao thu nhập… Từ đó đem lại đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nhằm xây dựng nông thôn văn minh.