Dân Việt

Ứng dụng công nghệ cao, xây dựng “cỗ máy” nuôi cá trên biển

Thiên Hương 03/09/2023 07:39 GMT+7
Theo các chuyên gia thuỷ sản, nước ta đã có hơn 20 năm phát triển nghề nuôi biển nhưng chủ yếu ven bờ trong các vũng, vịnh và các vùng nước kín.

Nghề nuôi biển cần phải tiến dần ra nuôi ở các vùng biển xa bờ, áp dụng công nghệ cao, chủ động về con giống, thức ăn, công nghệ lồng nuôi, chú trọng bảo vệ môi trường và có thể khai thác các giá trị về du lịch…

Chuyển đổi từ người nuôi trồng

Khánh Hòa là địa phương đang đứng đầu cả nước về nuôi biển ứng dụng công nghệ cao, trong đó tiên phong là Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam đã đầu tư 200 triệu USD cho các trại nuôi biển trên vịnh Vân Phong, trở thành nhà sản xuất cá chẽm biển lớn nhất thế giới. Doanh nghiệp này đã lập phương án đầu tư thêm 800 triệu USD vào nuôi cá chẽm và kết hợp phát triển du lịch ở vịnh Vân Phong.

Ứng dụng công nghệ cao, xây dựng “cỗ máy”  nuôi cá trên biển  - Ảnh 1.

Lồng bè nuôi cá trên vịnh Vân Phong (Khánh Hòa). Ảnh: Dt.l

img

Ông Trần Công Khôi – Trưởng phòng Giống và thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT): Chủ động tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm

Thị trường cho các sản phẩm nuôi biển mới bắt đầu phát triển vì đây là ngành mới. Hiện tôm hùm chúng ta đã xuất khẩu được 142 triệu USD, cá biển hơn 300 triệu USD, tuy nhiên tiềm năng xuất khẩu còn rất lớn, nhưng các thị trường đều có tiêu chuẩn nhập khẩu khác nhau, vì vậy chúng ta phải tìm hiểu, nghiên cứu để sản xuất làm sao đáp ứng được yêu cầu đó.

Muốn như vậy, chúng ta phải có vùng nuôi lớn đạt chuẩn, thứ 2 phải có nghiên cứu sâu, đủ về các thị trường tiềm năng và có cách tiếp cận phù hợp, làm theo đúng yêu cầu thị trường. Nếu chúng ta làm được vòng tròn như thế thì sản phẩm của chúng ta sẽ đi được khắp thế giới.

img

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam: Bảo vệ môi trường ở các vùng nuôi

Để bảo vệ môi trường ở các vùng nuôi biển, đề nghị Cục Thủy sản đưa ra những quy định mà người nuôi phải thực hiện, theo đó chỉ được giao diện tích biển khi đáp ứng được quy định, đồng thời có chế tài xử phạt rõ ràng. Nếu vi phạm nhiều lần phải thu hồi giấy phép và xử lý hành chính thích đáng.

Bên cạnh đó, nước ta phải có đánh giá sức tải môi trường vùng nuôi, đảm bảo vấn đề môi trường để phát triển bền vững. Như vịnh Xuân Đài – Vũng Rô (Phú Yên) đang ô nhiễm khủng khiếp. Cần nhìn nhận thẳng thắn vấn đề lỗi lớn nhất là do chính người nuôi. Nếu không đánh giá đúng mức hộ xâm hại tới môi trường thì không bao giờ phát triển được bền vững.

P.V (ghi)

Theo bà Nguyễn Thị Toàn Thư - chuyên viên phụ trách lĩnh vực Nuôi trồng thủy sản - Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, là địa phương có 3 vịnh lớn nổi tiếng thế giới gồm Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh với độ sâu lý tưởng, kín gió, Khánh Hòa trở thành trung tâm nuôi trồng thủy sản trên biển lớn nhất miền Trung. Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều cơ sở nghiên cứu, viện nghiên cứu chủ động sản xuất được nhiều con giống mới chất lượng, năng suất cao. Nhờ thế mà nghề nuôi biển của tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, với sản lượng trên 20.000 sản phẩm các loại mỗi năm.

