TP.HCM đối diện nhiều khó khăn bảo tồn làng nghề truyền thống

Trần Đáng Thứ năm, ngày 24/08/2023 07:34 AM (GMT+7)
Mặc dù rất muốn bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống nhằm tạo kế sinh nhai, tăng thu nhập, giữ gìn bản sắc văn hóa, nhưng TP.HCM đang đối diện với nhiều khó khăn để thực hiện mục tiêu này.
Bình luận 0
TP.HCM đối diện nhiều khó khăn bảo tồn làng nghề truyền thống - Ảnh 1.

Làng nghề đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn) "rơi" khỏi kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề, giai đoạn 2022-2025, của TP.HCM. Ảnh: T.Đ

Làng nghề truyền thống "rụng" dần

Theo đó, giai đoạn 2013 – 2015, định hướng đến năm 2020, TP.HCM ban hành Quyết định 3891/ QĐ-UBND về phê duyệt đề án bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn TP.

Giai đoạn này, TP quyết định tập trung bảo tồn và phát triển 8 làng nghề. Trong đó, bảo tồn và phát triển 4 làng nghề mang đậm nét văn hóa truyền thống nhưng không có khả săng phát triển độc lập, gồm: Làng nghề đan lát Thái Mỹ (huyện Củ Chi), Làng nghề đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn), Làng nghề se nhang Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), Làng nghề muối Lý Nhơn (huyện Cần Giờ).

Cùng với đó, bảo tồn và phát triển 4 làng nghề, làng nghề truyền thống có khả năng phát triển độc lập, bền vững, bao gồm: Làng nghề hoa, cây kiểng Xuân - An - Lộc (quận 12), Làng nghề hoa kiểng Thủ Đức (quận Thu Đức), Làng nghề mành trúc Tân Thông Hội (huyện Củ Chỉ), Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi).

Giai đoạn 2022-2025, vừa qua, TP.HCM ban hành Quyết định 1783 về Hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn TP.

Theo đó, TP quyết định tập trung bảo tồn và phát triển 5 làng nghề, làng nghề truyền thống, gồm: Làng nghề sản xuất bánh tráng (xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi); Làng nghề đan đát (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi); Làng nghề se nhang (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh); Làng nghề sản xuất muối (xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ); Làng nghề trồng mai vàng (xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh - làng nghề mới).

Như vậy, từ chỗ bảo tồn 8 làng nghề, làng nghề truyền thống (2013-2015) đến nay (2022-2025) TP chỉ còn bảo tồn 5 làng nghề, làng nghề truyền thống, mất 3 làng nghề.

Nhiều đề xuất vực dậy làng nghề truyền thống

Theo Công văn 3314 về báo cáo kết quả triển khai phát triển ngành nghề nông thôn, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn 2022 của Sở NNPTNT TP.HCM gởi Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho thấy, việc bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống ở TP đang gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, công tác công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống đang vướng mắc. Nguyên nhân do tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh trên địa bàn TP. Số hộ tham gia sản xuất kinh doanh sản phẩm ngành nghề nông thôn dần dần chuyển sang nghề khác có thu nhập ổn định hơn. Do đó, không đảm bảo được các tiêu chí về công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống theo quy định của Nghị định số 52 của Chính phủ.

Về thị trường tiêu thụ những sản phẩm của ngành nghề nông thôn, Sở NNPTNT TP nhận định còn tồn tại sự cạnh tranh lớn. Điển hình là sự cạnh tranh của những mặt hàng cùng loại, được sản xuất bằng công nghệ hiện đại từ các nước trong khu vực. Các sản phẩm thủ công như mành trúc, mây, tre, lá bị cạnh tranh bởi các sản phẩm công nghiệp, bền đẹp và nhiều mẫu mã.

TP.HCM đối diện nhiều khó khăn bảo tồn làng nghề truyền thống - Ảnh 3.

Sản xuất bánh tráng tại Làng bánh tráng Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi, TP.HCM). Ảnh: T.Đ

Hiện nay, TP.HCM đã có chính sách hỗ trợ lãi suất, đầu tư phát triển các sản phẩm ngành nghề nông thôn theo chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị. Tuy nhiên, một số người dân, doanh nghiệp và hợp tác xã có nhu cầu vay vốn hưởng hỗ trợ lãi vay theo chính sách, nhưng chưa tiếp cận được nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng do không đảm bảo các điều kiện vay vốn của tổ chức cho vay, như không có tài sản thế chấp, định giá tài sản rất thấp so với giá trị thực tế.

Trên cơ sở nhằm bảo tồn và phát triển hiệu quả những làng nghề, ngành nghề nông thôn của TP, Sở NNPTNT đã có nhiều đề xuất, như ban hành quy định, hướng dẫn phong tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi cấp TP nghề truyền thống, làng nghề. Qua đó, làm cơ sở để đề xuất phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân.

Có cơ chế, chính sách đãi ngộ cụ thể đối với nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống để làm động lực cho các địa phương lập hồ sơ xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem