Đồng chí Bùi Thị Thơm – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phát biểu khai mạc, đánh giá vai trò của KH&CN.
Thực tiễn cho thấy, KH&CN đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế ở bất cứ giai đoạn nào. KH&CN luôn luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm trong các văn bản Nghị quyết và chỉ đạo thực tế.
Dẫn lời Bác Hồ, bà Thơm cho hay: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và khoa học phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho Chủ nghĩa xã hội thắng lợi”.
Vai trò của Khoa học & công nghệ tiếp tục được nhấn mạnh trong Văn kiện của Đảng, nhà nước trong các thời kỳ. Đảng nêu rõ KH&CN cùng Giáo dục & đào tạo phải được coi là quốc sách hàng đầu. KH&CN giữ vai trò then chốt trong phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao trình độ quản lý, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, đảm bảo an ninh xã hội và môi trường sinh thái, đảm bảo chất lượng và tốc độ phát triển kinh tế.
Đảng, Nhà nước ưu tiên tập trung mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển KH&CN. Phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo (ĐMST) nhằm tạo bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và cạnh tranh của nền kinh tế.
Để hiện thực hóa, Nghị quyết của Đảng, vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế, ngày 11/5/2022, Chính phủ đã ban hành chiến lược phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.
Điều đó tiếp tục khẳng định phát triển KH&CN và ĐMST là quốc sách hàng đầu đóng vai trò đột phá, chiến lược trong giai đoạn mới, là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng hiệu quả, nhà nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Đồng thời, phát triển KH&CN và ĐMST cũng là nền tảng để phát triển chuyển đổi số quốc gia, góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân, phát triển bền vững đảm bảo quốc phòng an ninh.
Trong lĩnh vực Tam Nông, KH&CN và ĐMST, chuyển đổi số cũng được đánh giá quan trọng để tạo nguồn nhân lực cho Nông nghiệp, Nông thôn, đồng thời đề ra nhiều giải pháp để thực hiện.
Qua những điều trên, Phó chủ tịch khẳng định “KH&CN luôn có vai trò rất quan trọng trong phát triển đất nước, là động lực chính để thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong đó có phát triển Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn trong giai đoạn hiện nay - Công nghiệp hoá, hiện đại hoá Nông nghiệp nông thôn và hội nhập quốc tế".
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam không chỉ là cơ quan, tổ chức chính trị tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn bảo vệ quyền lợi người nông dân. Hội Nông dân và Bộ KH&CN đã ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2021 - 2025.
Qua đó, vận động hội viên Nông dân tích ứng dụng KH&CN trong sản xuất, nâng cao hoạt động kinh doanh dịch vụ, phát triển kinh gia đình, tập thể góp phần thực hiện Nông nghiệp hàng hoá tập trung quy mô lớn, hiện đại, ứng dụng Công nghệ mới, giá trị gia tăng cao… hướng tới mô hình “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, Nông dân văn minh" theo tinh thần Nghị quyết đại hội XIII của Đảng.
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung Ương Hội Nông dân Việt Nam báo cáo kết quả Chương trình phối hợp giữa 2 cơ quan.
Về công tác tuyên truyền, Các cấp Hội địa phương cơ sở đã chủ động, tích cực phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tới đông đảo cán bộ Hội ở cơ sở và hội viên nông dân.
Công tác thông tin, tuyên truyền được triển khai bằng nhiều hình thức với nhiều nội dung phù hợp với đối tượng là hội viên nông dân.
Ngoài ra, việc tổ chức phổ biến thông tin, tuyên truyền khoa học công nghệ còn được các cấp Hội thực hiện rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ được các cấp Hội quan tâm thường xuyên.
Tại các địa phương, Hội Nông dân tỉnh, thành phố đã chủ động và phối hợp các ngành liên quan tổ chức được 652 lớp tập huấn hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp…
Các cấp Hội tích cực phối hợp các ngành, các doanh nghiệp hướng dẫn, hỗ trợ hội viên nông dân phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đưa sáng kiến, sáng chế, sáng tạo hữu ích của nông dân ứng dụng hiệu quả vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Công tác phối hợp hỗ trợ nông dân xây dựng, phát triển và sử dụng mã số, mã vạch, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể trong sản xuất nông nghiệp.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về “Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Về phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ là một nội dung quan trọng của CTPH và đã được lãnh đạo hai ngành rất quan tâm chỉ đạo thực hiện; nhiệm vụ này đã và đang được các cấp Hội địa phương cùng với Sở KH&CN quan tâm, tích cực phối hợp tổ chức triển khai.
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn chỉ ra những ưu điểm trong Chương trình phối hợp giữa 2 cơ quan trong quá trình phối hợp.
