Clip mặt nạ giấy được tô vẽ để chuẩn bị đưa ra thị trường. Thực hiện: Lê Dương - Tú Anh.
Ngày nay, trên khắp các gian hàng bày bán đồ chơi mỗi dịp Tết Trung thu đều có vô số những món đồ chơi hiện đại và độc lạ, thế nhưng những chiếc mặt nạ giấy bồi vẫn hiện hữu, chiếm một vị trí quan trọng không thể thay thế.
Mặt nạ giấy bồi là mặt hàng thủ công dễ làm nhưng nó đòi hỏi người làm phải có sự cẩn thận trong từng công đoạn. Sở dĩ được gọi là mặt nạ giấy bồi vì những chiếc mặt nạ này được làm từ giấy xé vụn và đắp bồi lên nhau để tạo độ dày và kết dính.
Hiện hữu trên những chiếc mặt nạ là đa dạng những hình ảnh về các nhân vật trong đời sống hay thậm chí là trong văn học, hoạt hình như Chí Phèo, ông Tễu, Thị Nở, Tôn Ngộ Không, Thỏ Ngọc, hổ, mèo,... Đây đều là những hình ảnh vô cùng gần gũi với trẻ nhỏ và người dân Việt Nam.
Mỗi một món đồ chơi truyền thống đều mang một câu chuyện riêng của nó, mỗi chiếc mặt nạ giấy bồi cùng với hình dáng khác nhau cũng như vậy. Chẳng hạn như, hình dáng của mặt nạ Ông Địa và Thỏ Ngọc là tượng trưng cho sự to tròn, đầy đủ và sung túc của mùa màng bội thu và sự trong sáng của ánh trăng đêm rằm. Hay nhân vật chú Tễu luôn tươi cười, vui vẻ dẫn đầu đoàn múa lân luôn tạo sự sôi động cho trẻ con trong đám rước như là một hình ảnh tượng trưng cho sự mở đầu hưng thịnh.
Không chỉ mang lại niềm vui cho thiếu nhi vào dịp Trung thu đến, những chiếc mặt nạ giấy bồi tuổi thơ còn là một công cụ để người lớn truyền đạt đến thế hệ trẻ những nét đẹp văn hóa dân tộc.
Những năm trở lại đây, bên cạnh những mặt hàng ngoại nhập như đèn chạy pin nhấp nháy, mặt nạ cao su, súng phun nước,.. những chiếc mặt nạ giấy bồi dần dà ít được xuất hiện hơn trong những mâm cỗ Trung thu và những người bán mặt nạ giấy bồi cũng không còn nhiều như trước nữa. Giờ đây, ở phố cổ Hà Nội chỉ có gia đình ông Hòa và bà Lan còn duy trì nghề làm mặt nạ giấy bồi truyền thống.
Nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở phố 73 Hàng Than, ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Hòa và bà Đặng Hương Lan luôn tràn ngập những xếp giấy vụn, bút vẽ, hộp sơn tổng hợp các màu, thùng keo… và những chiếc mặt nạ nhiều màu sắc, hình dáng phong phú.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, bà Lan chia sẻ, làm mặt nạ giấy là nghề gia truyền của gia đình bà và đến nay đã được hơn 40 năm tuổi. Dù hai ông bà đều đã ngoài 60 tuổi nhưng những công đoạn từ bồi từng lớp giấy bìa vào khuôn đến khi tô vẽ mặt nạ, ông bà đều làm rất cẩn thận và tỉ mỉ.
"Để có thể hoàn thành được một chiếc mặt nạ giấy bồi cần phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau và điều quan trọng hơn hết cả là người làm mặt nạ phải có chút khéo tay, tỉ mỉ, cần cù và phải đam mê nó thì khi vẽ mặt nạ nó mới có hồn”, bà Lan bộc bạch.
Ông Nguyễn Văn Hòa cho hay, mỗi chiếc mặt nạ sẽ được bồi từ 4-5 lớp giấy vụn, khi đã bồi đủ giấy thì mặt nạ sẽ được mang đi phơi khô dưới ánh nắng tự nhiên từ 1-3 ngày tùy điều kiện thời tiết chứ không được dùng máy sấy để tránh mặt nạ bị biến dạng.
“Những đứa con tinh thần” mà ông bà tỉ mỉ, cầu kì làm như vậy nhưng mỗi sản phẩm bán ra chỉ từ 30-40.000 đồng tùy kích cỡ.
Sản phẩm nào làm ra cũng chất lượng, vậy nên cứ đến dịp lễ Trung thu có rất nhiều mối khách liên hệ ông, bà để lấy hàng về bán, có người thì tìm tận đến nhà để mua trực tiếp. Ông Hòa chia sẻ: “Mỗi dịp Trung thu đến cảm xúc của tôi rất vui và hạnh phúc vì thấy các cháu nhỏ đeo những chiếc mặt nạ của mình, bản thân tôi cảm thấy phấn khởi và thấy trẻ lại, nhớ lại tuổi thở của mình ngày xưa”.
Để làm ra được những chiếc mặt nạ giấy bồi đẹp như vậy quả thực không phải là điều dễ dàng. Thế nhưng, dù công việc có nhọc nhằn là thế ông bà vẫn say mê và bám trụ với nghề, bởi niềm hạnh phúc của ông bà đến từ những điều giản dị. Những chiếc mặt nạ mộc mạc này không chỉ là đồ chơi con trẻ mà nó còn lưu giữ trong đó những nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc.
Giá trị nguyên bản, đơn sơ và mộc mạc nhất của ngày Tết Trung thu trọn vẹn và đầy ý nghĩa, đó là hình ảnh những chiếc mặt nạ giấy bồi đầy màu sắc bên cạnh những chiếc bánh trung thu chuẩn vị truyền thống khiến cho ngày Trung thu trở nên ý nghĩa và đầm ấm hơn bao giờ hết.