Hiện, các đối tượng nuôi biển chủ yếu của tỉnh là tôm hùm, cá biển, cá chim vây vàng, cua biển, rong biển... Riêng tôm hùm, thời gian qua, sản lượng tôm của Khánh Hòa chiếm trên 50% sản lượng cả nước, đạt gần 3.000 tấn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Tuy nhiên, hầu hết bà con nuôi trồng thủy sản ở đây vẫn nuôi ở vùng biển kín ven bờ, lồng bè bằng gỗ, tre, xốp, sử dụng thức ăn tươi, nguy cơ dịch bệnh và ô nhiễm môi trường rất lớn; sức chống chịu các lồng bè gỗ truyền thống với gió bão rất hạn chế, dễ bị ảnh hưởng khi gặp mưa bão…

Theo lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, địa phương đang bắt tay chuyển đổi từ mô hình nuôi biển truyền thống sang nuôi quy mô công nghiệp, tập trung vào 2 giải pháp đột phá: Thứ nhất, khuyến khích những doanh nghiệp và hợp tác xã đủ tiềm lực tài chính và kinh nghiệm, đầu tư làm lớn giống như Công ty Australis Việt Nam. Thứ hai, những hộ dân làm theo quy mô nhỏ, tỉnh sẽ có những chính sách hợp lý để tạo điều kiện cho bà con mở rộng quy mô nuôi trồng, đầu tư thay thế dần bè làm bằng gỗ.

Khánh Hòa đã xây dựng Đề án thí điểm nuôi biển công nghệ cao với diện tích khoảng 3.300ha, từ ven bờ đến 3 hải lý, và đề xuất thêm vùng mới từ 3-6 hải lý. Đề án cũng quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh tại các vùng biển kín, vùng biển hở; xây dựng các chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi lồng nuôi sử dụng vật liệu truyền thống sang lồng nuôi sử dụng vật liệu mới HDPE. Đồng thời, Khánh Hoà cũng sẽ hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động làm việc trên lồng bè nuôi trồng thuỷ sản, hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với đối tượng thuỷ sản được thả nuôi... "Hiện đề án đã được tỉnh thông qua và sẽ trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới" - bà Thư nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong nuôi trồng thủy sản trên biển hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Về vấn đề này, ông Đặng Xuân Trường - Trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) cho biết, thực hiện Quyết định 339 của Chính phủ và Đề án 1664, Bộ NNPTNT giao cho Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện các giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi biển. Chính sách hiện hỗ trợ 50-70% vốn cho bà con, còn lại là nguồn lực của người dân, nhưng nhiều khi bà con cũng không có đủ năng lực đối ứng.

Ứng dụng công nghệ cao, xây dựng “cỗ máy”  nuôi cá trên biển  - Ảnh 5.

Cá chim vây vàng tại Vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) được nuôi quy mô công nghiệp, sử dụng thức ăn chuyên biệt dành cho cá biển của Công ty TNHH De Heus. Ảnh: D.H

"Khó khăn nữa là hầu hết người dân nuôi theo truyền thống, việc vận động bà con chuyển từ nuôi lồng gỗ sang lồng nhựa vật liệu mới, chuyển sử dụng thức ăn từ cá tạp sang thức ăn công nghiệp rất khó. Thêm nữa, không phải công nghệ nào cũng phù hợp với điều kiện đầu tư của bà con, với từng vùng miền. Do vậy chúng tôi vẫn đang đặt hàng các viện nghiên cứu, doanh nghiệp để hỗ trợ bà con kịp thời. Cuối cùng là khó khăn trong liên kết sản xuất, tổ chức sản xuất, làm sao kết nối được nhà nghiên cứu, cán bộ khuyến nông để giảm chi phí đầu vào cho bà con, giảm trung gian, tăng hiệu quả nuôi trồng…, nhưng quan trọng nhất vẫn là chuyển đổi từ chính những người nuôi trồng" – ông Trường nhấn mạnh.

Đề xuất xây dựng tiêu chuẩn về lồng nuôi

img

Quản lý thức ăn nuôi biển

Ông Đỗ Văn Kiểm – Giám đốc kinh doanh thức ăn cá biển Công ty TNHH De Heus Việt Nam cho rằng, trong nuôi biển, việc ứng dụng công nghệ đang thiếu và yếu, mới có một số doanh nghiệp áp dụng được công nghệ vào kiểm soát thức ăn trong nuôi biển. Hầu hết các hộ nuôi sử dụng thức ăn từ cá tạp, khu vực nuôi biển sử dụng thức ăn công nghiệp quá nhiều cũng bị ô nhiễm.