Các nội dung, hoạt động đề ra của chương trình phối hợp là rất thiết thực, phù hợp, kịp thời đáp ứng nhu cầu về KH&CN. Thực hiện chương trình phối hợp, hầu hết Hội nông dân và Sở KH&CN cấp tỉnh, thành phố đều ký kết chương trình phối hợp, kế hoạch phối hợp hàng năm, có kinh phí hỗ trợ để thực hiện các hoạt động KH&CN ở địa phương và được triển khai tích cực, mang lại nhiều kết quả, hiệu quả rõ rệt.
Các hoạt động của kế hoạch năm thực hiện CTPH ở cấp Trung ương được triển khai thực hiện đảm bảo 100% về tiến độ và chất lượng các hoạt động. Nhiều nhóm hoạt động được triển khai ở cơ sở đã mang lại hiệu quả cao và bền vững.
Nguyên nhân khách quan năm đầu thực hiện còn bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên việc đi lại tổ chức triển khai một số hoạt động ở cơ sở chưa đạt được như mong muốn. Năng lực đội ngũ cán bộ Hội triển khai các hoạt động khoa học & công nghệ của các cấp Hội còn hạn chế về trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Số lượng, quy mô các hoạt động được triển khai thực hiện còn ít, quy mô nhỏ so với nội dung chương trình phối hợp đề ra. Hoạt động phối hợp hỗ trợ nông dân xây dựng, phát triển và sử dụng mã số, mã vạch, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể trong sản xuất nông nghiệp thực hiện được ít, hiệu quả chưa cao, khó triển khai thực hiện.
Cuối cùng, sự phối hợp triển khai thực hiện chương trình giữa Hội nông dân với Sở Khoa học & Công nghệ ở một số tỉnh, thành phố còn thiếu chặt chẽ, thậm chí còn hình thức, hiệu quả phối hợp chưa cao.
Về phương hướng, giải pháp trong thời gian tới, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Hội Nông dân cho rằng cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực đổi mới sáng tạo, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất.
Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức cán bộ Hội, hội viên nông dân về vị trí, tầm quan trọng của khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh việc xây dựng, nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.
Tích cực làm “cầu nối” phối hợp với các tổ chức, các doanh nghiệp KHCN để tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên nông dân phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, sáng chế, sáng tạo.
Triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, nội dung thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 1747/QĐ-TTg, ngày 13/10/2015); trong đó, ưu tiên các dự án ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi và xử lý môi trường.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN - Nguyễn Hoàng Giang khẳng định, Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng, đặc biệt trong những giai đoạn đất nước khó khăn. Đồng thời, KH&CN cũng cực kỳ quan trọng trong chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và được quan tâm hơn trong thời gian gần đây bằng việc ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2021 - 2025.
Sơ kết đánh giá, Thứ trưởng kết luận 3 kết quả nổi bật trong Chương trình phối hợp hoạt động giữa 2 cơ quan.
Thứ nhất, các chương trình kế hoạch đề ra được bám sát, triển khai đáp ứng nhu cầu về KH&CN trong sản xuất Nông nghiệp, phát triển kinh tế Nông thôn
Thứ hai, Hội Nông dân 63 tỉnh thành đã kết hợp với Sở KH&CN đã có những chương trình phối hợp đạt được kết quả quan trọng.
Thứ ba, nhiều hoạt động như tuyên truyền nhận thức cán bộ, hội viên Nông dân về tầm quan trọng của KH&CN. Đầu tư KH&CN vào sản xuất chế biến mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng chi ra 3 tồn tại hạn chế Chương trình phối hợp hoạt động giữa 2 cơ quan.
Thứ nhất, Nông thôn là khu vực dân trí còn thấp nên việc phối hợp phát triển KH&CN thế nào là vấn đề cần được quan tâm. Công tác tham mưu, đề xuất về KH&CN hàng năm vẫn chưa đạt yêu cầu.
Thứ hai, tỷ lệ nhân rộng ứng dụng KHCN ở các tỉnh còn hạn chế. Đặc biệt, phải thương mại hoá sản phẩm để mang lại lợi ích cho bà con Nông dân mới là vấn đề cốt lõi.
Thứ ba, sự phối hợp giữa Hội Nông dân và một số Sở KH&CN tỉnh thành còn thiếu chặt chẽ, mang tính hình thức, chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Cuối cùng, Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ thống nhất thời gian tới tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực ứng dụng tiến bộ KHCN để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, hai cơ quan cũng mong muốn phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về vị trí, tầm quan trọng của KHCN. Đẩy mạnh việc xây dựng, ứng dụng, nhân rộng các mô hình ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái… Triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, nội dung thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ (theo Quyết định số 1747/QĐ-TTg, ngày 13/10/2015).
Ảnh Khải Phạm