Ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch thường trực thứ 2 của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết trong số những khó khăn về mặt pháp lý đối với thị trường bất động sản, có 3 vướng mắc chính cần tháo gỡ để tạo đà hồi phục cho thị trường.
Cụ thể, ông Đỗ Viết Chiến cho biết khó khăn thứ nhất là tính thực thi của các văn bản quy phạm pháp luật, trong quá trình thực thi kể cả những văn bản mới ban hành nhưng trong quá trình áp dụng thì thường sẽ gặp khó khăn, vướng mắc bởi tính khả thi.
"Sự đan xen, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật gây khó khăn cho bất động sản. Ở Luật này thì cho phép, nhưng ở Luật kia lại không. Làm theo Luật này thì đúng nhưng đem so với Luật kia lại chưa đúng. Việc này dẫn đến tính rủi ro rất lớn, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp kinh doanh, mà ngay cả đối với đội ngũ công chức của Nhà nước thực thi nhiệm vụ cũng gặp rất nhiều rủi ro trong tình huống này. Vậy nên tâm lý né tránh sợ trách nhiệm trong thời gian gần đây được nêu lên trên các diễn đàn, trên các báo cáo, trong các hội nghị của Chính phủ cũng đã nhìn ra vấn đề như vậy, đây cũng chính là hệ lụy của nó", ông Chiến nhận định.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch thường trực thứ 2 VNREA cho biết, một số vấn đề thực tế đã nảy sinh nhưng pháp luật cũng chưa hiểu hết. Ví dụ: Căn hộ Condotel có trên thị trường hàng chục năm nay, sản phẩm này có đến hàng vạn ở 15 tỉnh thành, việc tồn kho ở lĩnh vực này không phải là nhỏ. Có thể nói đó là những vấn đề đi trước nhưng pháp luật vẫn chưa điều tiết. Thậm chí hiện nay trong phần sửa đổi Luật đất đai, Luật kinh doanh Bất động sản, nhà ở,…còn đang đề nghị đưa vào để chính thức định danh nó.
Ngược lại, hàng loạt những cái khác cũng đang tiếp tục xuất hiện trong thực tế cũng chưa được định danh. Ví dụ: Bất động sản Nông nghiệp, đây là lĩnh vực hết sức mới, nhưng Homestay xuất hiện rất lâu rồi, nay xuất hiện thêm Famstay, Orestay, EcoStay, Garden Stay,…rất nhiều những loại như vậy được hình thành trên đất nông nghiệp và cũng chưa được pháp luật điều tiết. Nếu bây giờ không có những định hướng, không có kiểm soát thì một thời gian sau nó sẽ lại giống như sản phẩm của các sàn giao dịch bất động sản vừa qua.
Theo thống kê hiện nay, con số 70% vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp lại là vấn đề pháp lý. Ngay cả khi doanh nghiệp có vốn trong tay nhưng vướng quy định pháp luật thì sẽ không triển khai được. Vậy nên chúng ta vẫn phải tập trung vào khâu xử lý vướng mắc về mặt pháp luật, rồi mới đến vấn đề về vốn như ngày hôm nay chúng ta đang bàn về cách tiếp cận của các doanh nghiệp về vấn đề vốn.
Thủ tục hành chính, riêng về lĩnh vực bất động sản thì “5 bước” sẽ đụng chạm hàng chục cái luật, và thêm “30 bước” trong quá trình triển khai. Như vậy là một “rào cản” vô cùng lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản, làm nản lòng các nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản, mất đi cơ hội”.
“Có thể nhận thấy Chính phủ đang vào cuộc rất quyết liệt, hiện nay đã sửa đổi bổ sung 3 Luật liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản, đó là Luật Đất đai; Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh Bất động sản. Trong bước đi ngắn hạn, có thể nói chưa bao giờ có sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng đến như vậy, trong 3 ngày có 3 Công điện đều trong lĩnh vực về vốn, về bất động sản, về đất đai. Thậm chí còn thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ Tướng tới các địa phương để lắng nghe, giải quyết kịp thời", ông Chiến nhận định.