Dân Việt

Kể chuyện làng: Tháng chín nhớ hũ "măng dòi" mẹ muối

Tố Nga 30/08/2023 11:15 GMT+7
Làng quê tôi ngày trước, đất đai còn khá rộng nên ở đâu cũng thấy toàn là tre. Tre trồng sau hè, tre trồng bờ mương, tre trồng ven đường…

Như bao nhiêu làng quê, cây tre là nguyên liệu chính để làm nhà, chuồng heo, giàn mướp, giàn bầu; từ vật dụng nhỏ nhất hàng ngày như đũa ăn, cái rế cho tới thúng, mủng, nia, nong, cối xay lúa… đều làm bằng tre. Thậm chí, khi đi ngủ cũng nằm trên võng tre, chõng tre mà ngủ.

Kể chuyện làng: Tháng chín nhớ hũ "măng dòi" mẹ muối - Ảnh 1.

Hái măng dòi thời giãn cách. Ảnh: Tác giả cung cấp

Cây tre giúp ích cho nhà nông...

Vì cây tre có nhiều công dụng nên rất quý, trong các "hương ước" của làng ngày xưa thường quy định rằng, những mụt măng tre mọc từ đất luôn phải được chủ nhân (tre tư) hay tập thể (tre công) phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn, không được ai thu hái. Tuy nhiên, nạn bẻ trộm măng về ăn hay "bán chui" cũng thường xảy ra. Để "cảnh báo", chủ nhân dùng những chiếc áo, quần rách trùm lên mụt măng như một "thông điệp" nhắc nhở những "măng tặc" nên từ bỏ ý định trộm măng. Tuy nhiên, vẫn còn một thứ "măng tre" được hái tự do mà không bị ai la rầy, đó là măng vòi, quê tôi thường gọi là "măng dòi". Cho nên làng tôi vẫn còn lưu truyền câu ca: "Cây tre giúp ích cho nhà nông/Từ gốc đến ngọn góp công cho đời".

Kể chuyện làng: Tháng chín nhớ hũ "măng dòi" mẹ muối - Ảnh 2.

Người nông dân thường đến các bụi tre để tìm “dòi tre” về làm dụng cụ gặt lúa. Ảnh: Tác giả cung cấp

Xin kể thêm rằng, ngày trước, làng tôi trồng các loại lúa mất nhiều ngày như: Tàu Núp, Ba Trăng, Nhe, Nếp Bò… nên cây lúa có thân khá cao, gấp đôi gấp ba giống "lúa lùn" ngày nay. Đến mùa thu hoạch, người "thợ gặt" dùng một dụng cụ khá đặc biệt gọi là cái "dòi dằng" để cắt lúa mà ngày nay đã được trưng bày trong "viện bảo tàng nông nghiệp" để minh họa cho "đời sống ngàn năm của cư dân lúa nước". Theo các bậc cao niên của làng tôi, dòi dằng có nguồn gốc từ "cái văng" của người Chăm, sau đó được gọi thành "cái vằng, cái dằng, cái dòi dằng"…

Dòi dằng được cấu tạo khá đặc biệt, bao gồm một lưỡi bằng thép rất bén, phía đối diện lưỡi cắt là một đoạn tre dài khoảng 40 cm có hình cong làm bằng một cái vòi tre già khú đế. Lưỡi cắt và vòi tre này gắn liền vào một ống tre nhỏ làm cán nắm. Khi cắt, người thợ nắm cán dòi dằn xoay và dùng "vòi" để kéo lúa gom lại, tay còn lại giữ lúa và tay kia xoay lưỡi hái 180 độ để cắt lúa, đặc biệt là khi ruộng lúa bị mưa, bão ngã nằm rạp xuống mặt nước. Và làng tôi gần như 100% sử dụng "dòi tre" làm "dòi dằng" để gặt lúa; còn ở một số địa phương khác, người nông dân chế tác dụng cụ này bằng gỗ.

Kể chuyện làng: Tháng chín nhớ hũ "măng dòi" mẹ muối - Ảnh 3.

Một dụng cụ gặt lúa bằng gỗ của miền Tây Nam Bộ trông gần giống cái dòi dằng miền Trung xứ Quảng. Ảnh sưu tầm tác giả cung cấp

Mùa măng dòi (vòi) tháng Chín

Tôi còn nhớ như in, tháng Chín, những mụt măng tre bụ bẫm ngày nào nay đã phát triển thành những cây "tre non". Từ các mắt của thân cây tre non này nứt ra những "nhánh" gọi là "măng dòi". Các "nhánh" măng dòi này khi trưởng thành sẽ tạo ra các nhánh tre gai chi chít có "nhiệm vụ" bảo vệ măng non và giữ gìn cây tre không bị ngã khi có bão về. Riêng tôi, cho đến bây giờ, mỗi khi nghe ai nhắc đến chuyện đi hái măng dòi về làm thức ăn, lòng lại cảm thấy trào lên một cảm giác bâng khuâng khó tả.

Theo đó, vào mùa mưa gió bão bùng, sau khi đi học về, anh em chúng tôi mang theo khâu liêm hoặc cây sào nhỏ có buộc dây thòng lọng thật chắc để đi hái măng vòi mang về, lột bẹ và xắt xéo ra (chỉ xắt phần mềm). Sau đó, mẹ tôi luộc và ngâm với nước chua trong hũ thủy tinh. Vài ngày sau, vớt măng ra rửa qua nước sạch và nấu canh chua với cá, rạm đồng và thêm trái khế xắt mỏng cùng mấy loại rau gia vị trong vườn nữa là đã có một nồi canh chua tuyệt vời với hương vị rất đặc trưng.

Kể chuyện làng: Tháng chín nhớ hũ "măng dòi" mẹ muối - Ảnh 4.

