Hiện nay, lươn đang được người dân ở nhiều địa phương nuôi nhằm phát triển kinh tế. Tuy nhiên, theo thực tế của nhiều hộ nuôi lươn, ở giai đoạn đầu thả giống, lươn bị hao hụt nhiều bởi nhiều lí do khác nhau, gây thiệt hại khá lớn cho bà con chăn nuôi. Trong số phát sóng hôm nay, chương trình Sổ tay Nhà nông sẽ cùng bà con tìm hiểu các biện pháp hạn chế hao hụt lươn trong giai đoạn đầu thả giống.
SỔ TAY NHÀ NÔNG: Biện pháp hạn chế hao hụt lươn trong giai đoạn đầu thả giống
Để khắc phục hiện trạng hao hụt giai đoạn đầu thả giống, bà con nên chọn con giống có màu vàng sẫm, vì loại này có sức sống và tăng trưởng tốt. Cỡ giống thả tốt nhất từ 40 – 60 con/kg. Giống quá nhỏ, khó chăm sóc, dễ chết, thời gian nuôi kéo dài.
Trước khi thả vào bể thuần dưỡng phải tắm lươn. Pha thuốc tắm: 200g muối/10 lít nước hòa tan tắm từ 20 – 30kg lươn giống, thời gian tắm là 1 phút rồi cho lươn vào bể dưỡng. Bể dưỡng có thể là bể nilon hay bể lót bạt, mật độ dưỡng là 4 – 6 kg/m2, chiều sâu nước từ 0,1 – 0,2 m.
Biện pháp hạn chế hao hụt lươn trong giai đoạn đầu thả giống.
Trong bể dưỡng đặt giá thể như: Lục bình, rau muống, rau dừa, dây nylon,... Thời gian dưỡng từ 5 – 10 ngày tùy theo nguồn giống. Khi không còn thấy lươn yếu, lươn chết mà bơi lội nhanh nhẹn thì có thể thả vào bể nuôi. Lưu ý, trong suốt thời gian thuần dưỡng, không được cho lươn ăn và phải thay nước ít nhất 2 lần/ngày, đồng thời phải loại bỏ ngay những con chết, con yếu.
Biện pháp hạn chế hao hụt lươn trong giai đoạn đầu thả giống.
Trong quá trình vận chuyển, nên dùng vật dụng trơn láng để chứa lươn và cho thêm một ít nước, giá thể như rau dừa, lục bình, dây nilon để che mát và tạo chỗ trú ẩn cho lươn nhằm giảm xây xát. Chiều cao lớp lươn vận chuyển không quá 20cm, tránh lớp lươn phía dưới bị đè và khó tiếp xúc được với oxy để hô hấp, lươn bị mất nhớt. Không nên vận chuyển lươn trong những vật dụng kín, bề mặt tiếp xúc nhỏ, lươn khó tiếp xúc với oxy để hô hấp.
Hãy theo dõi chuyên mục Sổ tay Nhà nông các ngày thứ 2, 3, 5 và thứ 6 trên Chuyên mục Thông tin khuyến nông - Dân Việt Media, Chuyên trang Dân Việt Media và kênh Youtube: Sổ tay Nhà nông để có thêm những thông tin hữu ích về nông nghiệp.
Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về: Trung tâm Truyền hình số Dân Việt/ Báo Nông thôn Ngày nay - Lô E2, Khu đô thị mới Cầu Giấy, đường Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: sotaynhanong.danviet@gmail.com