Dân Việt

Chuyên gia dự báo thời tiết: Biển Đông chuẩn bị đón bão Saola trong 48h tới, có khả năng bão chồng bão

L.V.S 29/08/2023 15:03 GMT+7
Tin bão Saola mới nhất: Biển Đông sẽ đón bão Sao La, bão số 3 trong năm 2023 trong khoảng 48 giờ nữa. Cùng lúc đó, bão Haikui cũng mới hình thành, cách bão Sao La khoảng 1500km về phía Đông.

Tin bão Saola mới nhất: Bão Sao La sẽ vào Biển Đông đúng dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: "Theo nhận định của chúng tôi, khả năng trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 sắp tới siêu bão Sao La sẽ đi vào Biển Đông trở thành cơn bão số 3 trong năm 2023".

Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, hiện nay (29/8), một cơn bão rất mạnh có tên quốc tế là Sao La đang hoạt động ở vùng biển phía Đông Bắc đảo Luzon (Philippines). Hồi 13 giờ ngày 29/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 123,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Lu-Dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ 5-10 km/h.

Dự báo diễn biến bão Saola (trong 24 đến 72 giờ tới):

Thời điểm dự báo

Hướng, tốc độ

Vị trí

Cường độ

Vùng nguy hiểm

Cấp độ rủi ro thiên tai (Khu vực chịu ảnh hưởng)

13h/30/8

Tây Bắc,

khoảng 10 km/h

20,5N-121,2E

Cấp 14-15, giật trên cấp 17

Phía Bắc vĩ tuyến 18,0N; phía Đông kinh tuyến 118,5E

Cấp 3: phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông

13h/31/8

Tây Tây Bắc,

10-15 km/h, di chuyển vào Biển Đông

21,5N-118,6E

Cấp 14, giật cấp 17

Phía Bắc vĩ tuyến 18,5N; phía Đông kinh tuyến 115,5E

Cấp 3: phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông

13h/01/9

Tây Tây Bắc,

khoảng 10 km/h

22,0N-116,5E

Cấp 13, giật cấp 16

Phía Bắc vĩ tuyến 18,0N; phía Đông kinh tuyến 113,0E

Cấp 3: phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông

Cảnh báo diễn biến bão Saola (từ 72 đến 120 giờ tới)

Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, cường độ có khả năng yếu dần.

Chuyên gia dự báo thời tiết: Biển Đông chuẩn bị đón bão Saola trong 48h tới, có khả năng bão chồng bão - Ảnh 2.

Bão Sao La sẽ vào Biển Đông đúng dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9

Vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông từ đêm nay (29/8) gió mạnh cấp 6, từ chiều và đêm ngày 30/8 mạnh lên cấp 7-8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật trên cấp 14; biển động dữ dội. Vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, sóng biển cao 3,0-5,0m.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết chi tiết dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 (từ ngày 1 đến 4/9) như sau: Khu vực Bắc Bộ: Đêm không mưa, ngày trời nắng. Nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 31-34 độ, có nơi trên 34 độ C. Khu vực Trung Bộ: Khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế phổ biến ít mưa, ngày có nắng. Nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 32-35 độ C. Khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mưa rào và dông rải rác. Nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 31-34 độ C. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ: Chiều và tối có mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to; ngày có nắng. Nhiệt độ cao nhất ngày ở Tây Nguyên phổ biến 27-30 độ C; ở Nam Bộ phổ biến 29-32 độ C. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Khu vực Hà Nội: Đêm không mưa, ngày trời nắng. Nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 32-34 độ C.

Nguy cơ bão chồng bão

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Biển Đông sẽ đón bão Saola, bão số 3 trong năm 2023 trong khoảng 48 giờ nữa. Cùng lúc đó, bão Haikui cũng mới hình thành, cách bão Saola khoảng 1500km về phía Đông. Tương tác của hai cơn bão sẽ khiến quỹ đạo của bão Saola còn phức tạp và khó lường.

Cơ quan khí tượng nhận định, cùng với hoạt động của bão Saola thì lúc này ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, cách bão Saola khoảng 1500km về phía Đông cũng đang tồn tại một cơn bão mạnh khác, có tên quốc tế là HAIKUI, bão HAIKU mới hình thành, cường độ mạnh cấp 8. 

Chuyên gia dự báo thời tiết: Biển Đông chuẩn bị đón bão Saola trong 48h tới, có khả năng bão chồng bão - Ảnh 3.

Sự xuất hiện của bão HAIKUI sẽ tạo ra hiệu ứng bão đôi trên Tây Bắc Thái Bình Dương khiến cho đường đi của bão Saola sẽ có những diễn biến phức tạp vì sự xuất hiện của bão HAIKUI sẽ tương tác với bão Sao La tạo ra hiệu ứng bão đôi, hay còn gọi là hiệu ứng Fujiwara. 

Với tương tác Fujiwara xuất hiện thì đường đi của bão Saola đã có nhiều thay đổi. Dự báo ban đầu bão đổ bộ vào Đài Loan (Trung Quốc), sau đó di chuyển vào khu vực Phúc Kiến (Trung Quốc), nhưng trong 1-2 ngày gần đây bão Saola dự báo của các Trung tâm dự báo bão quốc tế bắt đầu có sự thay đổi về hướng dịch chuyển, lệch hơn về phía Nam và đi vào Biển Đông trong khoảng 30 đến 48 giờ tới.

Công điện ứng phó với bão Saola

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn vừa ban hành Công điện số 09/CĐ-QG hồi 10 giờ 30 ngày 29/8/2023 về việc chủ động ứng phó với bão Saola.

Công điện gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Thứ hai, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Thứ ba, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, hệ thống Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của bão đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.

Thứ tư, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.