Để khắc phục tình trạng này, theo ông Đỗ Văn Kiểm, cần có quy hoạch lồng bè, số lượng cá nuôi hợp lý. Đối với khu vực quá ô nhiễm thì không nên sử dụng thức ăn từ cá tạp mà dùng thức ăn công nghiệp ở mức độ phù hợp. Bên cạnh đó, chúng ta có thể dùng công nghệ để kiểm soát thức ăn; kết hợp xử lý môi trường nuôi biển và nên nuôi trồng thủy sản trên bờ, sau đó mới đưa ra nuôi biển sẽ hiệu quả hơn, bớt rủi ro hơn.

T.H

Bà Nguyễn Thị Hải Bình – Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn STP Group cho rằng, để nuôi trồng thuỷ sản trên biển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, việc đầu tư lồng nhựa HDPE đang là hướng đi mới cho bà con ngư dân. Lồng nhựa HDPE được ví như "móng nhà" vững chắc trên biển và có thể xây lên 5-7 tầng. Tại Na Uy, người nuôi đã sử dụng lồng nhựa HDPE vào nuôi biển 30 năm nay; Trung Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan, Indonesia cũng sử dụng rất phổ biển, và tuổi thọ của lồng HDPE có thể lên đến 50 năm.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho biết, 99% số trại nuôi trên biển ở nước ta hiện nay là quy mô hộ gia đình nên sản xuất phải lo từ cá giống, lồng bè, dịch bệnh đến khâu bán cá… Việc này khiến mọi rủi ro đổ lên đầu người nuôi, nếu không may bị gió bão, thị trường ế ẩm thì các hộ bị thiệt hại nặng nề. Thứ 2, do có quy mô hộ gia đình nên sức đầu tư vào các trại nhỏ, áp dụng cơ giới hóa, các tiến bộ kỹ thuật yếu, phần lớn các bè nuôi thủ công, tận dụng các vật liệu, trong đó có vật liệu có thể gây hại môi trường.

Thứ 3 là vấn đề hệ thống, các chuỗi nuôi biển đang manh nha nhưng còn nhỏ, chưa có sự kết nối hay việc cung cấp cá giống cho bà con không ai kiểm định. Thứ 4, mặc dù các bè nuôi của bà con trị giá từ vài trăm triệu hay tới hàng chục tỷ đồng nhưng Nhà nước, ngân hàng vẫn không công nhận đó là tài sản. Hiện không có cơ quan nào xác định, đánh giá để coi đó là tài sản cho bà con có thể vay vốn hay tiếp cận bảo hiểm... Luật Thủy sản năm 2017có hiệu lực từ đầu năm 2019 nhưng chưa có cơ quan nào được giao biển và giao biển đủ dài để nuôi trồng thủy sản lâu dài.

Để tháo gỡ những vướng mắc này, ông Trần Công Khôi – Trưởng phòng Giống và thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) nhấn mạnh, hành lang pháp lý đã rất rõ ràng, Bộ NNPTNT đang tiếp tục đề xuất sửa đổi Nghị định 26 về cấp phép nuôi trồng trên biển để có các chính sách đồng bộ cho người dân. Bên cạnh đó, Cục Thủy sản cũng đang phối hợp một số công ty, đơn vị triển khai các mô hình nuôi thủy sản cộng đồng tại Phú Yên, Bình Định, Cà Mau, Kiên Giang… Những mô hình này phát triển theo phương thức đồng quản lý, vừa quản lý được khai thác ven bờ, vừa chuyển đổi nghề cho bà con ngư dân, đồng thời giúp giảm thiểu hoạt động khai thác tận diệt ven bờ.

Ông Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, quy hoạch không gian biển quốc gia đang bị chậm tiến độ. Chúng ta không thể kêu gọi ngư dân đầu tư bài bản, áp dụng các công nghệ mới như lồng nhựa HDPE, máy cho cá ăn tự động… nếu như họ không có quyền sử dụng vùng biển đó lâu dài.

"Đề nghị Cục Thủy sản cũng như các cơ quan liên quan sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam liên quan nuôi biển. Về phía các địa phương, cần bàn hành tiêu chuẩn cơ sở, như Quảng Ninh đi rất sớm trong việc phê duyệt vật liệu trong nuôi trồng thủy sản mặn – lợ; ban hành thông tư hướng dẫn giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân. Cần ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, cùng với giao mặt biển thì mới biến đầu tư của người dân thành tài sản. Lúc đó người dân có thể dùng tài sản này để thế chấp ngân hàng vay vốn đầu tư, mua bảo hiểm rủi ro, thừa kế…" - ông Dũng nêu.