Dân Việt

TP.HCM: Nhiều giải pháp bảo tồn, phát triển làng nghề và ngành nghề truyền thống

An Hải 27/08/2023 07:00 GMT+7
Tại TP.HCM, thời gian qua, bên cạnh những làng nghề, ngành nghề truyền thống được phục hồi, duy trì, phát triển, vẫn có những làng nghề ngày một mai một.

Điển hình như tại làng nghề mành trúc Tân Thông Hội, hiện nay lao động tại đây chủ yếu là lao động nữ lớn tuổi nhàn rỗi, kết hợp công việc nội trợ với việc xỏ trúc. Thị trường tiêu thụ sản phẩm mành trúc đang dần thu hẹp, do có sự xuất hiện của các sản phẩm thay thế (sản phẩm bằng nhựa) nên thu nhập từ nghề này cũng không còn cao như trước.

TP.HCM: Nhiều giải pháp bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề truyền thống - Ảnh 1.

Nhiều làng nghề sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại TP.HCM gặp khó vì phải cạnh tranh với hàng công nghiệp. Ảnh: Q.Q

Tương tự, tại làng nghề đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn cũng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và duy trì làng nghề. Bà Huỳnh Thị Tám (52 tuổi) - chủ cơ sở đan giỏ trạc cho biết, bà đã làm nghề được hơn 40 năm. Con cháu bà không có ai nối nghề vì nghề này cực nhọc, lại không có thu nhập ổn định. Đa số người trẻ ở đây đi làm công nhân. Những người giữ nghề hiện nay là người lớn tuổi.

Những làng nghề truyền thống trồng hoa kiểng ở TP.Thủ Đức hay quận 12 cũng lâm vào tình trạng mai một.

Điều này dẫn đến tình trạng nếu trong giai đoạn 2013-2020, TP.HCM tập trung bảo tồn và phát triển 8 làng nghề và làng nghề truyền thống, thì đến giai đoạn 2022-2025, TP chỉ còn tập trung bảo tồn và phát triển 5 làng nghề (có 1 làng nghề mới), giảm 4 làng nghề so với giai đoạn 2013 - 2020.

Sở NNPTNT TP.HCM nhận định, do tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh trên địa bàn TP, thị trường tiêu thụ sản phẩm còn tồn tại nhiều khó khăn, trong đó có hỗ trợ vốn, đặc biệt là với mặt hàng thủ công nghiệp…

Chính những khó khăn trên dẫn đến việc TP.HCM không đảm bảo được các tiêu chí về công nhận nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống theo quy định của Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, TP.HCM chưa có làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận theo quy định của Chính phủ.

TP.HCM: Nhiều giải pháp bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề truyền thống - Ảnh 3.

Những làng nghề cây kiểng giờ đây cũng không còn nằm trong danh sách các làng nghề bảo tồn của TP.HCM. Ảnh: T.T

Do đó, giai đoạn 2022-2025, TP.HCM triển khai kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn TP. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân, đồng thời bảo tồn làng nghề, ngành nghề, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống vùng nông thôn TP.

Cụ thể, TP sẽ có giải pháp phát triển đối với nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, như hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, mặt bằng sản xuất phục vụ phát triển sản xuất; hỗ trợ vốn, tín dụng phát triển ngành nghề nông thôn; hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; hỗ trợ chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; hỗ trợ đào tạo nhân lực; hỗ trợ tham gia chương trình OCOP; hỗ trợ bảo vệ môi trường; hỗ trợ sản xuất gắn với hoạt động du lịch; hỗ trợ xúc tiến thương mại; hỗ trợ khuyến công.