Đến dự phiên trù bị Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Cà Mau khóa XI (nhiệm kỳ 2023 – 2028), phía Trung ương Hội Nông dân Việt Nam có ông Phạm Minh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (phụ trách Miền Nam).
Về phía địa phương có ông Lê Chí Hiếu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Cà Mau; ông Lưu Văn Vĩnh – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Cà Mau; ông Võ Quốc Tín – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Nguyễn Trường Giang - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cà Mau, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Cà Mau và 228 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 111.000 cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh.
Nhiều thành quả tốt trong nhiệm kỳ
Ông Nguyễn Trường Giang – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cà Mau cho biết, sau Đại hội, Ban Chấp hành xây dựng Quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Hội Nông dân tỉnh và Chương trình làm việc của Ban Chấp hành khóa X (nhiệm kỳ 2018 – 2023).
Tập thể Ban Chấp hành thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo quy chế, chương trình làm việc và quy định của Điều lệ Hội. Thảo luận và quán triệt tổ chức thực hiện kịp thời các nghị quyết, chỉ thị quan trọng của Trung ương Hội, Tỉnh ủy; Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ X, phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu, kế hoạch của nhiệm kỳ và hàng năm.
Tập trung xây dựng các cấp hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng; tổ chức, hướng dẫn cán bộ, hội viên, nông dân thi đua thực hiện các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng nông thôn mới. Đề xuất, kiến nghị với Trung ương Hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về chủ trương, chính sách có liên quan đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn.
Các Ủy viên Ban Chấp hành nắm vững chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Trung ương Hội, của cấp ủy cùng cấp để lãnh đạo và tổ chức thực hiện có kết quả ở ngành và địa phương mình phụ trách, hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và của Hội phân công.
Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Cà Mau khoá X thể hiện bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng, tuyệt đối tin tưởng công cuộc đổi mới của Đảng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhận thức đúng đắn và gương mẫu chấp hành đường lối chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...
Bán Chấp hành đã quan tâm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những vấn đề có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phản ánh kịp thời những nguyện vọng chính đáng của hội viên, nông dân với Đảng, Nhà nước; tích cực tham mưu cho cấp uỷ đảng, phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác Hội và phong trào nông dân.
Trong chỉ đạo Ban Chấp hành thực hiện đạt một số nội dung nổi bật như: Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng được đẩy mạnh, thực hiện sâu rộng, kịp thời; tổ chức bộ máy, cán bộ Hội được củng cố, kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động; chất lượng hội viên được nâng lên…
Đặc biệt, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo có nhiều đổi mới, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm, sát cơ sở; nhiều giải pháp giúp nông dân khắc phục khó khăn, tổ chức sản xuất, ổn định cuộc sống; thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân đều đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
Những hạn chế và khuyết điểm
Trong nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh có bổ sung, kiện toàn nhưng số lượng vẫn còn thiếu so với đề án đầu nhiệm kỳ được phê duyệt. Đội ngũ cán bộ Hội chủ chốt cấp huyện và cơ sở thường xuyên biến động, nhất là cấp cơ sở; số lượng hội viên giảm còn nhiều, ảnh hưởng trực tiếp công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nghị quyết đại hội ở từng cấp.
Chỉ đạo xây dựng các mô hình sản xuất tuy có bước phát triển khá, nhưng việc chỉ đạo nhân rộng mô hình, điển hình chưa nhiều. Công tác chỉ đạo, tổ chức hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân, giúp hội viên nông dân thoát nghèo chưa đạt chỉ tiêu đề ra.
Trong đó có một số ít Ủy viên Ban Chấp hành chưa thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được phân công; dự họp Ban Chấp hành chưa đều, ít tham gia đóng góp ý kiến vào chương trình, kế hoạch, nghị quyết của Hội.
Về vai trò và trách nhiệm của Ban thường vụ có những ưu điểm như: Tập thể Ban Thường vụ chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực theo nguyên tắc tập trung dân chủ và phân công các Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách huyện, thành phố; Thường trực phụ trách cụm, từ đó công tác lãnh, chỉ đạọ nhiệm vụ công tác Hội, phong trào nông dân đi vào hoạt động có nề nếp, đạt hiệu quả cao.
Các Ủy viên Ban Thường vụ thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Hội, Tỉnh uỷ và Ban Thường vụ thành kế hoạch, biện pháp và chỉ đạo việc tổ chức thực hiện đúng, đạt hiệu quả ở lĩnh vực phụ trách.
Các Ủy viên Ban Thường vụ luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ; luôn là trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân.
Ban Thường vụ chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra theo Điều lệ Hội, kiểm tra định kỳ, chuyên đề về thực hiện nghị quyết, chương trình, kế hoạch, chấp hành quy chế làm việc ở từng cấp; thực hiện các chương trình phối hợp; việc quản lý Quỹ hỗ trợ nông dân, các dự án do Hội nhận ủy thác; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của hội viên, nông dân...
Song đó, vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm nhất định như: Ban Thường vụ có sự thay đổi do luân chuyển, nghỉ hưu, khuyết 2 đồng chí so với đề án đầu nhiệm kỳ, nên ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành chung của Hội.
Trong chỉ đạo từng lúc, từng thời điểm thiếu tính đột phá để tạo ra phong trào nổi bật trong công tác Hội và phong trào nông dân; còn một chỉ tiêu chưa đạt theo kế hoạch đề ra; tổ chức hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân về nguồn vốn, vật tư nông nghiệp, thị trường tiêu thụ chưa đáp ứng được yêu cầu.
Một số chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn bất cập, nhưng chưa kịp thời đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung phù hợp, giúp nông dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Việc xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Hỗ trợ nông dân trực thuộc Hội Nông dân tỉnh Cà Mau theo chỉ đạo của Trung ương Hội còn chậm, ảnh hưởng đến hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghề cho lao động nông thôn, nhằm đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn…
Tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ khóa X nghiêm túc kiểm điểm trước Đại hội, xin đại biểu Đại hội đóng góp nhằm làm cơ sở cho Ban Chấp hành khoá XI tiếp tục phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội đề ra.
Tại phiên trù bị, Đại hội đã bầu đoàn Chủ tịch, Thư ký, Ban thẩm tra tư cách đại biểu; báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu, thông qua quy chế đại hội; chương trình đại hội phiên chính thức; quán triệt một số nội dung cần thiết trong đại hội chính thức...
Ngày mai (29/8) Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Cà Mau lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028 chính thức diễn ra.