Chiều 26/7, Bộ GDĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học khối giáo dục đại học tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT cho biết, năm 2023, cả nước có hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Trong số này, có 660.258 thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển là hơn 3,3 triệu nguyện vọng.
So với năm 2022, số thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2023 có giảm, nhưng số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học tăng 4,56%.
Đặc biệt, có 49,1% số thí sinh đăng ký xét tuyển trúng tuyển ngay ở nguyện vọng 1, số thí sinh trúng tuyển ở 3 nguyện vọng đầu tiên là 74,9% số thí sinh đăng ký xét tuyển. Trung bình một thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển vào 2,76 nguyện vọng. Số thí sinh trúng tuyển thẳng theo Quy chế xác nhận nhập học ngay là 30,48%.
Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy cho biết thêm, thí sinh trúng tuyển sớm chọn đăng ký NV1 là 32,2%. Số liệu trên cho thấy, quy trình, quy chế đang giúp cho thí sinh có cơ hội trúng tuyển ở những NV ưu tiên hơn chứ không phải theo tuyển sớm và tuyển thẳng.
"Thí sinh trúng tuyển sớm chọn đăng ký NV1 chỉ chiếm 32,2%, chứng tỏ, còn gần 70% thí sinh có nguyện vọng ảo, chưa phải là nguyện vọng yêu thích nhất. Do đó, các trường cũng khó dự báo thí sinh ảo. Đây là điều cảnh báo các trường để điều chỉnh phương án ở những năm sau", bà Thủy nhấn mạnh.
Ngoài ra, Vụ trưởng Vụ GDĐT cũng đánh giá, nhiều trường đại học vẫn sử dụng quá nhiều phương thức tuyển sinh, phương án xét tuyển phức tạp, nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, khó khăn cho thí sinh và hệ thống.
Nhiều trường xét tuyển sớm nên không dự báo được thí sinh ảo.
Về vấn đề tự chủ đại học, bà Nguyễn Thu Thủy cho biết, hiện vẫn còn 4/174 cơ sở giáo dục đại học công lập chưa lập Hội đồng trường và 2 cơ sở giáo dục đại học tư thục chưa thành lập Hội đồng trường.
Bà Thu Thủy đánh giá, hiện nay, cơ chế tự chủ tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo đẩy mạnh công tác tuyển dụng và nhân sự theo hướng nâng cao chất lượng, tăng số lượng giảng viên, giảm tuyển dụng các vị trí viên chức và người lao động phục vụ, hành chính nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Cơ sở pháp lý, văn bản hướng dẫn triển khai thành lập hội đồng trường đã và đang từng bước được hoàn thiện.
Dù vậy, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như hệ thống pháp luật chưa đồng bộ một số nội dung liên quan giữa Luật Giáo dục Đại học với một số văn bản luật khác, dẫn đến những khó khăn, vướng mắc cho các trường đại học trong quá trình thực hiện đẩy mạnh tự chủ theo Luật Giáo dục Đại học, nhưng vẫn phải tuân thủ, thực hiện các Luật khác có liên quan.
Nguồn lực dành cho giáo dục đại học còn rất hạn chế. Tính theo số thực chi thì chưa đạt 0,78% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Các trường đại học của Việt Nam hiện vẫn dựa vào học phí là chủ yếu.
Việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện tự chủ đại học còn có hạn chế, có một số vi phạm. Nhận thức và năng lực thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý còn hạn chế... Cơ cấu tổ chức bộ máy, đội ngũ lãnh đạo một số cơ sở đào tạo chưa được kiện toàn...