Rổ măng dòi. Ảnh: Tác giả cung cấp

Có nhiều lần, tôi hái được nhiều măng vòi, nấu canh không hết, mẹ tôi bèn đem kho cá, ăn rất hấp dẫn. Những lát măng vòi kho thấm đẫm chất ngọt của cá với vị bùi bùi, nhân nhẫn, cay cay khiến nồi cá kho măng vòi trở thành "đặc sản": ngon gấp nhiều lần so với lúc không kho măng. Kết quả: Bữa cơm nào có cá kho măng vòi, anh em tôi đều bới cơm lia lịa, loáng cái sạch nồi.

Thi thoảng, mẹ làm cũng làm dưa măng vòi đã cắt nhỏ cùng với ớt quả chín đỏ, thêm muối, gia vị vừa đủ cho vào hũ nhỏ chờ cho ngấm rồi mang ra ăn. Mùi thơm dậy của măng chua, màu đỏ quyến rũ của ớt rất kích thích vị giác. Dưa măng vòi có thể ăn kèm với xôi, cơm hay cho vào nồi canh chua tạo nên món ăn lạ lẫm nhưng rất thơm ngon, nhớ đời ở xứ Quảng.

Kể chuyện làng: Tháng chín nhớ hũ "măng dòi" mẹ muối - Ảnh 5.

Nguyên liệu nấu món thịt vịt um măng dòi. Ảnh tác giả cung cấp

Và từ mớ măng vòi muối chua này, mẹ dầm với mắm cá cơm đã ngấu rồi đậy chặt miệng hũ sành bằng lá chuối khô. Đem hủ mắm đặt vào gần bếp lửa chừng vài, ba ngày là ăn được. Mắm cá cơm bỏ măng vòi vừa có vị mặn đậm đà của mắm cá, vừa có vị ngọt "nhân nhẫn" của măng vòi ăn rất "hao cơm". Đặc biệt, vào mùa mưa lụt, mẹ tôi nấu măng vòi um vịt là món ăn mà bất kỳ người dân ở miền Trung xứ Quảng nào cũng đủ làm nước miếng "râm rang" trong miệng.

Ăn "măng dòi" nhớ mẹ!

Còn nhớ vào năm 2021, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, địa phương tôi nằm trong diện "Ai ở đâu ở yên đó" nhằm phòng chống lây lan dịch bệnh nên các loại thực phẩm đều nhờ "Tổ Covid cộng đồng" mua giúp và người dân quê tôi còn tận dụng thêm các loại rau, quả trong vườn để làm phong phú thêm các món ăn trong gia đình thời giãn cách. Theo đó, tôi ra vườn hái các nhánh măng dòi để muối chua nhằm chế biến các món ăn mà ngày xưa khi thời mưa gió, khan hiếm thức ăn, mẹ tôi thường nấu.

Kể chuyện làng: Tháng chín nhớ hũ "măng dòi" mẹ muối - Ảnh 6.

Bát thịt vịt um măng dòi thơm ngon, hấp dẫn. Ảnh: Tác giả cung cấp

Sau khi hũ măng vòi đã chua, tôi vớt ra um với thịt vịt rất thơm ngon như sau: Chặt thịt vịt ra từng miếng vừa ăn rồi ướp với gia vị như tiêu bột, củ nghệ, củ gừng và ớt giã nhỏ; mì chính, muối… khoảng 20 phút cho thấm. Sau đó bắt nồi lên phi củ nén hoặc tỏi với dầu phộng cho thơm rồi trút hỗn hợp thịt vịt và măng vòi đã chua vào đảo nhẹ. Khi hỗn hợp sôi lại, tôi nấu nhỏ lửa um thêm 20 phút nữa rồi nêm nếm vừa ăn, bỏ thêm rau hổ điếc, ngò tây và nhắc xuống ăn nóng với cơm khá ngon.

Ăn miếng "măng dòi" um thịt vịt thật đặc sắc với hương vị vừa béo, vừa chua chua, vừa thơm, vừa dẻo… Ôi thôi! Chữ nghĩa "bó tay" không thể diễn tả nổi "cái ngon", chỉ khi thực sự ăn mới cảm nhận được cái ngon kỳ diệu này. Bây giờ, khi viết bài này, tôi vẫn thấy nhớ mẹ hiền, một nỗi nhớ dai dẳng khôn nguôi, nhớ lại tuổi thơ tôi đã trải qua bao mùa lũ lụt trong miền Trung xứ Quảng nghèo khó, lớn lên bằng những hạt lúa, củ khoai trên nương và trên rẫy; con tép bạc, con cá trên mương cạn, dưới đồng sâu hay mớ măng vòi bẻ vội từ bụi tre sau hè…

Kể chuyện làng: Tháng chín nhớ hũ "măng dòi" mẹ muối - Ảnh 7.

Măng dòi mọc từ thân cây tre non. Ảnh: Tác giả cung cấp

Ngày nay, dù tôi đã đi qua nhiều nơi, được thưởng thức các món đặc sản của mỗi vùng miền, khá lạ và ngon, nhưng dư âm hương vị từ hũ măng dòi mẹ muối và nấu với cá đồng, thịt vịt hay dầm mắm cái… vẫn "nhớ mãi" trong lòng tôi. Giờ đây, làng tôi vẫn còn vang vọng câu ca thấm đậm tình yêu quê hương: "Anh đi bỏ mắm măng dòi / Bỏ nồi canh hến bỏ người anh thương…" hay là: "Ai làm cho đó xa đây / Cho chim chèo bẻo xa cây măng dòi / Anh ơi nghĩ lại mà coi / Tấm lòng em ở gương soi nào bằng…".

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.